Sớm giảm thiểu ô nhiễm bụi cho người dân quanh khu vực mỏ đá

'Xe tải cỡ lớn chạy ầm ầm cả ngày, đá dăm rơi vãi dọc đường, bụi bay mù mịt, bắn cả vào sân, đường lồi lõm. Ngày nắng, có hôm tôi quét sân, bụi phải tính đến hàng cân..., bà con ở đây bức xúc lắm' - Đó là phản ánh của ông Triệu Văn Hải, trú tại xóm Xuân Quang, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ) về tình trạng ô nhiễm bụi ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của các hộ dân cạnh tuyến đường liên xã Quang Sơn - Tân Long.

Bụi phát sinh trong quá trình nghiền đá là điều khó tránh khỏi khi mà thiết kế dập bụi chưa phát huy hiệu quả ở các dây chuyền. Ảnh chụp ngày 16/12/2020 tại mỏ đá Lân Đăm 3.

Bụi phát sinh trong quá trình nghiền đá là điều khó tránh khỏi khi mà thiết kế dập bụi chưa phát huy hiệu quả ở các dây chuyền. Ảnh chụp ngày 16/12/2020 tại mỏ đá Lân Đăm 3.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực núi đá thuộc các xã Quang Sơn, Tân Long (Đồng Hỷ) có tới hàng chục điểm mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng, bụi trong quá trình khai thác, vận chuyển đã làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân nơi đây.

Chiều 16/12/2020, cùng người dân ở xóm Xuân Quang, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ) quan sát tại khu vực nói trên trong khoảng 1 giờ đồng hồ, chúng tôi ghi nhận có tới trên 20 lượt xe tải cỡ lớn chạy qua. Tiếng gầm rú của động cơ, tiếng bánh lốp nghiến trên mặt đường cùng khói bụi mù mịt đúng như phản ánh của người dân. Bà Dương Thị Nhung, trú tại xóm Xuân Quang cho biết: Thời gian trước đây, khi đơn vị chức năng đặt trạm cân quá tải ở phía ngoài, lượng xe vào giảm hẳn, hoặc có thì cũng chỉ xe nhỏ, thứ Bảy vừa rồi (ngày 12-12), cơ quan chức năng không đặt trạm cân nữa, tình trạng lại tái diễn.

Thực tế tại điểm mỏ khai thác đá Lân Đăm 3 với dây chuyền công suất 150 tấn/ca của Công ty TNHH Chiến Thắng (Thái Nguyên), anh Nguyễn Văn Thảo, cán bộ phụ trách kỹ thuật ở đây cho biết, để giảm thiểu quá trình phát sinh bụi trong khai thác và làm vật liệu xây dựng từ đá, tại các trạm nghiền, đơn vị đã thiết kế hệ thống dập bụi bằng nước, ngoài ra còn có hệ thống cây xanh chắn bụi phụ trợ, việc nổ mìn đơn vị cũng đã tiến hành theo phương pháp vi sai, qua đó giảm đáng kể rung chấn và có thể điều chỉnh được kích cỡ vỡ của đá, thuận lợi cho quá trình nghiền đá dăm sau này. Để giảm bụi trong quá trình vận chuyển, các mỏ trong khu vực đã đóng góp tiền thuê xe chở nước tưới lên các tuyến đường dẫn vào mỏ và lối ra đường tỉnh 265, trung bình mỗi ngày tưới khoảng 2 lần, ngày cao điểm có thể tưới nhiều hơn.

Theo quan sát của chúng tôi, mặc dù đã áp dụng các biện pháp giảm ô nhiễm bụi, nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn. Bà Vũ Thị Ngọc (vợ của ông Triệu Văn Hải) cho biết: Tưới nước như vậy chả thấm vào đâu, ngày nắng chỉ một tý là đã khô, bụi đá khiến rất nhiều xóm bị ảnh hưởng, trong đó 2 xóm Xuân Quang, Thống Nhất (xã Quang Sơn) ảnh hưởng nặng nhất, bởi đây là tuyến đường chính từ các khu mỏ nối ra đường tỉnh 265 rồi chạy lên Quốc lộ 1B để đi các nơi. Điều dễ nhận thấy là khu vực rừng cây gần các khu mỏ đều bị phủ một lớp bụi trắng, trong quá trình vận chuyển, do đá nghiền rơi vãi xuống đường khá nhiều, mỗi khi xe tải chạy qua, bụi lại bốc lên mù mịt. Đây là tuyến đường dân sinh liên xã, các xe có tải trọng lớn đi qua đã làm cho đường xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông, gây thêm khó khăn trong lưu thông hàng hóa cũng như canh tác nông nghiệp của bà con ở khu vực này.

Thiết nghĩ, trước những nguyện vọng chính đáng của người dân, các doanh nghiệp khai thác đá ở đây cần có thêm nhiều phương án để giảm thiểu việc phát sinh bụi trong quá trình khai thác và vận chuyển đá, đơn vị chức năng cũng cần có biện pháp kiên quyết hơn, xử lý nghiêm các xe quá tải chạy trên tuyến đường này, qua đó giảm bức xúc trong nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.

Thế Hà

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/kinh-te/som-giam-thieu-o-nhiem-bui-cho-nguoi-dan-quanh-khu-vuc-mo-da-278668-108.html