Sớm đưa ra các cam kết với doanh nghiệp nước ngoài

Ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu vẫn tin tưởng vào tương lai phát triển của kinh tế Việt Nam.

“Nhưng Việt Nam cần sớm đưa ra các cam kết với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu để doanh nghiệp yên tâm đầu tư lâu dài”, ông Minh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham)

Ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham)

Từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh thực sự khó khăn. Thưa ông, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu cảm nhận thế nào về khó khăn này?

Tăng trưởng kinh tế quý I/2023 chỉ đạt 3,32% - mức tăng thấp nhất kể từ năm 2011. Trong tháng 4/2023, sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực giảm từ 10% trở lên, vốn đầu tư nước ngoài 4 tháng đầu năm giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022…

Trái với bức tranh không sáng sủa của nền kinh tế, cộng đồng châu Âu vẫn có cái nhìn rất lạc quan, tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam. Chỉ số Niềm tin kinh doanh (BCI) do EuroCham trực tiếp khảo sát các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam quý I/2023 đã cho thấy điều này.

Ông có thể cho biết cụ thể hơn?

Trong quý I/2023, BCI đạt 48 điểm, không đổi so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, số doanh nghiệp châu Âu lạc quan về kinh tế Việt Nam đã tăng 8 điểm, cho thấy nhà đầu tư châu Âu ngày càng tin tưởng hơn vào triển vọng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Nhìn chung, cộng đồng doanh nghiệp FDI nói chung và nhà đầu tư châu Âu hài lòng với các chính sách về đầu tư, kinh doanh, tài khóa, tiền tệ mà Việt Nam đã và đang thực hiện.

Phản hồi tích cực của cộng đồng doanh nghiệp là minh chứng cho cam kết của Việt Nam trong việc tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng hấp dẫn hơn. Nhưng mọi thứ sẽ thay đổi khi 142 nền kinh tế thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu theo khuyến cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), bởi khi đó, các chính sách hiện tại của Việt Nam sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn.

Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam rất quan tâm đến thuế tối thiểu toàn cầu, thưa ông?

Chương trình Cải cách chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) do OECD khởi xướng, trong đó có việc đặt ra mức thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia có doanh thu hợp nhất đạt tối thiểu 750 triệu euro nhằm ngăn các công ty này chuyển lợi nhuận sang quốc gia có thuế suất thấp để tránh thuế thu nhập.

Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu là vấn đề rất nóng và hết sức cấp bách, vì kể từ ngày 1/1/2024, hàng loạt nước sẽ thực hiện, nên doanh nghiệp FDI nói chung, doanh nghiệp EU nói riêng đặc biệt quan tâm, bởi việc thực hiện chính sách này sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến thu nhập của doanh nghiệp.

EuroCham có hơn 1.300 thành viên, trong đó có nhiều doanh nghiệp chịu tác động ngay khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu. Vì vậy, EuroCham cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần đánh giá lại vai trò của các chính sách ưu đãi thuế đang được áp dụng cho doanh nghiệp FDI. Thực tế, ưu đãi thuế là chính sách có giá trị nhất mà Việt Nam sử dụng từ trước tới nay, là lực hút không nhỏ trong việc thu hút FDI, vì doanh nghiệp lượng hóa ngay được lợi ích mà họ được hưởng trước khi đầu tư. Thuế tối thiểu toàn cầu 15% chắc chắn ảnh hưởng tới khả năng thu hút vốn FDI. Nhưng ảnh hưởng thế nào, ở mức độ nào thì các bộ, ngành hữu quan cần sớm lượng hóa trước khi quá muộn, bởi các nước trong khu vực đã lượng hóa được mức độ ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu và đưa ra các chính sách ứng phó.

Theo ông, Việt Nam cần có các chính sách gì ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu, để vừa đáp ứng được yêu cầu của OECD, vừa thu hút và giữ chân doanh nghiệp FDI?

Khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, các doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi với thuế suất thuế thu nhập dưới 15% sẽ không được hưởng ưu đãi về thuế. Cộng đồng doanh nghiệp FDI đang đặt câu hỏi, khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu, thì các ưu đãi họ đang được hưởng theo giấy phép đầu tư sẽ xử lý ra sao, doanh nghiệp có tiếp tục được hưởng ưu đãi hay bị chấm dứt? Nếu buộc phải chấm dứt, doanh nghiệp sẽ được chuyển sang hình thức ưu đãi nào tương đương với mức ưu đãi mà họ đang được hưởng?

Cộng đồng doanh nghiệp FDI đề xuất, Việt Nam có thể đưa ra chính sách khác bù đắp những “thiệt hại” cho nhà đầu tư khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Cụ thể, cộng đồng doanh nghiệp FDI đã có những đề xuất gì, thưa ông?

Nhiều nước đã tính tới ưu đãi nhà đầu tư dựa vào chi phí nhà đầu tư bỏ ra khi thực hiện dự án và các chi phí nhà đầu tư bỏ ra trong quá trình hoạt động. Ngoài ra, nhiều nước đã tính tới việc ngân sách nhà nước bỏ tiền ra hỗ trợ nhà đầu tư trước, sau đó thu dần lại bằng thuế.

Hỗ trợ chi phí hay hỗ trợ bằng tiền mặt rất phức tạp, vì vậy, Việt Nam cần nghiên cứu các chính sách mới trong bối cảnh mới. Tôi cho rằng, Việt Nam cũng cần nghiên cứu việc ngân sách nhà nước bỏ tiền ra hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án. Mức hỗ trợ mới không được thấp hơn các loại hỗ trợ hiện hành, nhưng vấn đề là làm sao phải thu lại được số tiền đã ứng trước thông qua thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời, cũng không nên hỗ trợ tràn lan, mà chỉ hỗ trợ chi chi phí hay hỗ trợ bằng tiền mặt cho các dự án mà Việt Nam thực sự khuyến khích đầu tư.

Mạnh Bôn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/som-dua-ra-cac-cam-ket-voi-doanh-nghiep-nuoc-ngoai-d189321.html