Sớm chốt hướng tuyến dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng theo phương án tối ưu
Làm việc với một số địa phương ngày 16/5, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy đề nghị sớm có văn bản chốt hướng tuyến dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng theo phương án tối ưu về mặt kỹ thuật, bảo đảm đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 16/5, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy làm việc với các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và thành phố Hải Phòng về quy mô, hướng tuyến dự án đầu tư xây dựng đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy đề nghị cần xử lý vấn đề kỹ thuật phát sinh để bảo đảm tầm nhìn dài hạn, đồng bộ, tiết kiệm nguồn lực của dự án.
Sẵn sàng bàn giao mặt bằng thời gian sớm nhất
Báo cáo đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, thống nhất hướng tuyến chính của dự án theo phương án nghiên cứu tiền khả thi; đề nghị đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu giảm bán kính tuyến nhánh với nút giao để hạn chế tối thiểu tác động đến khu Sơn lăng cấm địa.
Đối với tuyến đường bộ kết nối từ sân bay Gia Bình đến Hà Nội, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định, cần giữ hướng tuyến đã nghiên cứu và thống nhất giữa tỉnh Bắc Ninh và TP Hà Nội.
Việc kết hợp tuyến đường sắt đô thị vào tuyến đường này phải tuân thủ các nguyên tắc đã thống nhất về mặt cắt, hướng tuyến. Không nên phát sinh tuyến đường sắt để bảo đảm tiêu chí "ngắn nhất, thẳng nhất, hiện đại nhất và đẹp nhất" của tuyến đường từ sân bay Gia Bình đến Hà Nội. Đồng thời, dự án cần tránh phá vỡ trục cảnh quan đô thị, gây lãng phí về quy hoạch và những nguồn lực liên quan.
Về công tác giải phóng mặt bằng, tỉnh Bắc Ninh thành lập ban chỉ đạo. Các đơn vị chức năng đã thống kê diện tích đất, số hộ dân thuộc diện tái định cư, chuẩn bị sẵn khu tái định cư.
Dự kiến cuối tháng 5/2025, UBND tỉnh Bắc Ninh trình HĐND tỉnh phân bổ kinh phí để triển khai, phấn đấu thực hiện xong giải phóng mặt bằng tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng, đoạn qua địa bàn tỉnh, trong tháng 8/2025, đúng lộ trình của Chính phủ và Bộ Xây dựng đặt ra.
Tại Hưng Yên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hùng Nam, thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, Tỉnh ủy Hưng Yên đã chỉ đạo UBND tỉnh, tổ giúp việc của Ban chỉ đạo bổ sung dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng vào danh mục các dự án trọng điểm của tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên (thứ hai từ phải qua) báo cáo tiến độ triển khai dự án.
Tỉnh tuyên truyền rộng rãi cho người dân trong vùng dự án, nêu phạm vi dự kiến giải phóng mặt bằng để nhân dân biết, không xây dựng công trình chiếm dụng dự án; quản lý chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép, lợi dụng chính sách, ảnh hưởng đời sống, an ninh, trật tự.
Tỉnh Hưng Yên cũng tổ chức điều tra, thống kê, dự kiến nhu cầu bố trí tái định cư cho hơn 400 người, tương ứng 2,08ha đất thổ cư phải di dời. Hiện tại, các cơ quan làm thủ tục bố trí khu hạ tầng tái định cư cho người dân. Đồng thời, tỉnh cũng chỉ đạo cơ quan, địa phương liên quan chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị triển khai giải phóng mặt bằng, đáp ứng tiến độ đề ra.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, hiện chưa có cơ chế tái định cư cho các doanh nghiệp nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng; chưa có mốc giới giải phóng mặt bằng để địa phương có cơ sở thống kê chính xác người bị ảnh hưởng, từ đó bố trí khu tái định cư, cũng như điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất.
Đồng thời, tỉnh Hưng Yên đang thực hiện việc kết thúc hoạt động của các huyện, sáp nhập xã, phường nên dự báo công tác kiểm kê, giải phóng mặt bằng thời gian tới gặp khó khăn.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy (thứ hai từ phải sang) đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên sớm có văn bản chính thức chốt hướng tuyến theo phương án đã gửi theo hướng tối ưu nhất về mặt kỹ thuật.
Làm việc với đoàn công tác, ông Lưu Văn Bản, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương khẳng định, theo khảo sát bước đầu, dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đoạn qua Hải Dương, không gặp khó khăn, vướng mắc liên quan giải phóng mặt bằng. Hải Dương sẽ bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án đúng tiến độ Chính phủ và Bộ Xây dựng đề ra.
Tại Hải Phòng, theo báo cáo của Phó Chủ tịch UBND thành phố, đã giao Ban quản lý Giao thông và Nông nghiệp lập dự án đầu tư các khu tái định cư. Dự kiến trong tháng 5/2025, Hải Phòng phê duyệt dự án các khu tái định cư; đến tháng 9 hoặc 10/2025 sẽ khởi công dự án.
Thành phố Hải Phòng cũng thành lập Ban chỉ đạo do Bí thư Thành ủy làm trưởng ban, thành viên là lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan.
Lãnh đạo UBND TP Hải Phòng đề xuất một số kiến nghị: Làm rõ thẩm quyền xử lý hệ thống điện trong khu vực giải phóng mặt bằng; rà soát các hầm chui, nút giao khác mức hoàn trả; điều chỉnh bổ sung quỹ đất tại ga Đình Vũ từ 5,6ha lên 18ha để tạo dư địa phát triển; tính toán lại tàu hành khách tại cảng Nam Đồ Sơn cho phù hợp; nghiên cứu lại việc vận chuyển hành khách tại ga Nam Đình Vũ...
