Sớm cơ cấu lại hoạt động nghề cá ở Nghệ An
Sau nhiều năm đạt được chỉ tiêu tăng trưởng khá tích cực, vài năm gần đây, hoạt động khai thác hải sản ở Nghệ An lại gặp nhiều khó khăn. Mặc dù ngư dân đã cố gắng chuyển đổi phương tiện đánh bắt nhưng nguồn lợi thủy sản bị cạn kiệt khiến hoạt động đánh bắt ngày càng kém hiệu quả. Thực tế này đang đòi hỏi tỉnh Nghệ An cùng hiệp hội nghề cá và ngư dân cần sớm có giải pháp cơ cấu lại hoạt động nghề cá sao cho hiệu quả hơn.
Sau nhiều năm đạt được chỉ tiêu tăng trưởng khá tích cực, vài năm gần đây, hoạt động khai thác hải sản ở Nghệ An lại gặp nhiều khó khăn. Mặc dù ngư dân đã cố gắng chuyển đổi phương tiện đánh bắt nhưng nguồn lợi thủy sản bị cạn kiệt khiến hoạt động đánh bắt ngày càng kém hiệu quả. Thực tế này đang đòi hỏi tỉnh Nghệ An cùng hiệp hội nghề cá và ngư dân cần sớm có giải pháp cơ cấu lại hoạt động nghề cá sao cho hiệu quả hơn.
Hàng trăm tàu nằm bờ
Những ngày đầu tháng 3, mặc dù lễ tết đã hết và sắp bước vào vụ đánh bắt mới nhưng tại các bến thuyền Lạch Thơi, Lạch Quèn (Quỳnh Lưu) hay Lạch Vạn (Diễn Châu) vẫn còn khá nhiều tàu nằm bờ. Ông Cao Xuân Ðiệp, Chủ tịch UBND xã Sơn Hải (huyện Quỳnh Lưu) cho biết: Toàn xã có 160 tàu đi câu, loại hai sào và bốn sào. Trước đó, 30 tàu trong xã dự định đi đánh cá xuyên Tết Nguyên đán Tân Sửu, nhưng do đánh bắt không hiệu quả nên 19 tàu phải quay về vào ngày 29 Tết, bị lỗ tiền dầu. 11 tàu tiếp tục bám trụ đánh bắt, mồng 4 Tết mới về nhưng chỉ thu được 50 đến 60 triệu đồng/tàu, vừa đủ chi phí xăng dầu. Ðây là mức đánh bắt kém hiệu quả nhất trong nhiều năm trở lại đây.
So với xã khác, xã Sơn Hải có nghề câu mực là chính. Mặc dù số tàu nhiều nhưng bình quân lao động trên tàu ít nên vẫn còn nhiều tàu còn bám trụ nghề đánh bắt. Tuy nhiên, sang năm 2020, do mất mùa nên đội tàu đi câu 160 chiếc của xã đã nghỉ hơn một phần ba, chỉ còn lại 90 chiếc tham gia đánh bắt. Từ tháng 12-2020, UBND xã Sơn Hải đã xác nhận thủ tục chuyển nhượng 10 tàu cá.
Tại xã Quỳnh Long, một trong những xã trọng điểm nghề đi vây của huyện Quỳnh Lưu, tình hình cũng không khả quan hơn. Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Hội nghề cá xã Vũ Ngọc Chắt cho biết: Toàn xã có 90 tàu đánh bắt xa bờ nhưng đợt rà soát để lắp đặt thiết bị giám sát hành trình vừa qua, 30 tàu do đánh bắt không hiệu quả và không có nhân lực đi biển nên nằm bờ dài ngày. Trong khi đó, xã bên cạnh là Tiến Thủy cũng gần 30% số tàu không đủ lao động và đánh bắt không hiệu quả nên phải nằm bờ dài hạn.
Trên thực tế, dù ngư dân rất gắn bó với nghề nhưng do đánh bắt không hiệu quả, thu nhập không bảo đảm nên không thể giữ chân được lao động. Thống kê của UBND xã Sơn Hải cho hay, từ năm 2019 đến nay, bình quân mỗi lao động nghề cá chỉ có thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng, tàu nào đánh bắt hiệu quả thì từ 7 đến 9 triệu đồng/tháng. Trong khi đi tàu vận tải, mỗi tháng được từ 7 đến 10 triệu đồng nên nhiều chủ tàu cá không tìm được lao động đánh bắt.
