Sớm hoàn chỉnh mạng lưới giao thông khu vực miền núi phía Bắc

Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc có tổng mức đầu tư 5.339,5 tỷ đồng, tương đương 235,3 triệu USD. Việc đầu tư dự án, xây dựng hệ thống giao thông với cao tốc Nội Bài - Lào Cai là cần thiết giúp hoàn chỉnh mạng lưới giao thông khu vực, phù hợp với chủ trương phát triển giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc.

Hiện trên toàn dự án đang triển khai khoảng 45 mũi thi công. Ảnh: Hải An

Hiện trên toàn dự án đang triển khai khoảng 45 mũi thi công. Ảnh: Hải An

Cơ bản hoàn thành vào năm 2024

Theo Ban Quản lý dự án 2 (đại diện chủ đầu tư), Bộ Giao thông vận tải (GTVT), quy mô dự án gồm 2 tuyến: tuyến 1 kết nối Lai Châu với cao tốc Hà Nội - Lào Cai với chiều dài tuyến khoảng 147 km đường cấp III miền núi và tuyến 2 nối Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Hà Nội - Lào Cai với chiều dài tuyến khoảng 53 km đường cấp IV miền núi. Dự án có 11 gói thầu, thời gian thực hiện dự án từ năm 2021-2024. Trong số đó, gói thầu XL-08 là gói thầu đầu tiên chính thức được khởi công xây dựng ngày 27/12/2021. Dự kiến gói thầu cơ bản hoàn thành vào 6/2024.

Cũng theo Ban Quản lý dự án 2, việc đầu tư dự án nhằm hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh miền núi phía Bắc, giúp hoàn chỉnh mạng lưới giao thông khu vực, tăng cường khả năng kết nối, giao thương giữa các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng nhằm phát huy tối đa hiệu quả đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, phù hợp với chủ trương phát triển giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc.

Tính đến thời điểm hiện nay, những gói thầu đang thi công đã được Ban Quản lý dự án 2, đại diện chủ đầu tư chỉ đạo tư vấn giám sát và nhà thầu thi công xây dựng xong kế hoạch tổng thể của dự án và gửi cho các đơn vị liên quan: Các nhà tài trợ ADB, DFAT, các địa phương có dự án đi qua…

Việc hoàn thành dự án sẽ rút ngắn hành trình từ các trung tâm chính trị kinh tế của tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và các địa phương khác có liên quan về Thủ đô Hà Nội. Từ đó, nâng cao hiệu quả khai thác đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, giảm chi phí vận tải hàng hóa và hành khách; góp phần giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông; tăng cường khả năng liên kết giữa các tỉnh và các vùng kinh tế; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường đảm bảo quốc phòng - an ninh của khu vực.

Cũng theo Ban Quản lý dự án 2, tính đến thời điểm hiện nay, những gói thầu đang thi công đã được Ban Quản lý dự án 2, đại diện chủ đầu tư chỉ đạo tư vấn giám sát và nhà thầu thi công xây dựng xong kế hoạch tổng thể của dự án và gửi cho các đơn vị liên quan: Các nhà tài trợ ADB, DFAT, các địa phương có dự án đi qua… để các bên phối hợp thực hiện và kiểm soát tiến độ theo kế hoạch được xây dựng.

Đối với kế hoạch giải ngân vốn ODA và vốn đối ứng đối với từng gói thầu và giải ngân công tác GPMB, giải ngân kế hoạch bố trí vốn năm 2022 đạt 560,24/560,32 tỷ đồng (100% kế hoạch bố trí), trong đó vốn vay ADB 381,15/381,19 tỷ đồng (đạt 100%), vốn đối ứng 179,09/179,13 tỷ đồng (đạt 100%).

Công tác giải ngân năm 2023 đạt 272,4/685,59 tỷ đồng, đạt 39,7% kế hoạch, trong đó vốn vay ADB 202,35/447,9 tỷ đồng đạt 45,2%, vốn đối ứng 70/237,69 tỷ đồng, đạt 29,5%. Dự án đã được bàn giao mặt bằng với chiều dài 116,6/199,8km (đạt 58%), trong đó tỉnh Lào Cai 32,4/63,44km (đạt 51,5 %), tỉnh Lai Châu 59,2/83,65km (đạt 71%) và tỉnh Yên Bái 25,6/52,7km (đạt 48,6%).

Sớm có mặt bằng “sạch” bàn giao cho nhà thầu

Lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 cho biết thêm, quá trình thực hiện dự án, đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác với tổng diện tích hơn 106ha. Các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái đã có quyết định đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hoàn thiện báo cáo, tổng hợp và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để làm cơ sở triển khai các công việc tiếp theo.

Bên cạnh đó, dự án cũng đã bàn giao mặt bằng liên quan đến hạ tầng kỹ thuật được 49,41/139,744km, đạt 35%, trong đó tỉnh Lào Cai 5,9km/21,5km (đạt 27%), tỉnh Lai Châu 10 km/65,573km (đạt 15%) và tỉnh Yên Bái 43,16km/52,671km (đạt 81%).

Hiện trên toàn dự án đang triển khai khoảng 45 mũi thi công tại 10/11 gói thầu, 2/11 gói thầu đang chuẩn bị để triển khai thi công; sản lượng đạt 395,286/2499 tỷ đồng, đạt 15,82% giá trị.

Lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 cho biết thêm, dự án vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như: Diện tích đất rừng nằm trong phạm vi thu hồi để thực hiện dự án, mặc dù địa phương cùng với Ban đã tích cực tham mưu, nhưng đến nay kết quả vẫn còn chậm, chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương và chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để thực hiện Dự án.

Việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, việc phối hợp với các ngành chậm (điện, nước sinh hoạt, viễn thông nằm trong hàng lang an toàn giao thông đường bộ), quá trình phân khai khối lượng công trình phải di dời do chủ sở hữu hay chủ đầu tư thực hiện di chuyển còn chậm. Vì vậy, Ban Quản lý dự án 2 kiến nghị Chính phủ sớm chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng cho Dự án cũng như đẩy nhanh công tác GPMB để sớm có mặt bằng “sạch” bàn giao cho nhà thầu thi công.

Các Tập đoàn; Điện lực Việt Nam (EVN), Viễn thông (Viettel, Mobifone) đôn đốc các chủ sở hữu di dời các công trình thiết yếu, đặc biệt là EVN cần chỉ đạo các công ty điện lực địa phương nơi có dự án đi qua sớm có phương án di dời hệ thống điện./.

Trí Dũng

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/som-hoan-chinh-mang-luoi-giao-thong-khu-vuc-mien-nui-phia-bac-138838.html