Xử lý những vấn đề kỹ thuật phát sinh
Làm việc với UBND tỉnh Bắc Ninh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh, việc triển khai dự án qua địa bàn tỉnh xuất hiện thêm các yếu tố mới như quy mô sân bay Gia Bình, quy hoạch tuyến đường kết nối từ sân bay Gia Bình đến Hà Nội (trong đó có cả tuyến đường sắt đô thị). Nhà đầu tư đề xuất tuyến đường sắt nối sân bay Gia Bình với Quảng Ninh nên phát sinh vấn đề kỹ thuật cần xử lý để bảo đảm tầm nhìn dài hạn, đồng bộ, tiết kiệm nguồn lực.
Trong quá trình triển khai, đơn vị tư vấn đã hạn chế ảnh hưởng khu di tích lịch sử, nhận được thống nhất của thành phố Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh.
Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy yêu cầu đơn vị tư vấn phối hợp các bộ phận rà soát thu hẹp bán kính những tuyến nhánh; lập phương án 3D những nút giao để xác định, bảo đảm tính kỹ thuật, khả thi theo ý kiến 2 địa phương đã thống nhất. Việc nghiên cứu nội dung liên quan phải gắn với công năng, nhu cầu vận tải, nhu cầu sử dụng đất, tránh lãng phí nguồn lực.
Thứ trưởng cũng thống nhất ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ nên có 1 tuyến đường sắt đô thị trên tuyến đường bộ từ sân bay Gia Bình đến Hà Nội, tránh phá vỡ cảnh quan, không gian tuyến đường.
Đối với tỉnh Hưng Yên, sau khi nghe báo cáo, ghi nhận khó khăn, vướng mắc trong quá trình nghiên cứu khả thi dự án, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh sớm có văn bản chính thức chốt hướng tuyến theo phương án Ban Quản lý dự án đường sắt đã gửi theo hướng tối ưu nhất về mặt kỹ thuật, bảo đảm đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là "thẳng nhất có thể". Chốt hướng tuyến xong sẽ có căn cứ pháp lý bàn giao mốc tọa độ.
Tỉnh Hưng Yên nghiên cứu giao công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho Ban Quản lý dự án cấp tỉnh là chủ đầu tư. Bởi lẽ sắp tới, chính quyền cấp huyện xóa bỏ, trong khi cấp xã mới thành lập, đội ngũ cán bộ còn bỡ ngỡ, chưa quen công việc khó khăn, phức tạp này.
Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết, khi đã có tọa độ từng điểm ranh giới, có thể trích lục kiểm đếm sớm làm căn cứ giải phóng mặt bằng. Bộ cũng sẽ sớm phê duyệt bộ hồ sơ thiết kế cơ bản để cắm mốc phục vụ giải phóng mặt bằng.
Một việc quan trọng là tỉnh Hưng Yên cần sớm triển khai quy hoạch lại khu vực có đường sắt đi qua để khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên đường sắt, nhằm tận dụng cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, tỉnh Hải Dương chủ động nguồn cung vật liệu phục vụ thi công dự án.
Đối với tỉnh Hải Dương, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy đề nghị sớm giao chủ đầu tư triển khai các dự án tái định cư; cập nhật danh giới, lên phương án thu hồi đất, giải phóng mặt bằng trong thời gian sớm nhất.
Tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và đơn vị tư vấn rà soát, báo cáo sớm từng vị trí cụ thể làm đường gom, đường ngang, vỉa hè, kênh mương… để có phương án xử lý. Đặc biệt, Hải Dương cần sớm thống nhất nguồn cung vật liệu và bố trí nguồn vốn triển khai dự án.
Về đường dẫn, Thứ trưởng lưu ý tùy mật độ dân cư, phương tiện để quy hoạch tuyến đường với mặt cắt cho phù hợp.
Tỉnh cũng cần xem xét điều chỉnh quy hoạch để khai thác có hiệu quả quỹ đất nơi có đường sắt đi qua, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Theo báo cáo, dự án qua địa bàn TP Hải Phòng xuất hiện một số yếu tố mới cần xử lý để bảo đảm tầm nhìn dài hạn, đồng bộ.
Tại Hải Phòng, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh, việc triển khai dự án trên địa bàn thành phố xuất hiện thêm những yếu tố mới như mở rộng ga Đình Vũ, điều chỉnh hướng tuyến nên phát sinh vấn đề kỹ thuật cần xử lý để bảo đảm tầm nhìn dài hạn, đồng bộ.
Ông yêu cầu đơn vị tư vấn phối hợp TP Hải Phòng rà soát, lập phương án các nút giao, bảo đảm tính kỹ thuật, khả thi theo ý kiến đã thống nhất. Việc nghiên cứu nội dung liên quan phải gắn với công năng, nhu cầu vận tải, nhu cầu sử dụng đất để tránh lãng phí nguồn lực. UBND thành phố Hải Phòng sớm có báo cáo tình hình thực hiện dự án để Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ.
Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Hưng Yên có chiều dài hơn 16km, qua địa bàn huyện Văn Lâm và thị xã Mỹ Hào. Tổng diện tích đất bị ảnh hưởng trên 72ha, chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư dự kiến hơn 1.300 tỷ đồng.
Trong khi đó, đoạn qua tỉnh Hải Dương có chiều dài gần 41km, dự kiến sử dụng hơn 180ha đất, gồm gần 15ha đất ở nông thôn, còn lại là đất trồng lúa, cây hằng năm, cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản, đất sản xuất, kinh doanh…
Theo khảo sát, hơn 490 hộ với trên 2.800 nhân khẩu bị thu hồi đất có nhu cầu tái định cư. Theo tính toán sơ bộ, kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng đoạn qua Hải Dương hơn 3.800 tỷ đồng.