Sớm có cơ chế hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh
Mặc dù, Nhà máy sợi dệt tại xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy) đã chính thức đi vào hoạt động và là một dự án có ý nghĩa quan trọng, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp. Tuy nhiên, chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cây gai xanh tạo động lực để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho nhà máy hoạt động.
Vùng sản xuất cây gai xanh tại xã Cẩm Tâm (Cẩm Thủy).
Thực hiện mục tiêu của đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ Nhà máy sợi dệt tại xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy) đến năm 2025 định hướng đến năm 2030. Theo đó, đề án xác định mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh đạt diện tích trồng cây gai xanh 3.000 ha, năng suất gai toàn vùng bình quân 100 tấn/ha/năm, sản lượng gai nguyên liệu 300.000 tấn gai tươi/năm (bao gồm thân, vỏ, lá). Từ năm 2018 đến nay, mặc dù đã được các ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương cùng với Công ty CP Đầu tư phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu An Phước đã triển khai các giải pháp để mở rộng diện tích trồng gai theo kế hoạch. Tuy nhiên, đến hết năm 2020 diện tích cây gai xanh trên địa bàn tỉnh mới được 154,1 ha, đạt 5% kế hoạch (trong đó, diện tích trồng mới năm 2020 là 76,3 ha, diện tích lưu gốc từ những năm trước là 76,8 ha).
Tìm hiểu về nguyên nhân diện tích cây gai xanh phát triển chậm, không đạt kế hoạch đề ra ở các địa phương nằm trong phạm vi của đề án. Tại huyện Cẩm Thủy, được định hướng trong giai đoạn 2018-2020 sẽ phát triển 801 ha cây gai xanh tại 11 xã. Mặc dù, huyện Cẩm Thủy đã tuyên truyền, vận động các tổ chức, HTX, hộ dân tích tụ, tập trung đất đai hoặc liên kết tạo thành vùng sản xuất lớn để trồng cây gai xanh theo quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất. Tuy nhiên, đến nay diện tích trồng cây gai xanh của toàn huyện mới được 72,1 ha, đạt 8% so với mục tiêu đề ra trong đề án. Ông Phạm Viết Hoài, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy, cho biết: Hiện cây gai xanh đang có tiềm năng và giá trị kinh tế hơn các cây trồng khác trên cùng diện tích. Có thời điểm diện tích cây gai xanh trên địa bàn huyện lên đến 128 ha, tuy nhiên khi đó nhà máy đang trong quá trình xây dựng và cơ chế thu hút người trồng cây gai xanh chưa ổn định khiến người dân ngần ngại dẫn đến diện tích giảm. Vì vậy, tỉnh sớm đưa cây gai xanh vào đối tượng được hỗ trợ như các cây trồng khác theo Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 11-1-2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tích tụ, tập trung đất đai phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để thu hút doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và các hộ dân để tổ chức sản xuất quy mô lớn, công nghệ cao. Có cơ chế hỗ trợ 10 máy bóc tách vỏ cây gai xanh cho các HTX trên địa bàn huyện để phục vụ sơ chế cho người dân. Đối với Nhà máy sợi dệt tại xã Cẩm Tú đã đi vào hoạt động ổn định, cần thực hiện liên kết, có chính sách thu mua, sơ chế nguyên liệu mang tính bền vững hơn để người dân yên tâm sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu.
Mặc dù, cây gai xanh không phải là cây trồng mới lạ trên địa bàn tỉnh (trước đây nhiều vùng đã trồng gai lấy lá làm bánh, lấy củ làm thuốc...), nhưng để sản xuất với quy mô lớn, phục vụ nguyên liệu cho nhà máy sản xuất thì cây gai xanh là cây trồng phát triển sau các cây công nghiệp khác. Vì vậy, dẫn đến việc chọn đất, chọn vùng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển cây gai xanh tập trung gặp nhiều khó khăn. Diện tích đất phát triển cây gai xanh còn nhỏ lẻ, tập trung ở những vùng đất đai cằn cỗi, bạc màu, thiếu nước tưới. Trong khi đất trồng các loại cây trồng khác có thể chuyển đổi sang trồng gai xanh thì đã được trồng các cây trồng khác và đang trong thời kỳ khai thác, như: cao su, mía, dứa... Nếu chuyển đổi sang trồng cây gai xanh vừa phải thực hiện việc giải phóng mặt bằng, vừa phải tốn chi phí đã đầu tư trồng cây khác và thu nhập cho người thực hiện chuyển đổi để tái đầu tư sang trồng gai xanh. Bên cạnh đó, việc phát triển sản xuất cây gai xanh tập trung đòi hỏi người đầu tư phải mua, thuê, mượn thêm quỹ đất. Phần lớn các địa phương được định hướng phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh là miền núi, địa hình phức tạp, nên cơ sở hạ tầng các vùng trồng gai xanh còn gặp rất nhiều khó khăn về giao thông, thủy lợi nội đồng, trong khi yêu cầu về cơ giới hóa và thủy lợi trong sản xuất gai xanh lớn. Cây gai xanh là cây trồng ưa ẩm nhưng không chịu được ngập úng. Ngoài ra, bộ giống cây gai xanh còn thiếu, hiện nay mới chỉ có giống AP1 do Viện Di truyền nông nghiệp du nhập, khảo nghiệm và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận đưa vào sản xuất. Trong khi hệ thống sản xuất giống cây gai xanh để phục vụ cho sản xuất đại trà tại các huyện miền núi của tỉnh chưa được đầu tư một cách bài bản (mới chỉ có 1 khu ươm giống của Công ty CP Đầu tư phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu An Phước, quy mô sản xuất khoảng 120 ha/năm). Cùng với đó, việc tập huấn chuyển giao kỹ thuật còn nhiều hạn chế, chưa làm cho Nhân dân thấy rõ hiệu quả, lợi ích của việc trồng cây gai xanh; cơ chế đầu tư, thu mua nguyên liệu của công ty thay đổi nhiều lần, thiếu ổn định; cán bộ nguyên liệu của công ty biến động nhiều và thiếu kinh nghiệm trong triển khai vận động tuyên truyền; công tác phối hợp với các địa phương chưa được thường xuyên, thiếu chủ động ở cả hai phía, vẫn có tâm lý hoài nghi, e ngại, nhất là giai đoạn trước đây khi nhà máy chưa chính thức đi vào hoạt động.
Việc phát triển cây gai xanh nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến sợi dệt là chủ trương lớn của tỉnh. Từng bước hình thành mô hình công nông nghiệp kết hợp, gắn sản xuất với chế biến theo chuỗi giá trị quy mô lớn. Hiệu quả sản xuất của cây gai xanh qua thực tế sản xuất cho thấy hơn nhiều đối tượng cây trồng hiện nay trên cùng diện tích, nhất là khu vực các huyện phía Tây của tỉnh. Nhất là khi nhà máy sợi dệt đi vào hoạt động ổn định, nhu cầu nguyên liệu lớn, nếu không tập trung tổ chức phát triển cây gai xanh nguyên liệu thì nhà máy sẽ thiếu nguyên liệu hoạt động, phải mở rộng vùng nguyên liệu từ các tỉnh khác làm mất đi cơ hội phát triển một đối tượng cây trồng có hiệu quả kinh tế cao tại địa phương. Vì vậy, việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cây gai xanh là rất cần thiết, thu hút người dân và các tổ chức, HTX đầu tư phát triển vùng nguyên liệu bền vững.