Sớm hoàn thiện đề án nuôi biển theo hướng bền vững

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: ANH NGỌC

* Phú Yên đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai

Ngày 18/12, tại TP Tuy Hòa, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Hội nghị Phát triển nuôi biển bền vững. Đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến; Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) Trần Đình Luân chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có đại diện các bộ Công thương, KH-ĐT, Tài chính, KH-CN, TN-MT, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT; lãnh đạo 28 tỉnh, thành phố ven biển trong cả nước và các doanh nghiệp.

Theo Tổng cục Thủy sản, tổng diện tích nuôi biển ở nước ta khoảng 500.000ha, trong đó vùng bãi triều ven biển 153.300ha, vùng vũng vịnh, eo ngách và ven đảo 79.790ha, vùng biển xa bờ 166.910ha, diện tích còn lại phục vụ các hình thức nuôi khác. Một số đối tượng nuôi chính như nhóm nhuyễn thể có ngao/nghêu, sò, hàu, vẹm xanh, tu hài, bào ngư, trai ngọc, ốc hương; nhóm cá biển gồm cá song, cá giò, cá hồng, cá vược, cá tráp, cá chim vây vàng, cá sủ đất, cá măng; nhóm giáp xác như tôm hùm, cua, ghẹ; rong tảo có rong sụn, rong câu, rong mứt, rong nho và các đối tượng nuôi khác như hải sâm, sinh vật cảnh... Giai đoạn 2010-2019, nuôi biển có những bước phát triển đáng kể, diện tích và sản lượng tăng. Tổng diện tích nuôi biển năm 2010 đạt 38.800ha, đến năm 2019 đạt 256.479ha (tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 23,3%/năm); năm 2010 sản lượng nuôi biển đạt 156.681 tấn, đến năm 2019 đạt hơn 597.750 tấn (tốc độ tăng trưởng bình quân 16%/năm)… Phát triển nuôi biển đã góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế ở các vùng nông thôn ven biển, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh vùng ven biển, đóng góp lớn vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Tuy nhiên, thời gian qua việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi biển còn nhiều hạn chế, chậm, dàn trải, thiếu đồng bộ. Việc quản lý và sử dụng các công trình, dự án đầu tư hiệu quả chưa cao, nhiều dự án sau khi xây dựng đưa vào hoạt động chưa đạt được theo công suất thiết kế. Nuôi biển còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch chi tiết, điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, trình độ kỹ thuật sản xuất của người dân chưa đáp ứng được yêu cầu…

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, phân tích những vấn đề còn hạn chế, đồng thời bàn giải pháp và kiến nghị giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong nuôi biển hiện nay. Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, mặc dù Trung ương đã ban hành nghị quyết về kinh tế biển, Luật Thủy sản đã có hiệu lực và hàng loạt cơ chế chính sách khác, nhưng nuôi biển vẫn đứng trước khó khăn và thách thức rất lớn. Chúng ta cần phải có giải pháp tháo gỡ khó khăn để có ngành công nghiệp nuôi biển như các nước phát triển, trong đó phải kể đến Na Uy. Tổng cục Thủy sản tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu để sớm hoàn thiện đề án nuôi biển trong năm 2021 và các năm tiếp theo theo hướng bền vững.

* Cùng ngày, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Yên về công tác phòng chống thiên tai và chăn nuôi, thú y năm 2020. Đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp và làm việc với đoàn công tác. Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các sở NN-PTNT, KH-ĐT, TN-MT, Tài chính, Xây dựng, Ban quản lý Các dự án đầu tư tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh…

Theo Sở NN-PTNT, trong năm 2020, thiên tai diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn đối với tỉnh. Cụ thể, hơn 1.700ha lúa hè thu thiếu nước tưới, hơn 510 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Đầu tháng 10 và cuối tháng 11, tỉnh chịu ảnh hưởng bão số 9, số 12 và lũ lụt, gây thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng công trình giao thông, thủy lợi. Riêng thủy sản nuôi, hơn 211ha ao đìa nuôi tôm, cua, cá và khoảng 2.970 lồng bè nuôi tôm hùm bị thiệt hại. Ước tổng thiệt hại do 2 cơn bão nói trên hơn 555 tỉ đồng.

Bệnh dịch tả heo châu Phi tái phát, bệnh lở mồm long móng xảy ra 2 đợt; bệnh trên tôm nuôi nước lợ, tôm hùm bị bệnh sữa vẫn xảy ra, gây thiệt hại lớn.

Tại buổi làm việc, tỉnh Phú Yên kiến nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ tỉnh khoảng 320 tỉ đồng nhằm sớm khắc phục hậu quả thiệt hại do thiên tai gây ra; đồng thời hỗ trợ khắc phục các công trình phòng chống thiên tai (gồm 8 hạng mục, dự án) với khoảng 1.350 tỉ đồng. Tỉnh cũng kiến nghị Trung ương hỗ trợ 10.000 lít Vetvaco-Iodine, 10 tấn Chlorine và 50.000 liều vắc xin lở mồm long móng (nhị type A,0) để phòng chống dịch bệnh sau lụt bão vừa qua.

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/250158/som-hoan-thien-de-an-nuoi-bien-theo-huong-ben-vung.html