Sôi nổi vấn đề đầu tư, du lịch, giáo dục tại nghị trường
Ngày làm việc thứ hai (19/7), Kỳ họp thứ tám, HĐND tỉnh khóa VIII diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn những vấn đề về việc đầu tư Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên; đầu tư phát triển du lịch; việc thừa, thiếu giáo viên; tiến độ thực hiện dự án Nhà máy xử lý rác thải tại TP Tuy Hòa; việc đầu tư, sử dụng vốn ngân sách đối với các dự án do Ban quản lý Khu kinh tế (KKT) Phú Yên làm chủ đầu tư…
* Đại biểu HĐND tỉnh Đặng Thị Hồng Nga chất vấn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ vì sao đến nay chưa khởi công xây dựng Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên, trách nhiệm thuộc về cơ quan, đơn vị nào? Khi nào thì Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên hoàn thành đưa vào sử dụng? UBND tỉnh có những giải pháp gì để phát huy những tiềm năng, lợi thế trong đầu tư, phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 và phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030 như mục tiêu đã đề ra?
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ: Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên được HĐND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư. Đây là công trình thuộc lĩnh vực y tế khó và phức tạp hơn so với các công trình khác, cần có thời gian nghiên cứu về tổng mặt bằng, dây chuyền công năng sử dụng, khoảng cách ly, an toàn bức xạ, chống lây nhiễm, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy… Hiện chủ đầu tư đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình lại Sở Xây dựng, dự kiến UBND tỉnh phê duyệt dự án trong tháng 7 này. Sau khi UBND tỉnh phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án, chủ đầu tư sẽ triển khai các công việc tiếp theo và đề nghị các cơ quan ưu tiên giải quyết thủ tục liên quan đến dự án, bao gồm cả công tác bàn giao mặt bằng từ UBND TP Tuy Hòa. Các công việc tiếp theo là tổ chức lập, trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, dự kiến hoàn thành trong tháng 9 và hoàn thiện hồ sơ trong tháng 12, trình thẩm định và phê duyệt trong tháng 1/2023; tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp và khởi công trong quý I/2023. Dự kiến thời gian thi công hoàn thành, bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng năm 2025.
Về đầu tư phát triển du lịch, UBND tỉnh đã đề ra giải pháp để phát huy những tiềm năng, lợi thế của mình trong đầu tư, phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 và phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030. Theo đó, tỉnh sẽ nâng cao chất lượng công tác lập, quản lý và tổ chức thực hiện các quy hoạch; tăng cường kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư hình thành một số khu du lịch tạo điểm nhấn của Phú Yên. Tỉnh cũng sẽ tập trung nguồn ngân sách và xã hội hóa để đầu tư phát triển kết cấu, hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông; nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; xây dựng một số sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, kêu gọi đầu tư sản phẩm du lịch cao cấp, phát triển các loại hình du lịch…
Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ cộng đồng và doanh nghiệp đầu tư phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng xanh, sạch, bền vững. Đồng thời liên kết các doanh nghiệp du lịch với cộng đồng dân cư, phát triển các làng nghề truyền thống trở thành điểm đến của du khách. UBND tỉnh đang triển khai chương trình kích cầu du lịch, truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; tập trung xây dựng thương hiệu du lịch Phú Yên; đào tạo các kỹ năng cần thiết cho người dân tham gia hoạt động du lịch cộng đồng…
* Đại biểu HĐND tỉnh Phan Thị Hà Phước chất vấn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ việc thừa, thiếu giáo viên ở các cấp học phổ thông, nhất là ở bậc học mầm non; giải pháp khắc phục trong thời gian tới? Việc rà soát biên chế, tuyển dụng, bố trí, sắp xếp giáo viên?
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ: Bậc mầm non, biên chế giáo viên mầm non được giao chưa đảm bảo với số lớp, học sinh hiện có. Hiện nay, tỉnh mới cấp biên chế cho giáo viên dạy trẻ 5 tuổi. Biên chế giáo viên dạy trẻ 3, 4 tuổi chưa được giao, dẫn tới tình trạng nhiều phòng học bỏ trống, giảm số lượng huy động trẻ vào nhà trẻ trong khi nhu cầu gửi trẻ của người dân rất lớn, đồng thời không đảm bảo tiêu chí để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở cấp THCS hiện thừa 286 giáo viên, thiếu 139 giáo viên. Để giải quyết tình trạng này, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã điều chuyển giáo viên thừa giảng dạy các môn học thiếu giáo viên tại các trường tiểu học; vận động, cử đi đào tạo và điều chuyển giáo viên ở các môn học thừa giáo viên qua giảng dạy tại các môn học còn thiếu giáo viên tại cấp THCS; thực hiện điều động giáo viên thừa giảng dạy và kiêm nhiệm nhiệm vụ nhân viên, phụ trách phòng học bộ môn theo định mức biên chế.
