Sớm điều tra làm rõ việc mất trộm hệ thống cáp thoát sét cầu Tình Húc
Cầu Tình Húc vượt Sông Lô (tỉnh Tuyên Quang) được đưa vào khai thác sử dụng từ ngày 20/10/2021. Thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng tại một số trụ cầu, hệ thống dây cáp thoát sét, hộp kiểm tra tại chân thân trụ cầu đã bị cắt, mất trộm và hư hỏng ống nhựa luồn cáp, dẫn đến công trình cầu Tình Húc bị mất khả năng chống sét, không bảo đảm an toàn theo hồ sơ thiết kế.
Ông Vũ Tiến Sơn, Giám đốc Ban quản lý và sửa chữa đường bộ Tuyên Quang cho biết: "Ban được giao quản lý, vận hành hệ thống điện chiếu sáng và bảo vệ cầu Tình Húc từ tháng 10/2021. Từ khi tiếp nhận nhiệm vụ, đơn vị cử tổ bảo vệ gồm ba người, chia làm ba ca thường xuyên kiểm tra. Thời gian gần đây, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi đã phát hiện các dây tiếp điện chống sét tại bốn trụ cầu có dấu hiệu bị kẻ gian tháo trộm".
Ngay khi phát hiện tình trạng này, đơn vị đã trình báo với công an phường Nông Tiến, công an phường Hưng Thành và công an thành phố Tuyên Quang, Ủy ban nhân dân thành phố Tuyên Quang và chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang để phối hợp điều tra, làm rõ vụ việc.
Ông Hà Văn Sáng, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc trên, đơn vị phối hợp các đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra và phát hiện tại các trụ T3, T4, T6 và T9 bị mất dây cáp bằng đồng từ vị trí thân trụ nối với tấm đồng thoát sét với chiều dài có đoạn từ 7m-11m. Hệ thống chống sét này được nối từ kim chống sét trên đỉnh của các trụ tháp.
Toàn bộ công trình cầu Tình Húc có 5 vị trí trụ tháp cao hơn so với mặt đất địa hình chung quanh khoảng 39m, cao hơn mực nước thường xuyên khoảng 45m. Chung quanh trụ tháp không có bất kỳ một công trình nào có chiều cao tương ứng nên trụ tháp của cầu có xác xuất bị sét đánh vào là tương đối cao. Vật liệu sử dụng trong công trình cầu chủ yếu là bê-tông và thép. Đây cũng là những vật liệu rất dễ bị hư hại khi bị sét đánh. Do đó, để công trình cầu Tình Húc khai thác an toàn hiệu quả, việc bố trí hệ thống chống sét trên đỉnh tháp cầu là bắt buộc.
Ông Sáng cho biết thêm: "Khi chúng tôi đi kiểm tra hệ thống chống sét bị mất trộm thì phát hiện tại công trình có xuất hiện một số vết nứt ở mép ngoài của bệ trụ T4 trong phạm vi bê-tông bảo vệ cốt thép tức là ở phần bê-tông không chịu lực, cách thân trụ hơn 7m".
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang đã làm việc với đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty cổ phần thiết kế cầu Tân Hồng tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ các hạng mục, đo đạc độ ổn định của tất cả các mố trụ cầu và các phần kết cấu trên thân trụ.
Qua kiểm tra, đơn vị tư vấn thiết kế khẳng định các mố trụ cầu đều không có hiện tượng bị lún, lún lệch, công trình hoàn toàn bảo đảm an toàn trong quá trình khai thác, sử dụng.
Nguyên nhân các vết nứt xuất hiện ở mép ngoài bê-tông bệ trụ trên không phải do tác động của tải trọng nội lực của công trình mà do có tác động khác. Nguyên nhân có thể là do co ngót nhiệt độ hoặc có thể do công trình bị mất hệ thống chống sét, mất khả năng chống sét nên việc nứt mép ngoài bê-tông bệ trụ có thể là do bị sét đánh.
"Việc khắc phục hệ thống này, chúng tôi sẽ báo cáo cơ quan có thẩm quyền để hoàn thiện lại hệ thống chống sét, bảo đảm an toàn công trình. Đối với việc xử lý vết nứt bề mặt bê-tông bảo vệ thì sẽ bơm keo có cường độ cao để bảo đảm việc liên kết lại và tránh xâm thực của không khí" - ông Hà Văn Sáng, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang cho biết.
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đề nghị lực lượng công an khẩn trương điều tra, làm rõ việc kẻ gian tháo trộm hệ thống chống sét của trụ T3, T4, T6, T9, cầu Tình Húc để bảo đảm an toàn cho công trình cầu Tình Húc trong quá trình khai thác.
Hiện vụ việc đang được các cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang đang tiến hành điều tra, làm rõ.