Sớm chấn chỉnh tình trạng 'bán bia kèm lạc' tại các ngân hàng

Minh họa: Internet

Thời gian qua, nhiều người ở Phú Yên phản ánh muốn vay được vốn tại các ngân hàng thì phải mua bảo hiểm nhân thọ, trong khi loại bảo hiểm này chẳng liên quan gì đến khoản tiền vay, khiến họ bức xúc.

Vay vốn 8 năm, phải mua bảo hiểm 15 năm

Bà V.T.T.D ở phường Hòa Vinh, TX Đông Hòa cho biết cách đây 3 tháng bà mua chiếc ô tô 7 chỗ trị giá 1 tỉ đồng để chồng chạy dịch vụ, kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Khi mua xe, vợ chồng bà chỉ có 600 triệu đồng, số còn lại phải vay ngân hàng; thời hạn 8 năm, trả góp hàng tháng. Được nhân viên đại lý bán xe tư vấn, bà D làm thủ tục vay vốn tại một ngân hàng có trụ sở trên đường Trần Hưng Đạo, TP Tuy Hòa với mức lãi suất năm đầu 8,99%/năm, các năm tiếp theo 12%/năm. Bà D chấp nhận mức lãi suất mà ngân hàng đưa ra và hoàn tất thủ tục mua chiếc xe. Sau khi được cấp biển số, đại lý tạm giữ xe chờ ngân hàng chuyển khoản 400 triệu đồng mà bà D vay thì mới được đưa xe về nhà. Thế nhưng, oái ăm là khi ký hợp đồng tín dụng, nhân viên ngân hàng yêu cầu bà D phải mua bảo hiểm tại một công ty bảo hiểm nhân thọ thì mới giải ngân vốn. Xe đã ra biển và đã thanh toán 60% giá trị, chẳng lẽ trả lại xe cho đại lý, nên bà D đành chấp nhận yêu cầu từ phía ngân hàng. Và ngay lập tức, một nhân viên tư vấn bảo hiểm “cắm” sẵn tại ngân hàng này làm hợp đồng bảo hiểm cho bà D.

“Khi mua xe, tôi đã mua bảo hiểm dân sự, bảo hiểm thân xe rồi, sao lại bắt tôi phải mua bảo hiểm nhân thọ nữa. Loại bảo hiểm này có liên quan gì đến chiếc xe mà phải mua? Chưa hết, tôi vay vốn ngân hàng chỉ 8 năm và thế chấp tài sản là chiếc ô tô vừa mua, vậy mà ngân hàng và công ty bảo hiểm ép tôi phải mua gói bảo hiểm có thời hạn đến 15 năm, mỗi năm đóng 8,5 triệu đồng và 25 năm sau mới đáo hạn. Thật là vô lý!”, bà D bức xúc.

Tương tự, ông L.N.A ở phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa mua căn hộ tại một dự án ở TP Tuy Hòa trị giá 4 tỉ đồng, nhưng trong tay chỉ có 3 tỉ đồng, số còn lại ông phải vay ngân hàng. Để vay được vốn, ông cũng phải mua bảo hiểm nhân thọ để bảo lãnh cho khoản vay, với mức 15 triệu đồng/năm, trong thời gian 15 năm. “Với các loại bảo hiểm cháy nổ, mua thì còn chấp nhận được, còn bảo hiểm nhân thọ tôi không đồng ý vì thấy không liên quan gì đến khoản vay”, ông A nói và cho rằng ngân hàng làm như vậy là ép khách hàng.

Không chỉ bà D hay ông A, nhiều người phản ánh khi họ đến ngân hàng để giao dịch đều bị “gạ” mua bảo hiểm. “Bây giờ hầu như đến ngân hàng nào cũng thấy người ta chào mua bảo hiểm, nhất là bảo hiểm nhân thọ, nếu từ chối sẽ không được giải ngân vốn”, bà L.T.Y ở TP Tuy Hòa cho biết.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Phú Yên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên khẳng định không có quy định bắt buộc khách hàng phải mua các loại bảo hiểm cháy, nổ cho chung cư, ô tô hay bảo hiểm nhân thọ thì mới được vay. “Đây là vấn đề thỏa thuận giữa khách hàng và ngân hàng. Các ngân hàng chỉ tư vấn và mang tính chất giới thiệu sản phẩm, khách hàng có quyền quyết định việc mua hay không mua bảo hiểm”, vị này nói.

Vi phạm pháp luật?

Đề cập vấn đề này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, chúng ta đang ở trong nền kinh tế thị trường, mọi hoạt động kinh doanh đều phải theo nền kinh tế thị trường, không thể bán hàng theo kiểu “bán bia kèm lạc”. Tuy rằng chúng ta nói là mời chào nhưng nó gần như mang tính chất kèm theo, mang tính bắt buộc để khách hàng buộc phải mua các gói bảo hiểm này. Rõ ràng, đây là hình thức kinh doanh rất không thị trường.

Theo quy định tại khoản 4, Điều 10, Luật Kinh doanh bảo hiểm, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ định, yêu cầu hoặc ép buộc, ngăn cản tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm bị pháp luật nghiêm cấm. Hành vi này có thể bị xử phạt từ 40-100 triệu đồng đối với cá nhân, tổ chức.

Nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh bảo hiểm một cách lành mạnh, bền vững, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Công văn 7928 về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng chấp hành nghiêm các quy định về kinh doanh bảo hiểm. Các ngân hàng không được gắn việc bắt buộc mua bảo hiểm với việc cấp tín dụng cho khách hàng. Nói cách khác là “ép” khách hàng mua bảo hiểm mới được vay vốn.

Đặc biệt, các ngân hàng phải rà soát, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống, xử lý nghiêm những trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ và các loại bảo hiểm khác khi cấp tín dụng.

Với chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dư luận xã hội đang chờ sự vào cuộc quyết liệt của ngành Ngân hàng Phú Yên nhằm sớm chấn chỉnh tình trạng “bán bia kèm lạc” tại các ngân hàng thương mại đang diễn ra phổ biến, gây bức xúc nhiều người.

NGUYỄN QUANG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/254913/som-chan-chinh-tinh-trang--ban-bia-kem-lac--tai-cac-ngan-hang.html