Sớm an cư, tạo dựng cuộc sống nơi ở mới
ĐBP - Nhập nhoạng tối song trên các khu tái định cư thuộc Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên, người dân vẫn đang tất bật xếp dọn, kiểm đếm vật liệu xây dựng; tính toán khối lượng sau ngày làm việc. Ai cũng mong muốn sớm làm xong nhà tại nơi ở mới để ổn cư, tạo dựng cuộc sống...
Người dân khu tái định cư C13 mở rộng tập trung xây dựng nhà ở để ổn cư, tạo dựng cuộc sống mới.
Tại khu tái định C13 mở rộng, người đàn ông trung niên đỗ xịch chiếc xe máy, quần áo lấm lem vôi vữa trước chiếc lán tạm mới dựng sát ô đất đang xây nhà 3 tầng. Hỏi ra mới biết đó là anh Trần Văn An, chủ nhà đang xây. Gia đình anh An có đất bị thu hồi thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên thuộc tổ 6, phường Thanh Trường, được giao đất tái định cư ở khu này. Anh An chia sẻ: Ngay sau khi được cấp giấy phép xây dựng, gia đình tôi đã tập trung nguồn lực làm nhà ở. Khởi công tới nay đã 3 tuần nhưng do đúng thời điểm bùng dịch Covid-19 ở khu vực huyện Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ nên rất khó tìm thợ xây, chứ chưa nói tới thợ lành nghề. Vì thiếu thợ nên tiến độ thi công rất chậm. Bởi vậy tôi cũng trực tiếp phụ giúp việc vận chuyển vật liệu gạch, xi măng, sắt thép… những mong sớm làm xong nhà để chuyển về ở ổn định. Anh An may mắn khi mượn được mảnh đất dựng tạm lán ở trong khoảng thời gian làm nhà, chứ nhiều gia đình phải thuê nhà trông coi vật liệu trong quá trình làm nhà rất vất vả.
Thời điểm bùng dịch Covid-19 như hiện nay và nhiều gia đình đồng loạt khởi công làm nhà ở các khu tái định cư nên tình trạng khan hiếm thợ xây cũng dễ hiểu. Anh Nguyễn Văn Thanh, chủ nhóm thợ đang thi công nhà ở cho một số gia đình tại khu tái định cư C13 mở rộng cho biết: Khi chưa bùng dịch, tìm thợ xây, thợ phụ hồ quanh khu vực TP. Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên khá dễ dàng, nhưng kể từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, không ít người làm cho anh từ trước tới nay đang phải thực hiện cách ly tập trung hoặc theo dõi sức khỏe tại gia đình; phần nữa do người lao động lo ngại dịch bệnh không đi làm nên càng khó kiếm thợ. Đơn giá ngày công phải trả cao hơn, trung bình thợ thủ công 300.000 đồng/người/ngày (tăng 50.000 đồng so với thời gian trước dịch). Nếu như trước đây nhóm thợ anh làm tập trung nấu và ăn trưa luôn tại công trình để có thêm thời gian nghỉ ngơi nhưng từ khi bùng dịch thì ai về nhà nấy.
Không chỉ đối mặt với tình trạng thiếu thợ ảnh hưởng tới tiến độ làm nhà, gia đình anh An cũng như nhiều gia đình sau tái định cư đều trăn trở tạo dựng cuộc sống nơi ở mới. Anh An tâm sự, gia đình anh sống bằng nghề thuần nông, thuê thêm đất để trồng quất cảnh. Chịu khó chăm sóc, tạo thế mỗi dịp tết Nguyên đán bán hơn 400 gốc quất cảnh cho thu nhập khá. Tuy nhiên thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên không chỉ toàn bộ đất ở mà đất thuê trồng quất bấy lâu của gia đình anh cũng đều thuộc diện thu hồi. Vì sự phát triển chung của thành phố, của tỉnh nên gia đình anh đã nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho dự án. Xác định ban đầu sẽ gặp khó khăn do cuộc sống bị xáo trộn, song anh An tin rằng được giao đất tái định cư có cơ sở hạ tầng từ đường giao thông, đường điện, hệ thống cấp thoát nước... đến các hệ thống phụ trợ: Vỉa hè, cây xanh, không gian thoáng đãng sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Hỏi anh An về dự định tạo dựng cuộc sống nơi ở mới, anh bảo quê Thái Bình lên định cư ở Điện Biên mấy chục năm nay mang theo nghề trồng quất cảnh. Nay diện tích đất thuê trồng quất bị thu hồi anh tính tìm đất vùng lân cận, điều kiện thổ nhưỡng tương tự để tiếp tục trồng quất cảnh bán tết. Người con trai út anh đang cho học nghề cắt tóc, sau khi học nghề anh sẽ đầu tư mở hiệu tại gia.
