Sớm khắc phục hạn chế các dự án liên kết sản xuất

ĐBP - Giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh ta triển khai nhiều dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, một số dự án đã qua giai đoạn kiến thiết, bắt đầu cho thu hoạch. Tuy nhiên qua kiểm tra, các dự án liên kết sản xuất vẫn tồn tại nhiều hạn chế cần sớm khắc phục để mang lại hiệu quả như mục tiêu đề ra.

Người dân bản Co Nỏng, xã Búng Lao (huyện Mường Ảng) chăm sóc diện tích cây ăn quả tham gia dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Trong 2 năm (2018 - 2020), UBND các huyện, thị xã, thành phố đã thẩm định, phê duyệt 154 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Trong đó có 118 dự án thuộc lĩnh vực trồng trọt; 24 dự án về lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản và 12 dự án về lĩnh vực lâm nghiệp. Toàn tỉnh có 22 tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã) tham gia thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Các dự án lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi thủy sản từ năm 2018 đã bắt đầu cho thu hoạch.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chánh Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh cho biết: Qua theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện các dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm từ năm 2018 đến nay, về cơ bản các dự án đảm bảo mục tiêu kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng NTM và từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Các dự án hỗ trợ theo liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm đã nhận được sự ủng hộ của người dân, bước đầu thay đổi nhận thức từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa tại một số khu vực, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên quá trình thực hiện các dự án vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, cơ chế của tỉnh đối với các dự án liên kết sản xuất còn chưa rõ ràng, cụ thể; công tác tổ chức thực hiện của các chủ đầu tư chưa khoa học, hiệu quả; năng lực một số đơn vị tham gia liên kết chưa cao; lựa chọn nội dung, đối tượng tham gia dự án ở một số địa phương chưa phù hợp; hợp đồng liên kết và tiêu thụ sản phẩm chưa thật sự chặt chẽ, đúng theo yêu cầu, quy định.

Hiện nay, UBND cấp huyện thường giao đầu mối tổ chức triển khai thực hiện các dự án liên kết cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp hoặc giao cho cả 2 đơn vị. Chính vì sự chưa thống nhất các đơn vị tổ chức thực hiện đã gây khó khăn trong quá trình chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện cũng như tổng hợp, theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện chính sách. Bên cạnh đó, hầu hết các huyện chưa ban hành kế hoạch thực hiện chính sách nên các đơn vị chuyên môn được giao nhiệm vụ phải tự nghiên cứu, tìm kiếm địa điểm, chủ trì liên kết thực hiện (chưa triển khai, giao nhiệm vụ, trách nhiệm đến UBND cấp xã và các phòng, đơn vị liên quan). Một số chủ đầu tư chưa hiểu đầy đủ bản chất, trình tự thực hiện của một dự án liên kết sản xuất dẫn đến việc thu hút các đối tượng hưởng lợi tham gia còn hạn chế.

Một số dự án liên kết lựa chọn đối tượng hỗ trợ thực hiện liên kết chưa phải là sản phẩm chủ lực nên tính bền vững của dự án chưa cao, khó phát triển thành hàng hóa. Đơn cử như dự án hỗ trợ nuôi cá rô phi thương phẩm của UBND huyện Tủa Chùa đối với HTX Dịch vụ nông nghiệp Mường Báng. Năm 2019, Dự án được HTX triển khai tại thị trấn Tủa Chùa và một số hộ có diện tích mặt nước tại xã Mường Đun. Khi dự án kết thúc, HTX và các hộ dân đều không tiếp tục sản xuất hoặc nhân rộng mô hình. Ở một số địa bàn khác, nhiều dự án liên kết trồng cây ăn quả có đối tượng tham gia là hộ nghèo, cận nghèo nên không có khả năng đầu tư, thiếu kinh nghiệm sản xuất… Trên địa bàn huyện Mường Ảng, giai đoạn 2018 - 2020, chủ đầu tư phải cắt đầu tư đối với gần 8ha cây ăn quả (gồm 1,3ha bưởi da xanh; 4,53ha xoài Đài Loan; 2,1ha chanh leo) vì các hộ tham gia sản xuất thiếu đầu tư, để sâu bệnh hại khiến cây trồng không phát triển đúng quy trình.

Đối với hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết: Hầu hết các dự án liên kết không áp dụng đúng mẫu Hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ban hành kèm theo Sổ tay hướng dẫn phát triển sản xuất trong Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020 như: Điều khoản ràng buộc về cam kết thu mua sản phẩm chưa rõ ràng (giá thu mua thấp hơn thị trường và không có giá bảo hành cho người tham gia liên kết), cam kết quyền và nghĩa vụ giữa các bên tham gia liên kết lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ…

Bên cạnh đó là tình trạng các hộ sản xuất không tuân thủ hợp đồng kí kết với các đơn vị bao tiêu sản phẩm. Khi giá thị trường cao hơn giá theo hợp đồng, người dân thường phá vỡ liên kết để bán sản phẩm ra thị trường. Do đó, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm thường bị ”đứt gánh giữa đường”. Đơn cử như dự án hỗ trợ phát triển cây vú sữa tại xã Thanh Hưng với sự tham gia của 3 bên: UBND huyện Điện Biên, các hộ dân xã Thanh Hưng và Công ty Cổ phần Giống rau quả Trung ương. Theo hợp đồng ký kết, Công ty Cổ phần Giống rau quả Trung ương sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm vú sữa tại xã Thanh Hưng. Tuy nhiên khi thu hoạch, các hộ dân đã bán sản phẩm cho thương lái ở Lào Cai, Sơn La. Ông Lường Văn Tọ, Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng cho biết: Phía Công ty thu mua theo hình thức phân loại quả gồm: Loại 1 quả đều, đẹp, trọng lượng 4 - 5 quả/kg; quả loại 2, loại 3 các tiêu chí giảm dần; giá trung bình sẽ thấp hơn giá thị trường. Trong khi đó thương lái tự do thu mua với yêu cầu không cao, đồng giá giữa các loại nên người dân thường bán cho thương lái.

Bài, ảnh: Phạm Trung

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/186867/som-khac-phuc-han-che-cac-du-an-lien-ket-san-xuat