Đối với việc thiếu giáo viên, tỉnh đã kiến nghị Bộ Nội vụ đến năm 2025 cho phép Phú Yên chưa thực hiện giảm 10% số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2021 đối với ngành GD-ĐT, đồng thời cấp bổ sung biên chế còn thiếu cho tỉnh. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, địa phương sớm tổ chức thi tuyển, xét tuyển viên chức giáo viên để bổ sung nguồn nhân lực kịp thời cho các cơ sở giáo dục thuộc UBND cấp huyện quản lý trong năm học 2022-2023.
UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và địa phương rà soát và giải quyết việc thừa, thiếu giáo viên, cố gắng hoàn thành trong năm 2023, chậm nhất đến năm 2024.
* Đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Quốc Thắng chất vấn Giám đốc Sở KH-ĐT Võ Đình Tiến về tiến độ thực hiện dự án Nhà máy xử lý rác thải tại TP Tuy Hòa?
- Giám đốc Sở KH-ĐT Võ Đình Tiến: Dự án Nhà máy xử lý rác thải tại TP Tuy Hòa của Công ty CP Tập đoàn công nghệ T-Tech Việt Nam được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2017, điều chỉnh chủ trương đầu tư năm 2019, với quy mô công suất 240 tấn/ngày đêm tại khu đất thuộc xã An Phú và xã Hòa Kiến có diện tích 10ha, tổng vốn đầu tư là 264 tỉ đồng, thời gian thực hiện 15 tháng (tính từ tháng 6/2019). Qua kiểm tra, dự án này bị chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân, trong đó có lỗi của nhà đầu tư và Thanh tra Sở KH-ĐT đã xử phạt vi phạm hành chính 70 triệu đồng. Hiện nhà đầu tư đề xuất cho phép điều chỉnh tiến độ.
UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở KH-ĐT phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát một số nội dung liên quan đến dự án, trong đó phối hợp với Sở TN-MT rà soát các quy định liên quan đến đất đai và các cam kết xử lý nếu dự án chậm triển khai sẽ thu hồi theo quy định.
* Đại biểu HĐND tỉnh Phạm Ngọc Công chất vấn Trưởng ban quản lý KKT Phú Yên Nguyễn Xuân Hùng liên quan đến các dự án sử dụng vốn ngân sách do đơn vị làm chủ đầu tư, tiến độ thực hiện các dự án?
- Trưởng ban quản lý KKT Phú Yên Nguyễn Xuân Hùng: Ban quản lý KKT Phú Yên triển khai 3 dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách với tổng mức đầu tư hơn 2.255 tỉ đồng; trong đó, ngân sách trung ương hơn 1.905 tỉ đồng, ngân sách tỉnh hơn 350 tỉ đồng. Việc triển khai các dự án đều gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nên tiến độ thực hiện kéo dài.
Dự án Tuyến đường Phước Tân - Bãi Ngà, đoạn qua Nhà máy lọc dầu Vũng Rô, thời gian thực hiện từ năm 2015-2022. Đến nay, dự án này đã triển khai khoảng 83% khối lượng, mặt bằng đã được địa phương bàn giao khoảng 72% diện tích xây dựng dự án (16,4ha/22,5ha); phần còn lại đang vướng mặt bằng nên không thể triển khai thi công, làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công hoàn thành dự án.
Dự án Tuyến nối quốc lộ 1 đến khu xử lý rác thải, nước thải và chất thải nguy hại của KKT Nam Phú Yên, thời gian thực hiện năm 2017-2023. Do nguồn vốn trung ương giai đoạn 2016-2020 khó khăn nên dự án chỉ được bố trí 4 tỉ đồng. Đến giai đoạn 2021-2025, dự án được đưa vào trung hạn với tổng vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương là 340 tỉ đồng. Việc bố trí vốn của trung ương và công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thi công dự án.
Dự án Tuyến đường giao thông từ cảng Bãi Gốc (KKT Nam Phú Yên) kết nối quốc lộ 1 đi KKT Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa), thời gian thực hiện từ năm 2021-2024. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện còn chậm so với kế hoạch, đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thi công.
ANH NGỌC (thực hiện)