Sớm ban hành quy trình thống nhất dữ liệu hộ tịch điện tử

Theo Công văn số 496/BTP-HTQTCT ngày 22.2.2022 của Bộ Tư pháp về việc thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6.1.2022, Công điện số 41 104/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có nội dung rà soát, đối chiếu, cập nhật đồng bộ dữ liệu trong Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung. Tuy nhiên, gần 6 tháng trôi qua, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn UBND cấp xã, UBND cấp huyện quy trình rà soát, thống nhất dữ liệu, nhất là đối với số liệu có sai lệch. Điều này dẫn đến tình trạng, các số liệu tuy được cập nhật lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng có sai sót cũng phải nằm chờ với thông báo 'đã có lỗi'...

Thực tế, từ ngày 1.7.2021 đến nay, Bộ Công an tạm thời chưa tiếp nhận các thông tin điều chỉnh dữ liệu khai sinh trên Phần mềm đăng ký khai sinh điện tử (do chỉnh sửa sai sót hoặc thực hiện thủ tục thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc…) để cập nhật, đồng bộ vào thông tin công dân tương ứng trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Do đó, trong thực tiễn xảy ra tình trạng sai lệch thông tin giữa thông tin khai sinh và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Liên quan việc xây dựng quy trình rà soát, đối chiếu dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn hướng dẫn Sở Tư pháp thực hiện việc rà soát, đối chiếu, cập nhật đồng bộ dữ liệu trong Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam. Bên cạnh đó, Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực; Cục Công nghệ thông tin, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an để xây dựng quy trình hướng dẫn các địa phương cập nhật, đồng bộ dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử theo quy định pháp luật. Gần đây nhất, ngày 27.6.2022, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 2118/BTP-HTQTCT gửi Bộ Công an lấy ý kiến về Dự thảo quy trình đối chiếu, cập nhật, đồng bộ dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.

Như vậy, vướng mắc nêu trên chỉ có thể giải quyết khi Bộ Tư pháp ban hành dự thảo nói trên. Tuy nhiên, đây lại là văn bản được xây dựng theo quy trình thông thường, không phải là quy trình rút gọn. Trong khi đó, các tiến độ thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030, đã được đưa ra, các bộ, ngành, địa phương đang nỗ lực thực hiện. Để bảo đảm các mục tiêu đề ra, thiết nghĩ các bộ, ngành cần sớm có hướng dẫn quy trình rà soát, thống nhất dữ liệu, nhất là đối với số liệu có sai lệch.

Khang Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phap-luat-va-doi-song/som-ban-hanh-quy-trinh-thong-nhat-du-lieu-ho-tich-dien-tu-i298023/