Sớm dập dịch tụ huyết trùng trên trâu bò
Hơn một tháng trở lại đây, trên địa bàn huyện biên giới Đăk Glei, tỉnh Kon Tum, bệnh tụ huyết trùng đã làm hơn 200 con trâu, bò bị chết. Trước thực trạng đó, lực lượng chức năng huyện Đăk Glei đã huy động tối đa nhân, vật lực nhằm sớm dập dịch tụ huyết trùng, giảm thiểu thiệt hại cho người dân.
Hơn một tháng trở lại đây, trên địa bàn huyện biên giới Đăk Glei, tỉnh Kon Tum, bệnh tụ huyết trùng đã làm hơn 200 con trâu, bò bị chết. Trước thực trạng đó, lực lượng chức năng huyện Đăk Glei đã huy động tối đa nhân, vật lực nhằm sớm dập dịch tụ huyết trùng, giảm thiểu thiệt hại cho người dân.
Dịch diễn biến nhanh, gây thiệt hại nặng nề
Vượt hơn 200km đường đèo quanh co, lầy lội, sụt lún vì những cơn mưa đầu mùa, chúng tôi có mặt tại xã biên giới Đăk Plô, huyện Đăk Glei, nơi dịch tụ huyết trùng đang hoành hành, gây thiệt hại cho nhiều hộ dân với đa số là bà con dân tộc thiểu số nghèo nơi đây. Ghé vào gia đình anh A Tỉnh, thôn Bung Kon được anh cho biết gia đình anh bị chết một con trâu. Sau khi dịch tụ huyết trùng bùng phát, gia đình anh đã vào rừng lùa được ba con trâu về nhà, hiện tại đang chữa trị và đã được tiêm phòng dịch bệnh, còn hai con chưa bắt được vẫn đang còn trong rừng. Riêng con trâu bị chết thì gia đình đã đào hố và chôn tại chỗ trong rừng.
Anh A Tỉnh cho biết: "Trong suốt thời gian này, bà con trong thôn đang bận làm nương rẫy cho nên lơ là không kịp thời kiểm soát được. Cách đây vài ngày có người ra bãi chăn trâu trong rừng mới phát hiện trâu, bò chết, nên bà con tập trung, đào hố chôn luôn. Sau đó bà con tập trung dắt, lùa trâu bò về, gọi điện cho cán bộ thú y vào chăm sóc kịp thời".
Đồng chí Cao Tiến Sỹ, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đăk Glei đưa tay vuốt lên đầu, sờ lên mình con trâu đang có dấu hiệu nóng sốt nhà anh A Tỉnh và hướng dẫn: "Trâu có dấu hiệu nóng, sốt như thế này thì nuôi thả trong chỗ mát, tránh nuôi tại bờ suối như gia đình anh hiện nay, dễ làm bệnh thêm trầm trọng. Nếu xuất hiện tình trạng chảy nước mũi, nước miệng thì báo ngay cho cán bộ thú y để kịp thời điều trị".
Bà con dân tộc thiểu số xã Đăk Plô nói riêng và huyện Đăk Glei nói chung vẫn giữ tập quán nuôi thả tự do trong rừng, giáp với biên giới nước bạn Lào, một đến hai tuần mới lên chăm nom nên theo nhiều người dân nơi đây, dịch tụ huyết trùng bùng phát có thể do trâu, bò thả rông bị lây từ nước bạn. Vì nuôi thả không tập trung trong rừng nên cán bộ thú y đi tiêm chủng phòng dịch rất khó.
Khi dịch bùng phát, lực lượng chức năng đã vận động bà con đưa trâu, bò về nhà hết để tiện chăm sóc, phòng dịch. Đến nay, bà con lùa, bắt đưa về nhà gần hết, cách ly từng khu từ một đến hai con, mỗi gia đình nuôi, nhốt riêng để thú y tiện theo dõi. Còn một số con trong rừng, bà con tiếp tục huy động đi bắt về chữa trị.
Anh A Tỉnh, thôn Bung Kon, xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei dắt, lùa trâu được chăn thả trong rừng về sau nhà để chăm sóc, theo dõi.
Đồng chí A Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Plô, cho biết: Toàn xã có hơn một nghìn con trâu, bò. Từ thời điểm phát hiện trâu, bò chết từ ngày 11-5 thì đến nay đã có 83 con bị chết, trong đó có 11 con bò. Khu vực trâu bò bị bệnh giáp đường biên. Đầu tiên xuất hiện thôn Peng Lang, sau đó lây lan qua các thôn Đăk Book, Bung Tôn, Bung Kon.
Những năm trước đây, trên địa bàn xã chưa bao giờ xuất hiện dịch tụ huyết trùng này. Hiện tượng của các con mắc bệnh là bỏ ăn, nằm một chỗ rồi chết. Các con trâu chết chủ yếu toàn trâu to, mập. Dịch bùng phát nhanh, trâu bò chết nhiều trong thời gian ngắn gây thiệt hại kinh tế rất lớn cho bà con. Hiện nay người dân đã làm cổng không cho các làng có trâu bò bị dịch đi qua để phòng dịch bệnh lây lan.
