Sớm chấm dứt tình trạng 'nhờn' luật!

Kết quả thi hành án hành chính vẫn thấp, số vụ án hành chính chưa thi hành xong có xu hướng ngày càng tăng. Đây là thực trạng được Ủy ban Tư pháp chỉ ra khi thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án trong năm 2023.

Báo cáo cho thấy, các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đã thi hành xong là 423/1.213 bản án, quyết định; tạm đình chỉ thi hành 13 bản án, còn 777 bản án, quyết định đang tiếp tục thi hành. Bên cạnh kết quả đạt được, theo nhận định của Ủy ban Tư pháp, kết quả thi hành án hành chính vẫn thấp, chỉ đạt 34,87%. Số vụ án hành chính tồn đọng chưa thi hành xong có xu hướng ngày càng tăng. Nhiều trường hợp người phải thi hành án là cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước không tự nguyện thi hành, dẫn đến Tòa án phải ra quyết định buộc thi hành, có 521 việc Tòa án đã ra quyết định buộc thi hành án.

Chậm trễ thi hành bản án, quyết định hành chính mà Ủy ban Tư pháp chỉ ra là tồn tại đã cũ trong giải quyết, thi hành bản án, quyết định hành chính kéo dài nhiều năm qua.

Trong các báo cáo, các phiên thảo luận liên quan đến giải quyết, thi hành án hành chính những hạn chế này đều được nhận diện. Tiếc rằng, tình trạng này không được giải quyết dứt điểm mà số vụ án hành chính tồn đọng chưa thi hành xong có xu hướng ngày càng tăng. Theo đó, số văn bản kiến nghị mà cơ quan thi hành án đã ban hành đối với trường hợp không chấp hành án hành chính cũng tăng. Nếu như năm 2020 là 103 kiến nghị, năm 2021 là 67 kiến nghị, năm 2022 là 77 kiến nghị thì 10 tháng năm 2023 lên tới 119 văn bản kiến nghị.

Theo quy định pháp luật, trong quá trình xét xử, thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Tuy vậy, “án hành chính là án khó”. Đối tượng bị khởi kiện trong các vụ án hành chính là những quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền. Cái “khó” ở đây là một bên là người dân, một bên là chính quyền. Do đó trong quá trình giải quyết các vụ án này, dù không nhiều nhưng hiện tượng “thẩm phán ngại va chạm là có”.

Không chỉ khó khi giải quyết án, mà quá trình thi hành án hành chính cũng là một vấn đề đáng nói, khi số vụ án hành chính tồn đọng chưa thi hành xong có xu hướng ngày càng tăng. Nếu như số việc chưa thi hành xong trong 10 tháng 2020 là 472 việc, cùng kỳ năm 2021 là 505 việc, năm 2022 là 586 việc thì năm 2023 là 777 việc. Đáng nói, người phải thi hành án trong các trường hợp này là các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, trong đó đối tượng phổ biến phải thi hành án là UBND hoặc Chủ tịch UBND. Đây là các chủ thể hiểu biết và phải gương mẫu tuân thủ pháp luật nhưng đáng tiếc lại không tuân thủ đúng pháp luật. Điều này, không chỉ ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật mà còn gây bức xúc cho người dân.

Thực trạng này cũng đã được Chánh Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình thẳng thắn thừa nhận trong phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo ông Bình, “Án hành chính hiện nay đang có vấn đề, có rất nhiều tồn tại xung quanh án hành chính”, tỷ lệ thường thấp hơn so với yêu cầu của Quốc hội giao.

Điều đáng nói là, mặc dù cơ quan thi hành án đã ban hành nhiều văn bản kiến nghị, nhưng cho đến nay, cơ quan có thẩm quyền chưa xử lý được trường hợp nào về không chấp hành án hành chính. Chính khoảng trống xử lý trách nhiệm đối với người không chấp hành án hành là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tồn tại này kéo dài nhiều năm. Tình trạng này cần xử lý dứt điểm.

Nghị quyết 755/NQ-UBTVQH15 về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV đã nêu rõ, Chính phủ chỉ đạo UBND, Chủ tịch UBND thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Tố tụng hành chính về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ; tham gia đối thoại; tham gia phiên tòa; thi hành nghiêm túc bản án, quyết định hành chính của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật để bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành án; kiên quyết xử lý trách nhiệm người phải thi hành án nhưng chậm thi hành hoặc không thi hành bản án, quyết định của Tòa án nhân dân.

Luật hiện hành có quy định, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu rất rõ, vấn đề còn lại ở khâu triển khai thực hiện. Chỉ khi nào xử lý nghiêm khắc đối với người cố tình không chấp hành bản án, quyết định hành chính của Tòa án thì khi đó tình trạng “nhờn” luật mới được chấm dứt.

Song Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/som-cham-dut-tinh-trang-nhon-luat-i345693/