Sớm khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống nhân dân vùng lũ Bản Hồ
Đó là chỉ đạo của ông Nguyễn Trọng Hài, Bí thư Huyện ủy Sa Pa tại cuộc họp giải quyết các vấn đề tồn tại sau trận lũ gây thiệt hại nặng tại xã Bản Hồ (Sa Pa) diễn ra sáng nay (6/7).
Cuộc họp có sự tham gia của đại diện các sở, ngành liên quan, các hộ dân bị thiệt hại và Công ty Cổ phần công nghiệp Việt Long - chủ đầu tư dự án thủy điện Sử Pán 1.
Người dân bức xúc.
Cuộc họp nhanh chóng bị hâm nóng bởi những ý kiến bức xúc của người dân thôn Bản Dền và La Ve là hai thôn bị thiệt hại nặng nhất trong trận lũ vừa qua. Anh Đào A Phổng, đại diện cho các hộ dân cầm một xấp đơn kiến nghị có chữ ký của các hộ dân cho biết: Điều người dân quan tâm nhất lúc này là cơ quan chức năng cần có kết luận chính thức nguyên nhân của trận lũ vừa qua, nếu là do thủy điện Sử Pán 1 xả lũ thì đơn vị này phải chịu toàn bộ trách nhiệm đền bù thiệt hại cho dân và khắc phục hậu quả.
“Mặc dù trên phương tiện thông tin đại chúng đã đưa, nhưng người dân vấn chưa được nghe kết luận chính thức của cơ quan chức năng” - anh Phổng nói.
Anh Đào A Hải, người dân địa phương đã có thời gian làm việc tại nhà máy thủy điện cho biết, qua chứng kiến trận lũ có thể khẳng định việc thủy điện Sử Pán 1 xả lũ là một trong những tác nhân chính dẫn đến thiệt hại lớn khu vực hạ lưu. “Nếu thủy điện xả lũ đúng quy trình, có thông báo cho chính quyền địa phương và người dân thì đã không dẫn đến hậu quả như thế” - anh Hải khẳng định.
Ông Lù Ngân Sủi (80 tuổi) cho hay, ông sống ở đây từ nhỏ nhưng chưa bao giờ chứng kiến trận lũ nào đột ngột và sức tàn phá lại lớn như thế. Theo ông Sủi, một trong những nguyên nhân khiến lũ lên nhanh, mạnh là do lòng suối bị đất đá bồi lắng nhiều do quá trình thi công thủy điện nhiều năm trở lại đây. Đây chỉ là trận lũ nhỏ đầu mùa mà sức tàn phá đã như thế thì bước vào mùa mưa lũ sắp tới không biết còn thiệt hại đền đâu. Bên cạnh việc khắc phục hậu quả trước mắt, ông Sủi đề nghị tỉnh, huyện cần tính toán để di chuyển người dân đến khu tái định cư mới để đảm bảo cuộc sống lâu dài.
Tại cuộc họp, một số người dân cũng bày tỏ chưa hài lòng với công tác hỗ trợ, khắc phục hậu quả thiên tai của chính quyền địa phương. Anh Lù Văn Luân, cho biết, nguồn hỗ trợ của các nơi về đến xã được đưa đến người dân rất chậm, một số hộ dân bị thiệt hại về tài sản, hoa màu đến nay vẫn chưa nhận được khoản hỗ trợ nào.
Khẩn trương khắc phục hậu quả.
Theo thống kê chính thức của UBND xã Bản Hồ, trận lũ vừa qua đã gây thiệt hại cho 62 hộ dân tại hai thôn Bản Dền và La Ve. Trong đó, 10 hộ thiệt hại về nhà, 33 hộ thiệt hại về tài sản, 29 hộ có ruộng bị vùi lấp, cuốn trôi, 22 hộ thiệt hại về chăn nuôi, 11 hộ bị hư hại hệ thống thủy lợi, nước sinh hoạt. Trận lũ làm đứt cáp cầu treo Bản Dền, 2 công trình thủy lợi. Hệ thống nước sinh hoạt trung tâm xã bị hư hỏng.
Trả lời bức xúc của nhân dân về việc thủy điện Sử Pán có phải chịu trách nhiệm do việc xả lũ của đơn vị, ông Phan Văn Cương, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết: Muốn khẳng định thủy điện Sử Pán 1 xả nước có phải nguyên nhân chính gây ra trận lũ với những thiệt hại vừa qua hay không còn phải qua nhiều bước. Trong đó có những bước không thuộc thẩm quyền của tỉnh mà phải có ý kiến từ Bộ Công thương. Ông Cương khẳng định, nếu có kết luận thủy điện Sử Pán 1 là tác nhân chính gây ra thiệt hại đơn vị sẽ tham mưu UBND tỉnh yêu cầu doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại, khắc phục hậu quả.
Tham dự cuộc họp sau khi đã khảo sát tình hình tại các thôn bị thiệt hại, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại Bản Hồ đang rất chậm so với yêu cầu. Ông Tuấn đề nghị huyện Sa Pa chỉ đạo cơ quan chuyên môn và xã Bản Hồ chủ động, tích cực hơn nữa trong việc ổn định đời sống nhân dân. Cùng với đó có phương án cụ thể ứng phó với thiên tai khi mùa mưa bão đã cận kề. Ông Tuấn cũng cho rằng, tới đây huyện Sa Pa cần tham mưu cho tỉnh cơ chế để yêu cầu các thủy điện đứng chân tại khu vực xã Bản Hồ cũng phải có trách nhiệm xã hội đối với nhân dân trong khu vực, như đóng góp kinh phí xây dựng hạ tầng nông thôn, xây dựng khu tái định cư, tạo việc làm cho người dân…
Lắng nghe kiến nghị của người dân và ý kiến của các ngành, ông Nguyễn Trọng Hài, Bí thư Huyện ủy Sa Pa yêu cầu các cơ quan chuyên môn của huyện Sa Pa và cấp ủy, chính quyền xã Bản Hồ chủ động hơn nữa việc khắc phục hậu quả thiên tai, trước mặt nhanh chóng hỗ trợ kinh phí sửa chữa, làm mới cho các hộ bị thiệt hại về nhà ở. Trước tiên, rà soát các hộ dân bị thiệt hại về sản xuất nông nghiệp để bố trí kinh phí hỗ trợ theo định mức; tiếp đó, đảm bảo việc hỗ trợ phải công bằng, không để lợi dụng, trục lợi.
Đối với việc khắc phục cơ sở hạ tầng, ông Hài yêu cầu từ nay đến giữa tháng 8/2019 sửa chữa xong cầu treo Bản Hồ để người dân có thể đi lại. Sau đó, tiếp tục nghiên cứu phương án xây dựng cầu bê tông. Hệ thống cấp nước sinh hoạt cũng phải khẩn trương khôi phục ngay. Cơ quan công an tăng cường lực lượng, không để một số đối tượng lợi dụng vụ việc này gây mất an ninh trật tự tại địa phương. Ông Hài cũng đề nghị ngành chức năng của tỉnh sớm có kết luận chính thức về nguyên nhân trận lũ bất thường này để có căn cứ xác định trách nhiệm của các đơn vị liên quan.