'Sợi rơm vàng' của nông dân Đồng Tháp

Thay vì đốt bỏ gây lãng phí, ô nhiễm môi trường, những năm gần đây, nhiều nông dân, HTX ở Đồng Tháp bắt đầu đẩy mạnh 'tái chế' rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp thành nguyên liệu trồng cây, thức ăn chăn nuôi... cho giá trị kinh tế cao, kiếm bộn tiền.

Gần 2 năm qua, 35 hộ dân tại các xã Hòa Long, Long Thắng, Tân Hòa, Định Hòa của huyện Lai Vung tham gia dự án xây dựng mô hình ứng dụng dịch vụ cơ giới hóa trong thu gom rơm rạ làm nguyên liệu sản xuất nấm, thức ăn chăn nuôi và phân bón hữu cơ.

“Lời kép” từ rơm rạ

Tổng diện tích thực hiện mô hình đạt trên 100ha lúa. Sau thu hoạch lúa, rơm được thu gom bằng máy cuộn, mỗi ha thu được khoảng gần 200 cuộn rơm. Bình quân mỗi ha lúa, nông dân có thêm nguồn thu hơn 500.000 đồng từ bán rơm tươi.

Không chỉ giúp bà con có thêm thu nhập, việc thu gom rơm rạ cũng đã làm giảm đáng kể lượng khí phát thải gây ô nhiễm môi trường do việc đốt rơm rạ ngoài đồng.

Rơm rạ đang tạo thêm nguồn thu, giúp nhiều nông dân, thành viên HTX thoát nghèo, làm giàu.

Rơm rạ đang tạo thêm nguồn thu, giúp nhiều nông dân, thành viên HTX thoát nghèo, làm giàu.

Anh Mai Bá Nghĩa, Chủ nhiệm dự án cho biết, dự án triển khai nhằm tập huấn kỹ thuật cho các HTX thu gom rơm và phương pháp bảo quản rơm tốt nhất, đồng thời giúp các HTX phát triển trồng nấm rơm, chăn nuôi và sản xuất phân bón hữu cơ.

Tất cả các sản phẩm của dự án như nấm rơm, phân hữu cơ đã được HTX Hòa Long liên kết tiêu thụ 100%, đồng thời các hộ dân còn sử dụng bón cho ruộng và vườn cây rất hiệu quả.

Đáng chú ý, các sản phẩm của mô hình trồng nấm rơm, sản xuất phân hữu cơ từ rơm rạ đã được các đơn vị kinh doanh ở địa phương thương mại hóa và được đánh giá cao tại Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang năm 2023, được nhiều bạn hàng trong nước và quốc tế biết đến.

Việc tận dụng rơm rạ để tăng nguồn thu đã không còn hiếm ở Đồng Tháp những năm gần đây. Như ở vụ lúa vừa qua, hàng nghìn ha lúa ở trên địa bàn tỉnh vừa thu hoạch xong đã có nhiều thương lái trong và ngoài tỉnh đến mua rơm tươi tại ruộng.

Rơm tươi sẽ được cho vào máy cuộn thành từng cuộn nặng từ 20-22kg. Mỗi ha lúa thu hoạch xong cho hơn 100 cuộn rơm và hiện có giá bán ngoài thị trường hơn 20.000 đồng/cuộn. Rơm sẽ được vận chuyển đi tiêu thụ ở các các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và ra các tỉnh miền Đông để làm nấm rơm, ủ gốc cây, hoa màu hay làm thức ăn cho gia súc...

Mạnh dạn đầu tư

Những năm gần đây, do nhu cầu thu mua rơm tăng cao ở nhiều nơi, nhiều hộ dân của huyện Hồng Ngự, Thanh Bình, Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp đã mạnh dạn đầu tư mua máy cuộn rơm để làm dịch vụ này.

Chiếc máy cuộn rơm giúp thu gom rơm nhanh và gọn gàng hơn gom thủ công, ít tốn công lao động và vệ sinh kịp thời đồng ruộng trước khi xuống giống. Việc này còn giúp giảm cảnh đốt rơm đồng khói bay mịt mù, ảnh hưởng đến môi trường và thiên nhiên.

Ông Nguyễn Văn Kết ngụ ấp 3, xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh, cho hay đây là vụ mùa thứ 2, gia đình ông tham gia mô hình xử lý rơm rạ bằng nấm trichoderma kết hợp với phân bón hữu cơ.

