Solskjaer thất bại ở Man Utd: Giỏi đắc nhân tâm nhưng bất tài trên sân đấu

HLV Solskjaer tạo ra nền tảng tốt sau 3 năm dẫn dắt Man Utd, nhưng không đủ năng lực để tận dụng và đi đến thành công.

Ole Gunnar Solskjaer cần 17 trận đấu để thuyết phục Man Utd trao cho ông hợp đồng chính thức. Ban lãnh đạo Quỷ đỏ thích bầu không khí thân thiện từ cách làm việc của nhà cầm quân người Na Uy, trái ngược với mối quan hệ có phần căng thẳng và đầy những đòi hỏi của người tiền nhiệm Jose Mourinho.

Solskjaer được chọn vì ông đã “mang trở lại nụ cười trên khuôn mặt mọi người” – theo lời cậu học trò Luke Shaw. Thế nhưng, khi nụ cười không còn nữa, Man Utd cũng chỉ có thể kiên nhẫn với vị thuyền trưởng của họ trong 16 trận đầu tiên của mùa giải này.

Vì sao Man Utd tin tưởng Solskjaer?

“Tôi luôn nói rằng mình giỏi trong vai trò nhà quản trị hơn là huấn luyện viên”, HLV Solskjaer chia sẻ trong một buổi phỏng vấn hồi tháng Tư. Trong ngày chia tay Man Utd, nhà cầm quân người Na Uy vẫn nhấn mạnh rằng ông đã làm tốt trong việc xây dựng nền tảng cho người kế nhiệm.

Solskjaer chia tay Man Utd sau 3 năm làm HLV trưởng.

Solskjaer chia tay Man Utd sau 3 năm làm HLV trưởng.

Những gì HLV Solskjaer làm ở hậu trường mới là thứ giúp ông giữ được chiếc ghế của mình lâu đến vậy, dù không giành được danh hiệu nào trong 3 năm qua. Bầu không khí công việc – hay nói cách khác là văn hóa nội bộ - của Man Utd mà vị HLV 48 tuổi này thiết lập được đánh giá cao hơn cả chuỗi trận thành công trong vai trò tạm quyền.

Ngày đầu tiên làm HLV trưởng của Man Utd, Solskjaer mang đến văn phòng những hộp sô cô la đặc sản của quê nhà làm quà tặng. Cuối buổi, ông ghé qua một buổi tiệc mừng Giáng sinh của các nhân viên. Solskjaer cũng dành thời gian đến xem các trận đấu của đội nữ.

Solskjaer ghi điểm bằng sự thân thiện. Một trong những lý do thuyết phục ban lãnh đạo Man Utd trao cho nhà cầm quân người Na Uy bản hợp đồng chính thức chính là việc họ cảm thấy bầu không khí ở đội bóng dễ chịu hơn so với khi làm việc cùng người tiền nhiệm Jose Mourinho.

Cách làm việc của Solskjaer giống như giám đốc trong doanh nghiệp. Chức danh của ông tại Man Utd là quản lý (manager), vị trí có quyền lực bao quát hơn so với huấn luyện viên trưởng (head coach). Về mặt quản trị nội bộ, có thể nói Solskjaer đã làm tốt trong việc kết nối các bộ phận cấu thành CLB để tạo nên một môi trường làm việc hiệu quả.

Thế nhưng, bầu không khí thân thiện chỉ có tác dụng trong việc tạo ra môi trường làm việc gắn kết và giúp Solskjaer duy trì mối quan hệ tốt với các thành viên trong đội bóng. Để đi đến thành công trên sân đấu đòi hỏi nhiều hơn thế.

Man Utd chỉ thắng 4 trận trong 13 trận cuối cùng của HLV Solskjaer.

Man Utd chỉ thắng 4 trận trong 13 trận cuối cùng của HLV Solskjaer.

Thất bại của Solskjaer

Tất nhiên, trong vai trò quản lý bao quát, Solskjaer không trực tiếp nhúng tay vào chi tiết công việc mà thay vào đó là phân công cho cấp dưới thực hiện. Truyền thông Anh gọi hành động này là “ủy quyền”.

