Sớm có dữ liệu về thị trường lao động để điều tiết tốt nhất
Tình trạng người lao động rời khu vực sản xuất, di cư về quê đang đặt ra bài toán đối với công tác quản lý nhân lực, trong đó có việc chuẩn bị đội ngũ lao động cho phục hồi phát triển kinh tế.
Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), tính tới tháng 8/2021, báo cáo nhanh của các tỉnh phía Nam cho thấy, đã có khoảng 2,5 triệu lao động phải ngừng việc, chiếm 70% số lao động phải ngừng việc trong cả nước. Do không có việc làm, nhiều lao động đã quyết định về quê và để lại khoảng trống lớn về nhân lực khi bước vào giai đoạn phục hồi.
Theo ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, việc để hàng trăm ngàn lao động phải “vượt rào” về quê trong mùa dịch bệnh như những ngày gần đây là bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch và quản lý lao động tại các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương. Đây là những khu vực trọng điểm kinh tế, thu hút lượng lớn lao động ngoại tỉnh đến làm việc. Tại Bình Dương, ước tính lao động trong các khu công nghiệp có đến 60-70% là người ngoại tỉnh. Về quy định, người lao động ở đâu thì chính quyền địa phương nơi đó phải có trách nhiệm chăm lo đời sống cho họ. Nhưng đến nay, tại các khu công nghiệp lớn ở khu vực phía Nam, vấn đề an sinh xã hội cho người lao động ngoại tỉnh vẫn chưa được thực hiện tốt. Do vậy, nhiều lao động sống ở đây cả chục năm nhưng vẫn là dân ngụ cư, không xác định sẽ gắn bó lâu dài, khi dịch bệnh xảy ra, đồng lương ít ỏi, không thể cầm cự, người lao động phải tìm mọi cách để về quê.
Ông Phạm Minh Huân nhận định: Việc lao động về quê đặt ra câu hỏi các tỉnh có nắm được số liệu về lao động hay không, và dữ liệu về lao động giữa các địa phương có sự liên thông, thống nhất không, để từ dữ liệu này có phương án hỗ trợ người dân về quê và ở lại thành phố? Việc xây dựng được nguồn dữ liệu thị trường lao động và liên thông giữa các tỉnh có vai trò quan trọng nhưng từ lâu nguồn dữ liệu này vẫn chưa thực hiện được và dựa trến số liệu của Tổng cục thống kê. Bên cạnh đó, việc kết nối lao động hiện nay vẫn chủ yếu do người lao động và doanh nghiệp tự tìm đến nhau, mang tính tự phát. Tại các nước trên thế giới, khi xây dựng được cơ sở dữ liệu về thị trường lao động, không chỉ giúp các cơ quan hoạch định chính sách nắm được chính xác hơn vấn đề về cung cầu lao động tại từng địa phương mà còn giúp giải quyết rất nhiều bài toán về lao động. Việc xây dựng được dữ liệu sẽ có biện pháp hỗ trợ cụ thể hơn.
Còn theo ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam), lâu nay, các trung tâm kinh tế vẫn thu hút một lượng rất lớn lao động nhập cư đến làm việc, điều này giúp giải quyết vấn đề việc làm, nâng cao đời sống cho một bộ phận người lao động. Tuy nhiên, xét ở góc độ về chính sách an sinh xã hội thì vẫn còn nhiều bất cập.
Tại một số tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, lao động ngoại tỉnh là chủ yếu, song các công trình phúc lợi như nhà ở xã hội, nhà trẻ trong các khu công nghiệp vẫn còn rất nghèo nàn so với nhu cầu của người lao động. “Đây là sự mất cân đối giữa đóng góp của người lao động và mức độ đầu tư ngược trở lại cho nhóm đối tượng này. Cũng bởi thế, nhiều lao động coi công việc tại đây chỉ mang tính tạm thời", ông Lê Đình Quảng cho biết.
"Do đó, khi thu hút lao động vào các khu công nghiệp, cũng cần nhìn nhận lại tác động về mặt xã hội, tránh việc thu hút quá nhiều lao động vào một vài khu công nghiệp. Đồng thời, Việt Nam cần xây dựng được một cơ sở dữ liệu về lao động thống nhất, trong đó các địa phương có lao động đi làm ở những địa phương khác, cũng như địa phương tiếp nhận lao động cần nắm rõ số liệu để có những hoạch định chính sách, không chỉ phục vụ vấn đề quản lý thị trường lao động mà còn đáp ứng cho công cuộc phòng chống dịch. Có thể thấy dữ liệu về thị trường lao động “cát cứ” tại từng địa phương và không có số liệu chính xác", ông Lê Đình Quảng cho hay.
Việc đảm bảo cuộc sống cho người lao động ổn định không chỉ là trách nhiệm của địa phương mà cần có trách nhiệm của doanh nghiệp để có mức độ đầu tư tương xứng về an sinh xã hội.