Ðể thấy rõ hơn, đi câu mực hay cá hỗ, mỗi tàu chỉ cần năm đến bảy lao động nhưng với tàu đi vây luôn cần 18 đến 20 lao động. Do chi phí mỗi chuyến biển lên tới 300 đến 400 triệu đồng (trong đó, gần một nửa là tiền dầu), cho nên chỉ cần vài ba chuyến biển không được thì không thể giữ chân lao động được. Ông Bùi Văn Ân, chủ một tàu cá ở thôn Phú Thành, xã Quỳnh Long cho biết: Mặc dù đánh bắt là nghề cha truyền con nối nhưng do đánh bắt không được nên anh vừa bán một phần thuyền của mình trên một tàu cá. Phần thuyền này cách đây 5 năm chung gần 300 triệu đồng, nay chỉ bán được 35 triệu đồng. Ðại diện UBND xã Quỳnh Long cho biết: Từ nửa cuối năm 2020 đến nay, có hàng chục tàu cá của xã đang nằm bờ hoặc rao bán; các lao động thì lên bờ đi tìm việc khác. Nhiều hộ muốn bán tàu nên giá trị tàu giảm mạnh. Nếu như trước đây, một tàu công suất 500 CV, tương đương với chiều dài mạn tàu hơn 20 m, đóng mới mất từ 8 đến 10 tỷ đồng thì nay chỉ bán khoảng ba đến bốn tỷ đồng nhưng vẫn ít người hỏi mua.
Chi cục trưởng Thủy sản tỉnh Nghệ An Nguyễn Chí Lương cho biết, nghề cá đang ở giai đoạn khó khăn nhất. Không chỉ hiệu quả đánh bắt giảm do nguồn lợi thủy sản suy giảm mà các điều kiện đánh bắt cũng ngày càng ngặt nghèo hơn. Ðợt rà soát làm chế độ hỗ trợ ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá có chiều dài mạn từ 15 m trở lên, mặc dù đã động viên nhưng toàn tỉnh có 95 tàu cá nằm bờ nên chủ tàu cá không lắp đặt thiết bị hành trình. Cũng do đánh bắt không hiệu quả và tỉnh có quy định hạn chế ngư dân mua tàu quá cũ nát về nên trong vòng bốn năm lại đây, đội tàu có chiều dài hơn 15 m của Nghệ An đã giảm từ 1.400 chiếc xuống còn 1.128 chiếc.
Chủ động tháo gỡ khó khăn
Trong bối cảnh khó khăn như vậy thì việc một số tàu cá ở Quỳnh Lập, Quỳnh Dị (thị xã Hoàng Mai) chủ động chuyển tàu đi vây sang đi chụp, đánh cá nổi khá hiệu quả là một hướng đi hay. Ðiều đó thấy rõ ở bến cá Quỳnh Lập những ngày đầu năm, trái ngược với cảnh nhiều tàu cá phải nằm bờ hồi đầu năm 2020, khi sau Tết Nguyên đán, có hơn 100 tàu trong đội tàu 146 chiếc xa bờ của ngư dân Quỳnh Lập ra khơi đánh bắt trở về. Bình quân mỗi tàu thu được từ 30 đến 50 tấn cá nên đủ bù chi phí và có lãi. Phó Chủ tịch Hội nghề cá xã Quỳnh Lập Lê Bá Kỷ cho biết: Từ giữa năm 2020, nhận thấy nghề vây không hiệu quả, nhiều chủ tàu vây đã chuyển sang làm pha xúc và chụp. Mức đầu tư thêm chỉ từ 80 đến 150 triệu đồng/tàu nhưng hiệu quả hơn hẳn. Do đánh bắt hiệu quả nên Hội nghề cá Quỳnh Lập đang mời xã Quỳnh Long sang trao đổi để vận động người dân chuyển đổi nghề và giữ nghề, không nên bán tháo tàu…
Từ thực tế của Hội nghề cá Quỳnh Lập, nên chăng, các huyện cần tổ chức hội thảo đầu bờ để các ngư dân, nhất là các tàu đánh bắt hiệu quả trao đổi nhằm tìm hướng chuyển đổi các trang thiết bị đánh bắt hợp lý. Thời gian qua, bên cạnh các tàu đánh bắt không hiệu quả thì vẫn có một số tàu cá, nhờ chủ tàu có kinh nghiệm đánh bắt đã mạnh dạn đầu tư máy dò ngang mà dò cá theo độ sâu, mỗi mùa đánh một loài cá (cá nổi hoặc cá đáy) và hiệu quả đánh bắt hơn hẳn.