“Solskjaer hiểu mình vượt trội ở điểm nào và hiểu người khác giỏi hơn mình ở điểm nào. Anh ấy trao quyền tự chủ cho họ thay vì kiểm soát đến từng chi tiết nhỏ. Solskjaer giỏi trong việc giao nhiệm vụ”, Nicky Butt, cựu cầu thủ MU và từng làm giám đốc phát triển đội một của MU, cho biết.

Tuy nhiên, dẫn dắt CLB bóng đá bao gồm cả công việc của HLV trưởng, có nghĩa là Solskjaer trước hết phải thực hiện nhiệm vụ huấn luyện. Về mặt này, nhà cầm quân người Na Uy đã chứng minh rằng ông không giỏi. Mặt khác, các cầu thủ cũng không thích cách mà vị HLV trưởng của họ thực hiện vai trò một cách gián tiếp thông qua cấp dưới được ủy quyền.

ESPN chỉ ra ví dụ, khi một cầu thủ Man Utd cần được phẫu thuật để điều trị dứt điểm chấn thương, thay vì trực tiếp gọi điện hay gặp mặt để trao đổi với học trò, Solskjaer đã phân công trưởng bộ phận đàm phán chuyển nhượng Matt Judge.

Trong các buổi tập của Man Utd, người phụ trách chính là Kieran McKenna. Vị trợ lý này năm nay mới 35 tuổi, trẻ hơn cả Cristiano Ronaldo. Michael Carrick mới tập làm HLV từ năm 2018. Solskjaer được cho là đã từ chối bổ sung vào ban huấn luyện một chuyên gia có tên tuổi và chứng minh được năng lực.

Những trợ lý non kinh nghiệm không đủ uy tín để giành được sự tín nhiệm tuyệt đối của các cầu thủ. Họ cần Solskjaer ra mặt nhiều hơn. Thế nhưng, ngay cả trong các trận đấu, cổ động viên Quỷ đỏ vẫn thấy những khoảnh khắc Solskjaer ngồi im trong cabin kỹ thuật để trợ lý hò hét bên ngoài, và đôi khi là cả... Ronaldo và Bruno Fernandes.

Trong giai đoạn khủng hoảng đầu mùa giải, những thông tin về việc các cầu thủ Man Utd mất niềm tin vào HLV Solskjaer xuất hiện nhiều hơn. Họ chất vấn vị HLV trưởng trong buổi họp đội về các quyết định nhân sự. Bruno Fernandes và một vài trụ cột bày tỏ sự không hài lòng khi họ nhận được quá ít chỉ đạo chiến thuật từ Solskjaer.

Bản thân nhà cầm quân người Na Uy cũng không giỏi trong việc nghĩ ra các ý tưởng chiến thuật và truyền đạt điều đó cho các học trò. Solskjaer không được xếp ngang hàng với Jurgen Klopp, Pep Guardiola, Thomas Tuchel hay Antonio Conte.

Giai đoạn đầu mùa giải với 16 trận đấu khiến Solskjaer mất ghế mùa này chính là minh chứng rõ nhất cho điều đó. Vị HLV 48 tuổi khi bước vào giai đoạn chuẩn bị cho mùa giải mới đã nói với các cầu thủ về ý định tạo ra một lối chơi bắt mắt hơn, thiên về tấn công nhiều hơn cho Man Utd. Tuy nhiên, Quỷ đỏ chưa bao giờ làm được điều đó khi Solskjaer tại vị.

Solskjaer làm tốt trong việc vực dậy Man Utd sau giai đoạn sa sút cuối thời Jose Mourinho và giúp đội bóng này ổn định được được bộ máy. Nhà cầm quân người Na Uy có lý khi nói rằng tình trạng của Man Utd hiện tại tốt hơn so với thời điểm ông nhậm chức. Tuy nhiên, Solskjaer không phải là người phù hợp để đưa đội bóng đến thành công từ nền tảng mà chính ông tạo nên.

Minh Ngọc

Nguồn VTC: https://vtc.vn/solskjaer-that-bai-o-man-utd-gioi-dac-nhan-tam-nhung-bat-tai-tren-san-dau-ar648020.html