Sôi nổi tiết học thư viện

Tiết học được tổ chức tại thư viện mang đến không khí sôi nổi, hào hứng cho học sinh. Thông qua tiết học, giáo viên đồng thời hướng dẫn cho học sinh kỹ năng đọc, từ đó góp phần xây dựng văn hóa đọc.

Tiết học thư viện của lớp 12D1, Trường trung học phổ thông Vĩnh Cửu. Ảnh:H.Yến

Tiết học thư viện của lớp 12D1, Trường trung học phổ thông Vĩnh Cửu. Ảnh:H.Yến

Mới đây, Trường trung học phổ thông (THPT) Vĩnh Cửu (huyện Vĩnh Cửu) đã tổ chức chuyên đề tiết học thư viện theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Những tiết học, tiết đọc thư viện sẽ được các trường THPT triển khai từ năm học này.

Nhiều hoạt động trong tiết học thư viện

Thực hiện tiết học thư viện là giáo viên môn Ngữ văn Võ Nguyễn Huyền Linh. Tiết học thư viện gói gọn trong 45 phút nhưng có nhiều hoạt động: hướng dẫn kỹ năng đọc, đọc cá nhân - chia sẻ, đọc to - nghe chung, hướng dẫn đọc sáng tạo.

Cô Linh mở đầu tiết học thư viện bằng một mini game trắc nghiệm hiểu biết của học sinh về các thể loại sách. Sau đó, cả lớp cùng cô tìm hiểu về cuốn sách Hiểu về trái tim của tác giả Thích Minh Niệm. Trước đó, giáo viên đã giao cho học sinh về nhà tự tìm hiểu thông tin về cuốn sách và tự đọc trước một nội dung tự chọn trong cuốn sách này. Tại tiết đọc thư viện, giáo viên hỏi học sinh một số câu hỏi để kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh. Thông qua đó, giáo viên hướng dẫn học sinh kỹ năng đọc lướt nhằm giúp học sinh có kỹ năng lựa chọn những cuốn sách phù hợp với nhu cầu đọc của mình.

Mục tiêu của tiết học thư viện là rèn kỹ năng đọc hiểu trên đa dạng hình thức, thể loại văn bản và nền tảng xuất bản; nhấn mạnh đến năng lực thông tin cần trang bị cho học sinh ở thế kỷ XXI; thúc đẩy sự đam mê khám phá tri thức; dùng năng lực đọc để khám phá các đa năng lực trí tuệ khác nhau: trí tuệ cảm xúc, trí tuệ tư duy, trí tuệ sáng tạo…

Ở phần đọc cá nhân - chia sẻ, học sinh được hướng dẫn chọn đọc ít nhất 1 nội dung mình yêu thích từ cuốn sách và trả lời những câu hỏi: “Xác định đề tài, chủ đề của chương sách; nội dung chính của chương sách là gì, chỉ ra một chi tiết hoặc câu nói mà em ấn tượng trong quá trình đọc; từ chương sách trên, em rút ra thông điệp ý nghĩa gì cho bản thân?”. Nhờ được hướng dẫn trước kỹ năng đọc nên học sinh khá tự tin chia sẻ cảm nghĩ, quan điểm cá nhân về nội dung cuốn sách, đồng thời mở rộng về quan điểm sống của cá nhân.

Ở phần đọc to - nghe chung, một học sinh đọc một bài viết trong cuốn sách cho cả lớp cùng nghe. Sau đó, cả lớp có 5 phút để ghi lại cảm nghĩ cá nhân về nội dung vừa nghe. Giáo viên chọn ngẫu nhiên một số ghi chú của học sinh để đọc cho cả lớp cùng nghe, qua đó cho thấy những nhận thức đa chiều của học sinh về cùng một vấn đề liên quan đến nội dung bài đọc.

Ở phần đọc sáng tạo, giáo viên giao nhiệm vụ về nhà cho học sinh là vẽ infographic minh họa cho một chương sách mà học sinh yêu thích nhằm lan tỏa những thông điệp ý nghĩa của cuốn sách đến mọi người.

Quy định về tổ chức các tiết học, tiết đọc thư viện

Ngày 22-11-2022, Bộ Giáo dục và đào tạo đã ban hành Thông tư số 16/2022/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn thư viện cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông.

Theo đó, đối với trường trung học (bao gồm trung học cơ sở và THPT), tiêu chuẩn về hoạt động thư viện mức độ 1 có nội dung: “tổ chức tiết đọc tại thư viện với nhiều hình thức khác nhau, sắp xếp linh hoạt trong thời khóa biểu hoặc lồng ghép trong các hoạt động giáo dục khác; tổ chức tiết học tại thư viện được thực hiện theo từng môn học, hoạt động giáo dục hoặc liên môn…”.

Tiêu chuẩn về hoạt động thư viện mức độ 2 có nội dung: “Hoạt động tiết đọc tại thư viện bảo đảm tối thiểu 3 tiết/học kỳ/lớp, nội dung do hiệu trưởng trường trung học quy định phù hợp với chương trình giáo dục; hoạt động tiết học tại thư viện bảo đảm tối thiểu một tiết/học kỳ/môn học hoặc liên môn do hiệu trưởng trường trung học quy định phù hợp với chương trình giáo dục”.

Thời gian dành cho một tiết học, tiết đọc tại thư viện tương đương với thời gian dành cho một tiết của các môn học khác. Tiết học và tiết đọc thư viện được tổ chức ở thư viện hoặc ở lớp học do giáo viên bộ môn và thủ thư thực hiện. Từ đó góp phần phát triển thói quen đọc sách, khả năng ghi nhớ, kỹ thuật đọc sách… đẩy mạnh văn hóa đọc trong nhà trường.

Tiết đọc, tiết học thư viện tạo cơ hội cho học sinh có thời gian và tiếp cận thư viện hàng tuần, hình thành thói quen đọc; học sinh được chia sẻ những giá trị từ việc đọc của mình với bạn bè và thầy cô; học sinh biết cách chọn cái gì để đọc và biết cách đọc.

Em Cao Thanh Phong, lớp 12D1, Trường THPT Vĩnh Cửu, bày tỏ hứng thú khi tham gia tiết học thư viện. Phong cho biết: “Tiết học được giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin, chúng em được tham gia trò chơi, được trải nghiệm nên cảm thấy hứng thú hơn, vui hơn các tiết học khác. Bên cạnh đó, trong tiết học thư viện, chúng em còn được hướng dẫn kỹ năng đọc sách để đọc hiệu quả hơn”.

Còn em Bùi Ngọc Kim Nhung, lớp 12D1, chia sẻ: “Em cảm thấy thích thú với tiết học thư viện. Chúng em được chia sẻ quan điểm cá nhân, cùng cô và các bạn bàn luận về một vấn đề để từ đó tự rút ra bài học cho riêng mình”.

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202411/soi-noi-tiet-hoc-thu-vien-9de5757/