Sớm cải tạo, nâng cấp những cây cầu bắc qua sông Châu ở Bình Lục
Trên địa bàn huyện Bình Lục có 3 cầu dân sinh bắc qua sông Châu nối hai huyện Bình Lục với Lý Nhân đó là: cầu Bồ Đề, cầu Chủ, cầu Vùa. Mỗi cây cầu có chiều dài khoảng 70m, rộng 2m và kết cấu dầm thép, trụ đỡ bê tông cốt thép, mặt cầu lát bằng tấm đan bê tông, kích thước cầu nhỏ, hẹp được xây dựng từ nhiều năm nay. Hiện tại, các cây cầu đã xuống cấp, lan can và mặt cầu hư hỏng, không đáp ứng yêu cầu lưu thông và có nguy cơ gây mất an toàn cho người cũng như phương tiện. Tuy nhiên, do khó khăn về vốn nên các cây cầu này chưa được quan tâm đầu tư xây dựng mới.
Cầu Bồ Đề được xây dựng từ năm 1993 tại thôn 3, xã Bồ Đề bắc qua sông Châu kết nối với thôn Đồng Nhuệ, xã Nhân Bình (Lý Nhân). Do cầu xây dựng từ lâu, đến nay, một số hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng, lan can, mặt cầu hỏng, kích thước cầu nhỏ, hẹp không bảo đảm an toàn cho các phương tiện khi lưu thông qua đây. Ông Trương Công Miêng, Chủ tịch UBND xã Bồ Đề cho biết: Để đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương của nhân dân hai huyện, những năm qua, UBND huyện Bình Lục đã đề xuất với UBND tỉnh, các sở, ngành lập kế hoạch ưu tiên đầu tư xây dựng cầu với quy mô phù hợp, bảo đảm an toàn phục vụ nhân dân đi lại được tốt hơn nhưng đến nay cầu Bồ Đề chưa có kế hoạch đầu tư xây dựng.
Cầu Vùa nối xã An Ninh (Bình Lục) với xã Xuân Khê (Lý Nhân) bắc qua sông Châu và kết nối hai tuyến ĐT496, quốc lộ 38. Đây là cầu dân sinh do nhân dân tự huy động kinh phí xây dựng, hiện nay nhiều bộ phận cầu bị hư hỏng, đường đầu cầu nhỏ hẹp gây khó khăn cho việc đi lại, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2023 (Kỳ họp thứ 13) HĐND tỉnh khóa XIX đã thông qua Nghị quyết về đầu tư Dự án đầu tư xây dựng cầu Vùa và đường dẫn hai đầu cầu kết nối ĐT496 với QL38B.
Theo đó, dự án đầu tư xây dựng mới cầu Vùa qua sông Châu có quy mô mặt cầu 9m, trong đó mặt đường xe chạy 8m, chiều rộng lan can mỗi bên 0,5m, đường hai đầu cầu quy mô mặt nền 9m, mỗi bên lề 0,5m, kết cấu mặt đường bê tông nhựa kết nối với ĐT496 đoạn qua xã An Ninh với QL38B xã Xuân Khê (Lý Nhân). Công trình hoàn thiện có hệ thống thoát nước, hệ thống chiếu sáng, hệ thống an toàn và đường hai đầu cầu. Tổng mức đầu tư dự kiến 70 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh do Ban quản lý đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư. Hiện nay, dự án đang hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư để khởi công vào cuối năm 2024, phấn đấu hoàn thành cuối năm 2025. Việc đầu tư xây dựng cầu Vùa và đường dẫn hai đầu cầu sẽ đáp ứng nhu cầu giao thông trong khu vực ngày một tăng, góp phần từng bước hoàn thiện hạ tầng khung giao thông theo quy hoạch vùng huyện, đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân từ nhiều năm nay.
Trên cơ sở nhận thấy sự cấp thiết của việc đầu tư cải tạo, xây dựng các cây cầu bắc qua sông Châu ở huyện Bình Lục, ngày 31/9/2019, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2277/QĐ- UBND phê duyệt quy hoạch và đưa vào kế hoạch phát triển công trình phục vụ giao thông vùng huyện giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Ông Nguyễn Hồng Thanh, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Bình Lục cho biết: Đây là chủ trương hợp lòng dân, giúp việc đi lại, thông thương của nhân dân các địa phương được thuận lợi, an toàn. Hiện nay, trong khi chờ triển khai xây dựng các cây cầu, UBND huyện chỉ đạo UBND các xã: Bồ Đề, An Ninh, Ngọc Lũ phối hợp với các địa phương của huyện Lý Nhân, các đơn vị liên quan thông báo, tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân đi lại qua cầu bảo đảm an toàn; tăng cường kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện xe máy, xe đạp chở hàng đi qua cầu; lắp biển cảnh báo cầu yếu tại vị trí đầu cầu, bảo đảm an toàn cho người và các phương tiện lưu thông qua cầu. Đồng thời, yêu cầu nhân dân không tụ tập, đi lại qua cầu cùng thời điểm với số lượng đông, không để phương tiện ở lòng cầu và chở hàng hóa vượt quá tải trọng.
Trên thực tế, việc quan tâm đầu tư xây dựng những cây cầu bắc qua sông Châu trên địa bàn huyện Bình Lục có ý nghĩa đặc biệt quan trọng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế và dân sinh. Vì vậy, thời gian tới, các cấp, ngành cần ưu tiên bố trí vốn theo kế hoạch ở mỗi giai đoạn để thực hiện các dự án. Từ đó, góp phần kết nối giao thông, tạo động lực cho các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường giao lưu văn hóa, xã hội trong khu vực.