Trước đây, do không có nhu cầu sử dụng rơm rạ nên sau mỗi vụ thu hoạch, gia đình thường đốt rơm ngay tại ruộng dẫn đến thực trạng sau khi cấy, cây lúa thường bị vàng lá, rễ thâm đen, sinh trưởng chậm. Từ giữa năm 2022, được cơ quan chức năng tỉnh hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ sau thu hoạch, đã giúp đất mềm hơn, dễ sạ, cây lúa phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe.

Đưa máy móc vào sản xuất giúp nông dân, HTX nâng cao giá trị rơm rạ.

Đưa máy móc vào sản xuất giúp nông dân, HTX nâng cao giá trị rơm rạ.

“Đặc biệt, bộ rễ lúa phát triển mạnh, bám sâu vào đất, tạo điều kiện cho cây hút dinh dưỡng từ bên ngoài và cây lúa hạn chế ngã đổ khi thời tiết xấu. Nhờ vậy, cây lúa cho năng suất đạt 900kg - 1 tấn/công, đồng thời giảm được 40% chi phí sản xuất. Cùng với đó, sau khi thu hoạch, toàn bộ lúa đều được doanh nghiệp, HTX thu mua nên chúng tôi rất yên tâm”, ông Kết chia sẻ.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Đông ở xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình cũng vô cùng phấn khởi khi vụ lúa vừa qua, anh bán được rơm tươi tại ruộng, với 3ha đất, bán được 15 triệu đồng, anh không phải đốt bỏ rơm, tránh được tình trạng chay đất, gây ảnh hưởng môi trường.

Đáng chú ý, anh Đông cho biết trong vụ vừa qua, anh đưa máy móc vào đồng cuộn rơm cũng kiếm được thu nhập khá, mỗi ngày có thể cuộn được từ 300-500 cuộn rơm/máy, trừ chi phí còn lại thu nhập hơn 2 triệu đồng.

“Rơm rạ đang trở thành nguồn thu không nhỏ cho người dân, không ít người đã thoát nghèo, làm giàu từ loại phụ phẩm trước đây chỉ đốt bỏ”, anh Đông hồ hởi nói.

Kho “vàng” triệu USD

Thực tế, vấn đề tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, trong đó có rơm rạ đã nhiều lần được chuyên gia đề cập đến. Ở những hội thảo bàn về kinh tế nông nghiệp, có không ít lần, các chuyên gia nhắc về một câu chuyện “lạ mà có thật” là trong khi phần lớn rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch lúa ở Việt Nam bị đốt bỏ, thì trên Amazon, mỗi tấn rơm được rao bán với giá 80 - 100 USD.

Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), hiện khối lượng rơm, phụ phẩm trồng lúa sau thu hoạch của Việt Nam vào khoảng 46 triệu tấn/năm. Nếu đốt bỏ, đây sẽ là mối nguy hại cho môi trường, nhưng ngược lại, nếu được tận dụng tốt, một nguồn tài nguyên khổng lồ sẽ được khai mở.

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều HTX, nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và miền Tây cũng đã bắt đầu khai thác “mỏ vàng” từ rơm rạ, từ đó xây dựng thành công những mô hình sản xuất hiệu quả, cho thu nhập cao, mở hướng thoát nghèo, làm giàu bền vững tại địa phương.

Tiềm năng thì đã rõ, tuy nhiên, làm thế nào để phát huy tối đa lợi ích, giá trị của phụ phẩm nông nghiệp nói chung, rơm rạ nói riêng là bài toán không dễ. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực của cơ quan chức năng, địa phương trong hỗ trợ nông dân, HTX, doanh nghiệp phát triển các sản phẩm từ rơm rạ.

Đây là lý do tại Đồng Tháp những năm qua đã tích cực đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và mở các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng nấm rơm và cách xử lý rơm rạ để làm phân bón hữu cơ. Ðồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ nông dân, HTX trong tiếp cận các công nghệ, máy móc cơ giới để áp dụng vào trong các khâu thu gom rơm phục vụ trồng nấm rơm và xử lý rơm để làm phân bón hữu cơ, kết nối cung - cầu các sản phẩm có liên quan đến rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp.

Lệ Chi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/soi-rom-vang-cua-nong-dan-dong-thap-1102417.html