Khẩn trương dập dịch
Tại địa bàn xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei, dịch tụ huyết trùng xuất hiện từ đầu tháng 5. Ngay khi phát hiện dịch bệnh tại thôn Đăk Ung, UBND xã Đăk Nhoong đã cử ngay cán bộ chuyên môn trực tiếp xuống thôn, phối hợp với thôn xác minh tình hình dịch bệnh. Đến nay trên địa bàn xã đã có 118 con trâu, bò bị chết vì bệnh này.
Chủ tịch UBND xã Đăk Nhoong A Nhập cho biết: Nguyên nhân trâu bò chết chủ yếu do bà con nuôi thả diện rộng trên khu vực đường biên, không có chuồng trại nên quá trình triển khai phòng chống dịch cũng gặp khó khăn. Sau khi xác định được nguyên nhân từ bệnh tụ huyết trùng thì xã đã triển khai ngay công tác phòng, chống dịch, khoanh vùng trâu bò thành từng nhóm trên đồi và nhốt lại. Tuyên truyền, vận động, khuyến cáo, hướng dẫn cho người dân hiểu về bệnh tụ huyết trùng. Bệnh này dễ chữa, điều trị từ hai đến ba ngày là đỡ. Nhưng nếu không phát hiện kịp và điều trị trong thời gian ngắn là sẽ chết. Bà con đã nắm được cách điều trị nên trâu bò đỡ chết phần nào.
Ngay khi nhận được thông báo trâu bò chết bất thường, Trung tâm khuyến nông huyện Đăk Glei đã cử cán bộ thú y xuống kiểm tra, xác minh, mổ để khám lâm sàng và kết luận là tụ huyết trùng cấp tính. Cơ quan chức năng đã hướng dẫn người dân lên phác đồ điều trị, tiến hành khử trùng tiêu độc, xử lý số gia súc đã chết. Khoanh vùng trâu bò trên địa bàn các xã có dịch, tách riêng các con không mắc bệnh và cách ly điều trị các con mắc bệnh. Tiến hành tiêm kháng sinh, hạ sốt, tăng đề kháng đối với trâu bò mắc bệnh từ năm đến bảy ngày. Bên cạnh đó, tiến hành tiêm phòng vaccine cho trâu bò chưa mắc bệnh để phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên toàn huyện.
Gắn biển cảnh báo khu vực bị nhiễm bệnh tụ huyết trùng tại thôn Bung Kon, xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei.
Đồng chí Đinh Thị Y Ngọc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đăk Glei, cho biết: Huyện được tỉnh cấp 29.300 liều vaccine phòng bệnh trên gia súc, gia cầm, trong đó có 9.000 liều tụ huyết trùng. Hiện nay, huyện đang đẩy nhanh công tác tiêm vaccine phòng bệnh tụ huyết trùng tại hai xã Đăk Nhoong và Đăk Plô, đối với xã Đăk Nhoong đã tiêm được hơn 774 liều, còn Đăk Plô là hơn 500 liều, chiếm hơn 54% số lượng cần tiêm. Tính đến nay, có 594 con trâu bò mắc bệnh đã điều trị khỏi, tiếp tục điều trị tích cực đối với số trâu bò mắc bệnh còn lại.
Phó Bí thư chi bộ, Thôn trưởng thôn Bung Kon A Ngũ, cho biết: Gia đình mình có nuôi bốn con trâu, bốn con bò. Dịch tụ huyết trùng đã làm chết một con trâu mẹ trị giá hơn 20 triệu đồng. Khi dịch xảy ra, mình tuyên truyền bà con đi lùa, dắt trâu bò về để chữa trị, tiêm vaccine phòng bệnh, để dễ cho cán bộ thú y hướng dẫn cách chăm sóc, trị bệnh. Tuyên truyền cho bà con không được bán trâu bò bị bệnh. Nếu trâu bò chết thì đào hố chôn tại chỗ, không để xảy ra tình trạng bán trâu chết gây lây lan dịch bệnh.
Với sự vào cuộc nhanh chóng, khẩn trương, đến thời điểm này cơ bản dịch tụ huyết trùng trên trâu bò tại địa bàn huyện Đăk Glei cơ bản được khống chế, không để lây lan. Thời gian tới, chính quyền địa phương có chủ trương, chính sách hỗ trợ nhân giống cho bà con. Một số trâu bò được chữa trị tốt thì sẽ dùng để tạo giống tại chỗ, gầy dựng lại đàn trâu bò cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo vùng biên giới huyện Đăk Glei.
"Việc triển khai công tác thú y trên địa bàn huyện Đăk Glei gặp nhiều khó khăn do nhân sự ít, địa bàn rộng, bị chia cắt nhiều. Sắp tới huyện sẽ định hướng mô hình chăn nuôi theo hướng tập trung, xây dựng môi trường trang trại trong giai đoạn 2021-2025 đối với trâu bò, duy trì phát triển mô hình trang trại vừa. Đó là một trong những biện pháp trước mắt và lâu dài, hạn chế thấp nhất các thiệt hại do dịch bệnh gây ra", đồng chí Đinh Thị Y Ngọc cho biết thêm.