Sớm đưa ra quy chuẩn với khẩu trang vải trong trường hợp dịch nCoV kéo dài

Theo Bộ Công Thương, các cơ quan chức năng cần sớm đưa ra quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với khẩu trang vải nhằm khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, phục vụ cho phòng chống bệnh dịch nCoV, khắc phục việc khan hiếm nguồn cung khẩu trang y tế hiện nay.

Liên quan đến thực trạng khan hiếm khẩu trang y tế, Bộ Công Thương đã gửi văn bản liên hệ với các nhà sản xuất khẩu trang y tế tăng cường sản xuất, chỉ đạo hệ thống Thương vụ tìm nguồn nguyên liệu sản xuất khẩu trang và hiện đã gửi thông tin tới 50 nhà cung cấp nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế trên thế giới để tăng nguồn cung ứng.

Cần sớm đưa ra quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với khẩu trang vải nhằm khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, phục vụ cho phòng chống bệnh dịch virus Corona (nCoV)

Cần sớm đưa ra quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với khẩu trang vải nhằm khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, phục vụ cho phòng chống bệnh dịch virus Corona (nCoV)

Cụ thể, nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu than hoạt tính để sản xuất khẩu trang, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ đã yêu cầu Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia trong khu vực tích cực tìm kiếm đối tác cung cấp. Hiện Thương vụ tại Thụy Điển đã thông báo danh sách 19 doanh nghiệp có khả năng cung cấp nguyên liệu.

Bên cạnh đó, Thương vụ tại Ba Lan, Bỉ, Pháp… cũng đã cung cấp danh sách nhiều doanh nghiệp. Hiện các đối tác đang chờ phía Việt Nam đưa ra các yêu cầu về kỹ thuật để có thể sớm cung cấp các nguyên liệu phục vụ sản xuất khẩu trang.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã giao nhiệm vụ Cục Công nghiệp là đầu mối làm việc với các doanh nghiệp, nhằm tăng cường sản xuất vải kháng khuẩn, đảm bảo nguồn cung cho sản xuất. “Đối với quy chuẩn của khẩu trang vải, đề nghị áp dụng thực hiện theo Thông tư 21/2017/TT-BCT trong sản phẩm dệt may quy định mức giới hạn hàm lượng Formaldehyt và các amin thơm từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may” - Bộ trưởng lưu ý.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng nêu cụ thể, Cục Công nghiệp tiếp tục đôn đốc tổ chức sản xuất cung ứng khẩu trang vải kháng khuẩn do các cơ sở dệt may sản xuất để cung ứng cho thị trường vừa tiết kiệm chi phí xã hội cũng như bảo đảm an toàn cho sức khỏe người dân, ngăn chặn nguy cơ thiếu khẩu trang.

Việc huy động doanh nghiệp dệt may tập trung sản xuất khẩu trang vải sẽ thuận lợi hơn và nhanh hơn rất nhiều nếu cơ quan chức năng có văn bản hướng dẫn về quy cách, đồng thời tuyên truyền thông tin về loại khẩu trang vải có thể sử dụng để phòng ngừa dịch bệnh.

Trước đó, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp cùng Sở Công Thương các địa phương làm việc với 40 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế trên cả nước. Tuy nhiên, với nhu cầu thị trường tăng mạnh, các doanh nghiệp này khó có thể đáp ứng được.

Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế cũng gặp khó khăn về nguyên liệu đầu vào do vải lọc kháng khuẩn chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc (do trong nước chưa sản xuất được), nhưng nguồn cung này đang khan hiếm.

Liên quan đến nguồn cung nguyên liệu, Bộ Công Thương đã đề nghị Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, Ai Cập và Hàn Quốc khẩn trương tìm nguồn nguyên liệu hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nguyên liệu để nhập khẩu cũng gặp khó khăn, chưa kể giá nguyên liệu rất cao.

Tuấn Minh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/som-dua-ra-quy-chuan-voi-khau-trang-vai-trong-truong-hop-dich-ncov-keo-dai-103294.html