Song song với tiếp tục động viên ngư dân chuyển đổi các trang thiết bị đánh bắt hiệu quả để vươn khơi bám biển thì các địa phương phải quy hoạch lại các cơ sở hậu cần, chế biến, bảo quản trên bờ để nâng cao giá trị hải sản sau đánh bắt. Bất cập ở chỗ, mặc dù đánh bắt không hiệu quả nhưng có thời điểm tàu về đánh bắt được nhiều thì giá hải sản cũng quá rẻ. Thí dụ như, bình thường 1 kg cá bạc má khi đánh bắt được chỉ khoảng 30 đến 40 nghìn đồng/kg nhưng nếu qua bảo quản, chế biến tốt thì có giá trị tăng lên gấp hai, gấp ba lần.
Mặt khác, để giảm chi phí thì phải mạnh dạn đầu tư chuyển đổi phương thức bảo quản trên tàu cá. Theo một ngư dân từng đi xuất khẩu lao động đánh bắt trên biển tại Ðài Loan (Trung Quốc) cho biết: Ở Ðài Loan, tàu chỉ 500 đến 700 tấn nhưng đánh bắt cả năm trên biển và chỉ vào cảng khi cần bán cá và tiếp nhiên liệu; không nhất thiết phải về bờ. Ðằng này, tàu cá Việt Nam thì đánh bắt xong, chỉ cần 10 đến 15 tấn cá là về bờ ngay, quá lãng phí dầu và nguồn lợi. Nghề đánh bắt cá có đặc điểm là có khi lênh đênh đánh cả ngày không trúng một luồng cá nào nhưng chỉ cần gặp vỉa cá thì vài giờ đồng hồ là đầy khoang. Khi gặp bãi cá, thay vì tàu phải trụ lại để đánh bắt, chờ tàu hậu cần đến thì lại phải quay đầu chạy hàng trăm hải lý về bờ để bán cho được giá (cá tươi). Nhập xong cá rồi lấy nước ngọt, đi chuyến khác và chưa biết có gặp cá hay không nên chi phí lớn. Trước đây, theo Nghị định 67/CP, Nghệ An đã phát triển tàu làm dịch vụ hậu cần nhưng do mỗi tàu đánh cá lại có một nhà cung cấp đá, xăng dầu riêng nên đội tàu làm dịch vụ hậu cần trên biển không có nguồn hàng, đành dẹp bỏ.
Phó Chi cục trưởng Thủy sản Nghệ An Trần Như Long cho biết thêm: Nghề cá các nước khá hiện đại, kỹ thuật đánh bắt khá chuyên sâu và trang thiết bị trên tàu hỗ trợ rất nhiều cho người lao động; hải sản đánh bắt được bảo quản bằng đá khô CO2, sản xuất đá từ nước biển, ni-tơ lỏng… Vì vậy, lao động nghề cá các nước dù vất vả nhưng không quá nặng nhọc. Nghề đánh bắt nước ta, trang thiết bị lạc hậu và phần lớn là lao động phổ thông, không có kỹ thuật chuyên sâu. Tàu cá lớn nhưng chủ yếu dùng đá lạnh để bảo quản hải sản vừa nặng tàu, di chuyển chậm, lại làm tiêu hao xăng dầu cùng thời gian bảo quản ngắn. Vì thế, về lâu dài để đánh bắt hiệu quả và ngư dân muốn bám biển dài lâu thì phải tâm huyết và trau nghề. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, bản thân các ngư dân cũng cần tự tìm kiếm, học hỏi về kỹ thuật đánh bắt hiện đại, đầu tư và làm chủ các trang thiết bị đánh bắt hiện đại kết hợp với bí quyết đánh bắt truyền thống từng vùng thì mới hiệu quả.