Sớm đền bù, hỗ trợ người dân thuộc dự án hồ chứa nước Mỹ Lâm (Phú Yên)
Dự án công trình hồ chứa nước Mỹ Lâm nằm trên địa bàn xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên do Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng thủy lợi 5 (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) làm chủ đầu tư được khởi công xây dựng từ tháng 1-2019 và dự kiến hoàn thành vào tháng 6-2021. Tuy nhiên, trong lúc các đơn vị thi công thì ngày 15-6, một số hộ dân địa phương đã tập trung cản trở, bằng cách tổ chức trồng cây (chuối) và lập một lán trại ngay trên khu đất đã bàn giao, buộc đơn vị thi công phải tạm dừng thi công.
Dự án công trình hồ chứa nước Mỹ Lâm nằm trên địa bàn xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên do Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng thủy lợi 5 (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) làm chủ đầu tư được khởi công xây dựng từ tháng 1-2019 và dự kiến hoàn thành vào tháng 6-2021. Tuy nhiên, trong lúc các đơn vị thi công thì ngày 15-6, một số hộ dân địa phương đã tập trung cản trở, bằng cách tổ chức trồng cây (chuối) và lập một lán trại ngay trên khu đất đã bàn giao, buộc đơn vị thi công phải tạm dừng thi công.
Chậm đền bù, người dân bức xúc
Công trình hồ chứa nước Mỹ Lâm tỉnh Phú Yên có dung tích chứa 34,8 triệu m3. Công trình hoàn thành sẽ bảo đảm tưới nước cho 2.500 ha đất canh tác, đồng thời giải bài toán thiếu nước sinh hoạt cho 38.000 hộ dân trong khu vực. Công trình mới triển khai thi công được hơn một năm, thế nhưng nhiều vướng mắc liên quan đến việc xác định nguồn gốc đất, chuyển đổi đất rừng, công tác bồi thường cho người dân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, khiến dự án có nguy cơ bị chậm tiến độ.
Qua trao đổi, nhiều hộ dân ủng hộ việc Nhà nước đầu tư làm công trình hồ chứa nước, cho nên khi chưa nhận đền bù họ đã sẵn sàng giao đất, tạo thuận lợi cho đơn vị thi công. Thế nhưng, đã hai năm tính từ khi nhận thông báo thu hồi đất, đến nay nhiều hộ vẫn chưa được nhận đền bù.
Ông Hà Văn Ban, đại diện cho các hộ dân, cho rằng: "Vị trí gia đình ông dựng lán trại tạm để đòi hỏi quyền lợi là đất sản xuất ổn định trước đây của gia đình. Khi Nhà nước có chủ trương xây dựng hồ chứa nước Mỹ Lâm, gia đình ông rất đồng thuận, sẵn sàng giao 28.000 m2 đất canh tác để thi công dự án. Tuy nhiên đến nay, dự án sắp hoàn thành, nhưng người dân vẫn chưa được nhận tiền đền bù.
Ông Nguyễn Trường Giang, ở thôn Mỹ Xuân 2, xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa cho biết: Các thủ tục đền bù của gia đình ông đã đầy đủ. Thậm chí, việc áp giá đền bù đất của gia đình ông đã được niêm yết công khai, nhưng xã, huyện cứ hẹn mà tiền chưa được nhận. Toàn bộ đất đã giao cho công trình hai năm nay, người dân không có đất để canh tác nên họ chờ tiền đền bù để trang trải cuộc sống khó khăn. Còn gia đình ông Nguyễn Thanh Lịch, thôn Mỹ Hòa có gần 30.000 m2 đất sản xuất từ năm 1986 đến nay cũng đã giao toàn bộ mặt bằng để thi công hồ chứa nước Mỹ Lâm. Theo ông Lịch, người dân rất tha thiết có được hồ nước để cải thiện môi sinh, chủ động nguồn nước tưới. Người dân chờ Nhà nước chi trả bồi thường rồi dự tính sẽ chuyển đổi sang chăn nuôi để phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Thế nhưng, tiền đền bù của gia đình được chi trả nhỏ giọt, không đủ kinh phí để chuyển đổi sản xuất.
Qua tìm hiểu, một số hộ dân không thống nhất về cách xác định nguồn gốc đất của chính quyền địa phương. Do khi triển khai dự án hồ chứa nước Mỹ Lâm, nhiều hộ dân nhận được thông báo thu hồi và được bồi thường hỗ trợ các thửa đất của các hộ dân đang sử dụng không có đất sông, suối. Tuy nhiên, sau một thời gian, người dân lại nhận được thông báo diện tích đất các hộ đang sử dụng có đất sông, suối và diện tích đất này không được hỗ trợ. Một số hộ dân khác thì cho rằng, đất khai hoang, canh tác mấy chục năm nay, khi thu hồi chính quyền lại bảo là đất công ích 5% do xã quản lý nên không được đền bù. Do vậy, người dân kiến nghị chính quyền địa phương cần kiểm tra lại nguồn gốc đất một cách rõ ràng, thực hiện chi trả bồi thường công bằng, hợp lý.