Không chỉ các hộ nông nghiệp, nhiều hộ kinh doanh dịch vụ cũng gặp khó khăn khi thực hiện tái định cư tại nơi ở mới. Trước khi là công dân khu tái định cư số 1 Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên, gia đình bác Nguyễn Văn Niên kinh doanh vật liệu xây dựng bám mặt đường 32m, thuộc tổ dân phố 7, phường Thanh Bình. Thực hiện chủ trương bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án, chưa đầy 1 tuần gia đình bác Niên đã bàn giao mặt bằng, chuyển tới nơi ở tạm. Do số lượng vật liệu còn rất nhiều chưa kịp bán nên phải thuê kho tấp đống rồi tập trung làm nhà nơi ở mới. Chỉ vào ngôi nhà vừa mới đổ mái xong tầng 1, bác Niên bảo: Giờ khan hiếm thợ nên tiến độ xây dựng chậm, cố gắng lắm thì chuyển tạm về ở được trước tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Dù đã bàn giao mặt bằng nhưng nhiều chế độ của chúng tôi khi thực hiện dự án, như: Hỗ trợ tiền người dân thuê nhà ở trong quá trình làm nhà… chưa được thực hiện. Dù vất vả nhưng vì sự phát triển chung của thành phố, của tỉnh nên chúng tôi đồng thuận, chấp hành ngay việc bàn giao mặt bằng cũng mong TP. Điện Biên Phủ sớm chi trả xong các khoản hỗ trợ theo quy định để chúng tôi thêm thắt làm nhà, trang trải cuộc sống rồi còn tính toán chuyển đổi kinh doanh cho phù hợp sau khi chuyển về nơi ở mới.
Ông Lê Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP. Điện Biên Phủ cho biết: Chia sẻ với những khó khăn của các hộ dân đã bàn giao mặt bằng cho Dự án phải đi thuê nhà ở tạm, ngay sau khi các hộ dân được bốc thăm giao đất tái định cư, UBND thành phố đã chỉ đạo phòng Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Quản lý đất đai, Chi cục Thuế TP. Điện Biên Phủ - Mường Ảng, Ban Quản lý dự án cùng các cơ quan liên quan rút ngắn thủ tục hành chính, thực hiện song song tiến hành đối trừ đất cho người dân phải thực hiện giao đất tái định cư, giao đất có thu tiền. Sau khi người dân hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, thành phố tiến hành cấp ngay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng cho người dân (chậm nhất sau 3 ngày).
Anh Bạc Cầm Thụ, cán bộ Phòng Quản lý đô thị TP. Điện Biên Phủ cho biết: Ngay sau khi nhận hồ sơ của các hộ đề nghị cấp giấy phép xây dựng nhà ở, chúng tôi kiểm tra luôn hồ sơ để hướng dẫn người dân thông tin, trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ sẽ đề nghị bổ sung, nếu đã đầy đủ sẽ viết giấy biên nhận cho người sử dụng đất để cấp 1 giấy phép sơ bộ hoàn thiện hồ sơ thiết kế thi công nhà, với mong muốn giúp người dân hoàn thiện thủ tục, hồ sơ nhanh nhất để có thể sớm xây dựng nhà ở, ổn định cuộc sống.