Sớm 'chạm' tới lương hưu khi rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu
Chính phủ đã thống nhất hoàn thiện nội dung dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) theo hướng giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm. Việc rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội được cho là sẽ góp phần mở rộng đối tượng hưởng lương cũng như giảm tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần.
Một mũi tên trúng 2 đích
Bảo hiểm xã hội là một trong những chính sách an sinh xã hội tốt cho người lao động. Nó ra đời nhằm đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc tử vong, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội. Vì vậy, những thay đổi trong chính sách bảo hiểm xã hội luôn thu hút sự quan tâm của dư luận. Trong lần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội này, một trong những nội dung đáng chú ý nhất là đề xuất giảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để nhận lương hưu.
Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, bình quân mỗi năm gần 700.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần với số lượng năm sau cao hơn năm trước, tốc độ tăng trung bình khoảng 11,6%. Tổng kinh phí chi trả giai đoạn này là 131.940 tỉ đồng. Người rút phần lớn làm việc trong doanh nghiệp với con số gần 2,9 triệu người (90,7%), tiếp đến là khu vực Nhà nước với 257 nghìn người (8%), lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với 38,8 nghìn người (1,2%). Để giảm số lượng người nhận bảo hiểm xã hội một lần và tăng khả năng tiếp cận lương hưu, tại dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cơ quan soạn thảo đề xuất giảm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm.
Theo quy định hiện hành, người lao động đủ tuổi nghỉ hưu trong điều kiện làm việc bình thường, đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu. Mức hưởng bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội và tương ứng với số năm đóng. Nếu vẫn giữ số năm đóng tối thiểu là 20 năm thì rõ ràng lực lượng tham gia bảo hiểm xã hội sẽ bị hạn chế đáng kể.
Nhiều trường hợp chưa tham gia bảo hiểm xã hội sẽ ngần ngại và không tiếp cận được chính sách hưu trí. Bên cạnh đó, với một số nhóm khác đang tham gia bảo hiểm xã hội nếu cảm thấy khó theo đuổi và đáp ứng được điều kiện để hưởng lương hưu và sẽ dẫn đến việc rút bảo hiểm xã hội một lần. Như vậy, đề xuất giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ là “1 mũi tên trúng 2 đích”, vừa mở rộng diện bao phủ của bảo hiểm xã hội lại vừa hạn chế được tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần.
Băn khoăn về mức đóng - hưởng
Mặc dù, Chính phủ đã đồng ý với việc rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu xuống còn 15 năm, nhưng vấn đề này vẫn khiến dư luận băn khoăn, đặc biệt là về quyền lợi của người lao động như: tiền lương hưu sau này khó đảm bảo mức sống tối thiểu; giảm năm đóng bảo hiểm xã hội nhưng vẫn giữ tuổi nghỉ hưu ở mức cao khiến người lao động duy trì đóng bảo hiểm xã hội đến tuổi nghỉ hưu là khá khó khăn.
Việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu hướng tới những đối tượng người lao động mà nếu không giảm thời gian đóng tối thiểu thì họ không có cơ hội được tham gia bảo hiểm xã hội, đồng nghĩa với việc không có lương hưu. Khi giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội, dù có mức hưởng lương hưu thấp thì chế độ hưu trí vẫn đảm bảo đời sống cho người lao động hơn là khi không có chế độ an sinh của Nhà nước.
Chia sẻ về nội dung này, chị Nguyễn Thu Hiền (Mê Linh, Hà Nội) cho hay, việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội nhưng tuổi nghỉ hưu lại đang tăng theo lộ trình sẽ tạo nên khoảng trống từ khi người lao động nghỉ việc cho đến lúc được hưởng lương hưu. Trên thực tế, tuổi nghề và tuổi hưu của người lao động đang có khoảng cách khá lớn, nhất là trong lĩnh vực dệt may.
Đa số công nhân nữ khi ở tuổi 40 trở lên sẽ bị giảm việc làm hoặc chuyển đổi nghề nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, công nhân lớn tuổi bị cắt giảm số lượng lớn dù chưa đến tuổi hưu. Theo chị Hiền, ở tuổi 40 nếu mất việc, nhiều người lao động buộc phải tìm kiếm việc làm mới để có thu nhập. Họ không thể đóng sổ bảo hiểm xã hội và ngồi nhà chờ 20 năm sau mới nhận lương hưu được.
Cũng băn khoăn về vấn đề này, anh Đặng Văn Nam (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bày tỏ: “Mặc dù việc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tối thiểu từ 20 năm xuống còn 15 năm sẽ tạo ra điều kiện thuận lợi, giúp người lao động có nhiều cơ hội “chạm” đến lương hưu, nhưng tôi cho rằng với nền tiền lương đóng bảo hiểm xã hội thấp như hiện nay, nếu giảm số năm đóng bảo hiểm này có thể ảnh hưởng đến khoản tiền lương hưu khi về già”.
Đảm bảo mức sống tối thiểu?
Lương hưu có giảm khi giảm năm đóng bảo hiểm xã hội là câu hỏi không chỉ của anh Đặng Văn Nam mà có lẽ cũng là băn khoăn của rất nhiều người lao động. Mục đích chính của đề xuất giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội cũng được hưởng lương hưu hàng tháng thay vì họ phải nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Trao đổi về nội dung này, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, nội dung về giảm điều kiện đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu đã được khẳng định trong Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, nhằm tạo điều kiện để người lao động được thuận lợi hơn trong tiếp cận chính sách hưu trí, đảm bảo tính an sinh lâu dài. Theo ông Lê Đình Quảng, việc rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống còn 15 năm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, giúp mở rộng đối tượng hưởng lương hưu cũng như giảm thiểu tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần.
Khi giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội, dù có mức hưởng lương hưu thấp thì chế độ hưu trí vẫn đảm bảo đời sống cho người lao động hơn là khi không có chế độ an sinh của Nhà nước.
Về nguyên tắc, việc trả lương hưu cho người lao động được tính trên cơ sở đóng càng nhiều hưởng càng nhiều và thời gian đóng càng dài thì lợi ích được hưởng càng cao. Như vậy, việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu hướng tới những đối tượng người lao động mà nếu không giảm thời gian đóng tối thiểu thì họ không có cơ hội được tham gia bảo hiểm xã hội, đồng nghĩa với việc không có lương hưu. Khi giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội, dù có mức hưởng lương hưu thấp thì chế độ hưu trí vẫn đảm bảo đời sống cho người lao động hơn là khi không có chế độ an sinh của Nhà nước.
Nói thêm về điều này, ông Lê Đình Quảng cho rằng, ngoài việc giảm năm đóng bảo hiểm xã hội còn cần nhiều chính sách khác đi kèm, hướng tới một hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt. Thời gian tới, Tổng Liên đoàn sẽ nghiên cứu, lấy ý kiến người lao động để từ đó góp ý vào đề xuất chính sách bảo hiểm xã hội một cách phù hợp. Mục tiêu lớn nhất là đảm bảo chính sách bảo hiểm xã hội đa dạng, hiện đại, hội nhập quốc tế và trên hết là đảm bảo quyền lợi và chính sách an sinh của người lao động.