Sớm ban hành hướng dẫn sử dụng kinh phí hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3
Chiều 26/9, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và Ban Vận động cứu trợ tỉnh tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến vào dự thảo hướng dẫn sử dụng nguồn kinh phí tự nguyện hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3 vừa qua; kiểm điểm kết quả vận động, hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Đinh Đức Cảnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Trưởng Ban Vận động cứu trợ tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thị xã, TP; thành viên Ban Vận động cứu trợ tỉnh.
Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với đối tượng được nhận hỗ trợ, mức hỗ trợ và cách thức phân bổ, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện theo dự thảo. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng: Dự thảo hướng dẫn cần chi tiết, cụ thể hơn; bổ sung hướng dẫn quy trình, thủ tục nhận hỗ trợ thiệt hại; hỗ trợ thêm cho đối tượng là các hộ có diện tích cây lâm nghiệp bị thiệt hại từ 70% trở lên và nâng mức hỗ trợ đối với các hộ có diện tích cây nông nghiệp bị thiệt hại; cần quy định mức hỗ trợ cụ thể, không đưa mức hỗ trợ tối thiểu và tối đa để bảo đảm thống nhất ở tất cả các huyện, thị xã, TP.
Đối với nội dung kiểm điểm kết quả vận động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình người có công, toàn tỉnh đã vận động nhiều nguồn lực hỗ trợ các đối tượng sửa chữa, xây mới nhà ở.
Quỹ “Vì người nghèo” cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đã vận động được 75,7 tỷ đồng. Đến ngày 23/9/2024, toàn tỉnh đã khởi công xây dựng, hoàn thành và bàn giao 960 nhà cho hộ nghèo, cận nghèo (đạt 98,96%), hiện còn 10 nhà của đối tượng hộ nghèo, cận nghèo chưa khởi công (Sơn Động còn 6 nhà, Yên Thế còn 4 nhà).
Đối với gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới, đến tháng 9/2024, toàn tỉnh có 239 hộ người có công được phê duyệt hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở, trong đó xây mới 113 nhà, sửa chữa 126 nhà. Từ nguồn quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, toàn tỉnh đã khởi công xây dựng, hoàn thành và bàn giao 225/239 nhà (đạt 94,14%), hiện còn 14 nhà chưa khởi công (Yên Dũng 12 nhà, Sơn Động 1 nhà, Tân Yên 1 nhà).
Năm 2024, toàn tỉnh có 215 hộ nghèo thuộc đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo dân tộc Kinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn và miền núi được phê duyệt hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát từ nguồn kinh phí của chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đến tháng 9/2024, toàn tỉnh đã khởi công, hoàn thành và bàn giao 134/215 nhà (đạt 62,32%), hiện còn 81 nhà chưa khởi công (huyện Lục Ngạn 48 nhà, Lục Nam 28 nhà, Yên Thế 3 nhà, Lạng Giang 2 nhà).
Thảo luận về nội dung xóa nhà tạm, nhà dột nát, các đại biểu nêu thực tế trong quá trình rà soát, phê duyệt hỗ trợ có một số hộ thực sự khó khăn về nhà ở nhưng đang ở trên đất chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Một số hộ ở huyện Yên Thế đã được phê duyệt hỗ trợ nhưng không có khả năng đối ứng. Tiến độ phê duyệt hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo dân tộc Kinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn và miền núi chậm dẫn đến còn nhiều nhà thuộc đối tượng này chưa khởi công xây dựng...
Phát biểu kết luận hội nghị, đối với nội dung góp ý kiến vào dự thảo hướng dẫn sử dụng nguồn kinh phí đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3, đồng chí Đinh Đức Cảnh đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các thành viên Ban Vận động cứu trợ tỉnh. Các ý kiến sẽ được tiếp thu, điều chỉnh phù hợp để kịp thời ban hành dự thảo hướng dẫn sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ sớm nhất, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng mục đích.
Đối với nội dung xóa nhà tạm, nhà dột nát, đồng chí Đinh Đức Cảnh nhấn mạnh đây là chương trình có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” và tinh thần đoàn kết, “tương thân, tương ái” của dân tộc Việt Nam, khơi dậy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội chăm lo cho người nghèo, hộ gia đình chính sách, người có công. Đồng chí yêu cầu các đơn vị chưa hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2024 khẩn trương khởi công và đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hoàn thành đúng kế hoạch đề ra. Đối với các hộ quá khó khăn, không có khả năng đối ứng, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh vận động hỗ trợ và đề nghị cấp ủy cơ sở chỉ đạo các ngành, đoàn thể kêu gọi sự chung tay giúp đỡ của anh em dòng họ, người dân trong thôn, xã.
Đồng chí đề nghị tiếp tục kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Trong đó, yêu cầu MTTQ từ cấp tỉnh đến cơ sở nâng cao hiệu quả công tác giám sát kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tại các xã, phường, thị trấn; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong vận động người dân nỗ lực phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.