Sớm hoàn thiện thủ tục để khởi công Dự án 'Phát triển hạ tầng và đô thị bền vững tỉnh Lào Cai'

Ngày 28/9/2023, Tỉnh ủy có Thông báo số 2988-TB/TU kết luận của Thường trực Tỉnh ủy tại Hội nghị giao ban ngày 25/9/2023. Tại hội nghị này, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan sớm hoàn thiện thủ tục để khởi công Dự án 'Phát triển hạ tầng và đô thị bền vững tỉnh Lào Cai', sử dụng vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Điều này cho thấy tầm quan trọng và sự quan tâm đặc biệt của tỉnh đối với dự án này.

 Tuyến đường Trịnh Tường - Y Tý (Bát Xát) xuống cấp nghiêm trọng.

Tuyến đường Trịnh Tường - Y Tý (Bát Xát) xuống cấp nghiêm trọng.

Trước đó, ngày 12/9/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1040/QĐ- TTg về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án “Phát triển hạ tầng và đô thị bền vững tỉnh Lào Cai” sử dụng vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Theo ông Phạm Minh Tuấn, Phó Trưởng phòng Quản lý đầu tư (Ban Quản lý Dự án ODA và Đầu tư xây dựng tỉnh Lào Cai), để được ADB chấp thuận tài trợ đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của Lào Cai trong việc chứng minh mục tiêu dự án phù hợp với định hướng của ADB, cũng như phương án tài chính.

Với những căn cứ thuyết phục và tính khả thi, ngày 18/10/2021, ADB đã có thư chấp thuận tài trợ cho Dự án “Phát triển hạ tầng và đô thị bền vững tỉnh Lào Cai”. ADB nêu rõ: Với sự lan tỏa mạnh mẽ của dự án đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy du lịch và sự đồng thuận của dự án với Chiến lược Đối tác quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 của ADB về phát triển đô thị đáng sống và xóa đói, giảm nghèo, ADB rất vui mừng chấp thuận tài trợ cho Dự án “Phát triển hạ tầng và đô thị bền vững tỉnh Lào Cai”. ADB sẽ tiếp tục phối hợp và thảo luận chi tiết hơn về dự án ở cấp độ kỹ thuật để hỗ trợ tỉnh Lào Cai chuẩn bị cho dự án.

Theo Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án “Phát triển hạ tầng và đô thị bền vững tỉnh Lào Cai” sử dụng vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) của Thủ tướng Chính phủ, dự án gồm 3 hợp phần. Trong đó, Hợp phần 1 - Cơ sở hạ tầng có tính chống chịu cao gồm 2 tiểu hợp phần: Nâng cấp tuyến đường Sa Pả - Sâu Chua - Hầu Thào, thị xã Sa Pa; nâng cấp hạ tầng đô thị Bắc Hà.

Hợp phần 2 - Cải thiện kết nối tỉnh gồm 2 tiểu hợp phần: Phát triển mạch cộng đồng và dân cư thành phố Lào Cai - thị xã Sa Pa - huyện Bát Xát thông qua nâng cấp tuyến đường từ Trịnh Tường đến Y Tý, nâng cấp tuyến Tỉnh lộ 155 từ Sa Pa đến Bản Xèo (Bát Xát), nâng cấp tuyến Tỉnh lộ 152 từ Xuân Giao (Bảo Thắng) đến Bản Hồ (Sa Pa); phát triển mạch cộng đồng và dân cư thành phố Lào Cai - Bắc Hà - Si Ma Cai thông qua nâng cấp tuyến Tỉnh lộ 153 từ Bắc Ngầm (Bảo Thắng) đến Bắc Hà.

Hợp phần 3 - Hỗ trợ kỹ thuật và cải thiện sinh kế gồm 2 tiểu hợp phần: Xây dựng các nhà văn hóa cộng đồng, hỗ trợ kỹ thuật, cải thiện sinh kế; nâng cao vị thế kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua thúc đẩy phát triển bền vững chuỗi giá trị nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch dựa vào cộng đồng.

Dự án thuộc nhóm A, thời gian thực hiện 6 năm kể từ thời điểm dự án được cấp có thẩm quyền bố trí vốn. Địa điểm thực hiện dự án tại các huyện: Bát Xát, Bảo Thắng, Bắc Hà và thị xã Sa Pa. Tổng vốn đầu tư dự án là 111,2 triệu USD, tương đương 2.669,8 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ADB là 75 triệu USD, tương đương 1.800 tỷ đồng; vốn viện trợ không hoàn lại là 3 triệu USD, tương đương 72 tỷ đồng; vốn đối ứng là 33,2 triệu USD, tương đương 797,8 tỷ đồng.