Nguyên nhân và hướng xử lý
Dự án hồ chứa nước Mỹ Lâm được xây dựng trên diện tích 477,36 ha tại hai xã Hòa Thịnh và Hòa Mỹ Ðông, huyện Tây Hòa với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách đối ứng địa phương. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thủy lợi 5 làm chủ đầu tư, nhưng hợp phần đền bù, giải tỏa tái định cư do UBND huyện Tây Hòa thực hiện, với 461 hộ dân và ba tổ chức bị thu hồi đất. Ðến cuối tháng 5-2020, huyện đã thu hồi, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công 325,48 ha trong số 477,36 ha, đạt 68,18%. Riêng việc đền bù, huyện mới chỉ giải ngân được hơn 30 trong số 80 tỷ đồng (đạt hơn 30%) kế hoạch.
Nguyên nhân của sự chậm trễ trong giải ngân đền bù, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa Mai Ne xác nhận, do khi triển khai thi công dự án địa phương gặp một số vướng mắc, liên quan các loại đất cần sự điều chỉnh của tỉnh và Chính phủ nên huyện chưa đủ căn cứ xác định, áp giá đền bù cho người dân ở một số diện tích đất.
Thứ nhất, để thi công dự án hồ chứa nước Mỹ Lâm địa phương phải chuyển đổi hơn 31 ha đất rừng phòng hộ và hơn 65 ha đất lúa. Sau khi tỉnh có các văn bản kiến nghị, ngày 30-3-2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 396/TTg-NN cho phép tỉnh chuyển mục đích sử dụng đất lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án. Còn đối với diện tích đất rừng phòng hộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình xin ý kiến Chính phủ, nhưng chưa được phê duyệt. Thứ hai, do công tác quản lý đất đai ở địa phương chưa chặt chẽ, còn nhiều hạn chế. Trong một thời gian dài, UBND xã Hòa Thịnh đã buông lỏng, quản lý yếu kém diện tích đất công ích. Cụ thể: có gần 13 ha đất được lưu trong hồ sơ ba cấp (xã, huyện, tỉnh) là đất công ích 5%, nhưng bỏ hoang để người dân khai hoang, sản xuất ổn định và không đưa vào sổ bộ thu tiền thuê đất. Ðến khi địa phương thực hiện hợp phần bồi thường, giải phóng mặt bằng thi công dự án hồ chứa nước Mỹ Lâm thì xảy ra tranh chấp. Người dân cho rằng, đất này là đất họ đã khai hoang và sản xuất từ trước năm 1995 đến nay, không ai tranh chấp và xã không cho thuê nên diện tích này Nhà nước phải bồi thường cho người dân khi thu hồi.
Ngoài ra, công tác quản lý, sử dụng đất rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Tây Hòa (trước đây là Lâm trường Tháng Tám) không chặt chẽ. Trên giấy tờ thì Nhà nước quản lý, nhưng trên thực tế người dân quản lý, canh tác từ hàng chục năm nay ổn định không ai tranh chấp.
Theo đồng chí Mai Ne, để giải quyết các vướng mắc của dự án, ngoài việc chờ quyết định phê duyệt chuyển đổi mục đích rừng của Thủ tướng Chính phủ, UBND huyện Tây Hòa đã kiến nghị UBND tỉnh Phú Yên điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích gần 67 ha thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Tây Hòa; đưa 13 ha đất tại xã Hòa Thịnh ra khỏi tổng diện tích đất công ích cho phù hợp với thực tế để có cơ sở thu hồi đất, bồi thường cho người dân theo đúng quy định. Ngoài ra, UBND huyện Tây Hòa đã trích kinh phí của huyện để tạm ứng cho một số hộ dân bị ảnh hưởng khi thu hồi đất thi công dự án trong khi chờ các quyết định phê duyệt, điều chỉnh từ các cấp trên. Sau khi được phê duyệt, chuyển đổi mục đích sử dụng đất huyện sẽ tiến hành chi trả tiền đền bù cho người dân theo đúng quy định.
Trở lại công trình đang thi công, ông Lương Trần Thống Nhất, cán bộ Kỹ thuật Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thủy lợi 5 cho biết: Dự án hồ chứa nước Mỹ Lâm hiện đang được gấp rút hoàn thành các hạng mục chính tràn xả lũ, cống lấy nước và đập đất. Trong đó, tràn xả lũ và cống lấy nước đơn vị thi công đã hoàn thành khối lượng công việc đạt từ 80 đến 90%. Riêng hạng mục chính là đập đất, do người dân cản trở nên chỉ mới thực hiện 30% khối lượng công việc, mới đắp đến cao trình 16 m, trong khi mục tiêu đến cuối tháng 9-2020 phải đạt đến cao trình 25 m mới bảo đảm để chặn dòng. Hiện nay, công trình đang phải tạm dừng, tiến độ đã chậm hơn so với dự kiến thi công gần một tháng, nếu công trình tiếp tục bị ngăn cản thi công, sẽ mất thời điểm vàng để hoàn thành đắp đập, đồng thời không bảo đảm tiến độ đề ra.
Ðề nghị tỉnh Phú Yên, các bộ, ngành Trung ương cùng huyện Tây Hòa tập trung xử lý sớm các vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, chi trả kịp thời, hợp tình hợp lý, tạo sự đồng thuận của người dân bị ảnh hưởng. Ðồng thời, chủ đầu tư và các đơn vị thi công có biện pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành công trình hồ chứa nước Mỹ Lâm phục vụ lợi ích chung cho sự phát triển của địa phương.