 Điểm du lịch Bắc Hà sẽ được kết nối với 2 trung tâm du lịch là Sa Pa và thành phố Lào Cai.

Điểm du lịch Bắc Hà sẽ được kết nối với 2 trung tâm du lịch là Sa Pa và thành phố Lào Cai.

Để triển khai dự án quan trọng này, trên cơ sở các quyết định phê duyệt đề xuất dự án, điều chỉnh đề xuất dự án, chủ trương đầu tư dự án của Thủ tướng Chính phủ, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã trình UBND tỉnh giao chủ đầu tư thực hiện dự án; trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung dự án vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, nguồn vốn ODA và vốn ngân sách Trung ương.

Cùng với đó, các nội dung công việc đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chi tiết theo từng tháng, gồm lựa chọn, ký kết hợp đồng tư vấn khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, tư vấn khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công; lựa chọn, ký kết hợp đồng tư vấn và lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, khung chính sách tái định cư, kế hoạch quản lý môi trường, kế hoạch phát triển dân tộc thiểu số, tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi, tư vấn lập thiết kế kỹ thuật đo đạc, chỉnh lý bản đồ; xin ý kiến ADB về báo cáo nghiên cứu khả thi, kế hoạch thực hiện dự án, đồng thời, trình Bộ Giao thông Vận tải thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật và thực hiện đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính, cắm cọc giải phóng mặt bằng, bắt đầu thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng… dự kiến đến đầu quý IV/2024 sẽ khởi công dự án.

Để triển khai kế hoạch thực hiện dự án đúng tiến độ, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho phép gộp các hoạt động tư vấn, gồm lập báo cáo nghiên cứu khả thi; tư vấn khảo sát lập thiết kế bản vẽ thi công (khoảng 30% khối lượng xây lắp của dự án) thành một gói thầu tư vấn để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu theo quy định. Đối với 30% khối lượng xây lắp của dự án, lựa chọn danh mục công trình: Nâng cấp tuyến Tỉnh lộ 152 đoạn từ Xuân Giao (huyện Bảo Thắng) đến Bản Hồ (thị xã Sa Pa); nâng cấp Tỉnh lộ 153 từ Bắc Ngầm đến Bắc Hà để tiến hành khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công.

 Tỉnh lộ 153 từ Bắc Ngầm đi Bắc Hà sẽ được đầu tư nâng cấp.

Tỉnh lộ 153 từ Bắc Ngầm đi Bắc Hà sẽ được đầu tư nâng cấp.

Đối với việc không tách riêng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý dự án trong quá trình triển khai lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đã trao đổi với ADB và các bộ, ngành liên quan để thống nhất một số nội dung. Đó là, theo chính sách của ADB, trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi, ADB sẽ phối hợp, rà soát hồ sơ để lập các chính sách về môi trường, xã hội, tái định cư và phát triển dân tộc thiểu số theo quy định của ADB. Vì vậy, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng phải triển khai cùng với hồ sơ thiết kế dự án thì ADB mới rà soát các số liệu phục vụ các báo cáo môi trường xã hội, tái định cư phù hợp với các chính sách của ADB.

Do là dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường lên cấp đường cao hơn, do đó tim tuyến và các yếu tố hình học sẽ thay đổi nhiều so với đường hiện trạng. Mặt khác, đây là dự án Nhóm A, thẩm quyền thẩm định dự án là Bộ Giao thông Vận tải, do đó khi dự án chưa được thẩm định xong thì chưa khẳng định được tim tuyến và ranh giới giải phóng mặt bằng nên chưa thể thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Vì vậy, nếu tách riêng công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập cũng không thể thực hiện nhanh hơn được.

Đối với nguồn vốn đối ứng của dự án (797,8 tỷ đồng), Sở Kế hoạch và Đầu tư dự kiến đề xuất xin nguồn vốn ngân sách Trung ương để giảm áp lực nguồn vốn ngân sách tỉnh. Nếu tách riêng dự án đền bù, giải phóng mặt bằng độc lập thì phải dùng nguồn ngân sách tỉnh, nguồn ngân sách Trung ương không hỗ trợ cho dự án đền bù, giải phóng mặt bằng độc lập.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/som-hoan-thien-thu-tuc-de-khoi-cong-du-an-phat-trien-ha-tang-va-do-thi-ben-vung-tinh-lao-cai-post374586.html