Sớm khắc phục tình trạng thiếu vật tư y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Nhận được thông tin của bạn đọc phản ánh về tình trạng thiếu máy móc, vật tư y tế cũng như những thắc mắc về một số vấn đề liên quan đến việc thanh toán bảo hiểm y tế của bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn, phóng viên Báo Bắc Kạn đã tìm hiểu thực tế tại Khoa Thận nhân tạo; làm việc với ông Trần Văn Tuyến, Giám đốc Bệnh viện để làm rõ các vấn đề nêu trên.
Kiến nghị của bệnh nhân chạy thận
Đến 18h ngày 02/12, tại Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn vẫn còn nhiều bệnh nhân. Vừa kết thúc ca chạy thận thứ 3 trong ngày, các y bác sĩ tất bật chuẩn bị các điều kiện để bắt đầu cho ca chạy thận thứ 4. Bệnh nhân Nguyễn Thị Thắm, nhà ở xã Dương Phong, huyện Bạch Thông, năm nay 60 tuổi, nhưng đã 18 năm phải chạy thận. Bà Thắm than phiền: “Nhà cách viện gần 20km, tuần 3 lần đến viện chạy thận, lần này tôi được xếp chạy ca thứ 3, về đến nhà cũng muộn, mùa đông mưa rét rất khổ, con cái phải đưa đi đón về, vì chân yếu không tự đi lại được. Có lúc đông bệnh nhân phải chạy ca thứ 4 ( ca cuối cùng), bắt đầu từ 18h30 thì đến khoảng 22h mới xong, về đến nhà thì đã nửa đêm. Máy ở đây thường xuyên bị trục trặc, các nhân viên y tế rất vất vả tìm cách đổi máy để không làm gián đoạn quá trình điều trị".
Bệnh nhân Lý Thị Hồng, ở thị trấn Phủ Thông (Bạch Thông) cũng đã chạy thận nhân tạo được 07 năm. Những hôm được xếp ca sớm thì chị có thể bắt xe buýt đi, về. Hôm nào chạy ca muộn, chị đành tự đi xe máy. Mấy hôm nay ngoài trời nhiệt độ xuống thấp, gió lạnh buốt mà hôm nào cũng gần 23h mới về đến nhà.
Vạch hai cánh tay chằng chịt những vết chọc ven sau những lần lọc thận, giờ đã chai sần, thâm đen, nổi từng cục bằng đầu ngón tay cái, chị Hồng nghẹn ngào nói: “Giờ bệnh viện thiếu từng đôi găng tay, bông, gạc, chúng tôi phải tự mua. Trải qua nhiều lần lấy máu, giờ mỗi lần chọc ven bằng loại kim dài của bệnh viện chúng tôi rất đau, đành phải ra ngoài mua kim loại nhỏ hơn cho đỡ buốt”.
Thời điểm phóng viên đến, phòng chạy thận nhân tạo của bệnh viện có khoảng hơn 10 bệnh nhân. Tất cả đều mong muốn Nhà nước sớm giải quyết tình trạng thiếu máy, vật tư y tế, bởi đa số người bệnh ở đây có cuộc sống gắn liền với bệnh viện. Do sức khỏe yếu, không làm được việc nặng, khi phải chi phí thêm một khoản, dù nhỏ, nhưng đối với họ quả thật rất khó khăn. Bệnh nhân chạy thận ở Bắc Kạn đang rất mong mỏi có các nhà hảo tâm tài trợ, giúp đỡ về nguồn vật tư y tế phục vụ việc điều trị tại bệnh viện.
Những khó khăn sẽ sớm được tháo gỡ
Trao đổi với phóng viên Báo Bắc Kạn, ông Trần Văn Tuyến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn cho biết: Hiện bệnh viện có 92 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Khoa Thận nhân tạo. Số lượng bệnh nhân luôn có biến động tăng, giảm. Bệnh viện hiện chỉ có 13 máy chạy thận nhân tạo, trong đó 11 máy chạy tốt, còn lại có 2 máy đang sửa chữa. Đa số các máy này đều đã sử dụng từ 06 đến 11 năm. Tháng 10/2021, Sở Y tế Bắc Kạn tổ chức Lễ tiếp nhận 09 máy chạy thận nhân tạo của Bệnh viện Chữ thập xanh và Công ty cổ phần Mơ Việt ở Hà Nội tài trợ. Tuy nhiên, tại buổi lễ, đơn vị tài trợ mới trao 04 máy. Đến nay, 05 máy còn lại vẫn chưa được trao và cũng không thấy nhà tài trợ hồi âm. Sau khi tiếp nhận 04 máy trên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã mời Viện Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) lên kiểm chuẩn trước khi đưa vào sử dụng. Mặc dù 04 máy trên đều là máy mới, chưa qua sử dụng nhưng sản xuất từ năm 2012 nên trong quá trình hoạt động thường xuyên bị hỏng, phải thay thế linh kiện.
Tình trạng thiếu máy chạy lọc thận khiến bệnh viện phải chạy 04 ca là đúng. Thậm chí có thời điểm bệnh nhân tăng trên 100 người, quá tải, Bệnh viện phải liên hệ một số bệnh viện khu vực lân cận như Thái Nguyên, Cao Bằng để gửi bệnh nhân đi điều trị. Khi đáp ứng đủ, Bệnh viện lại liên hệ để bệnh nhân quay trở lại tiếp tục điều trị. Có những bệnh nhân nặng, cách ngày phải đến viện lọc thận, nên càng khó khăn cho việc bảo đảm đủ máy cho tất cả bệnh nhân.
Mỗi ca chạy thận kéo dài 3h30 phút. Ca 1 bắt đầu từ 6h sáng, ca cuối phải đến 22h đêm mới xong. Kết thúc mỗi ca, có nửa tiếng để nhân viên y tế vệ sinh máy, chuẩn bị các điều kiện để tiếp tục lọc thận cho bệnh nhân khác. Riêng quả lọc dây máu là được sử dụng 6 lần cho bệnh nhân mới phải thay, còn toàn bộ các loại vật tư khác đều chỉ sử dụng 1 lần theo quy trình. Việc sử dụng thuốc tạo hồng cầu đối với bệnh nhân, bệnh viện đang thực hiện theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế quy định, không vì bất cứ lý do gì mà tự ý cắt giảm.
Ông Tuyến cho biết thêm: Tình trạng thiếu vật tư y tế xảy ra trong khoảng 2 tháng trở lại đây là đúng. Nguyên nhân là do đứt gãy chuỗi cung ứng, nhưng chủ yếu là thiếu đối với một số loại vật tư tiêu hao thông thường, như găng tay, bông, cồn, gạc, bơm tiêm. Còn các loại chuyên dụng, nhất là đối với vật tư y tế phục vụ bệnh nhân chạy thận như quả lọc dây máu, kim chuyên dụng, dù rất khó khăn về nguồn cung, nhưng bệnh viện vẫn cố gắng xoay sở để đáp ứng điều trị. Tình trạng thiếu vật tư y tế nằm trong khó khăn chung của toàn ngành Y tế và đang từng bước được tháo gỡ. Tháng 7 vừa qua, tỉnh điều chỉnh, phân cấp mua sắm cho các đơn vị của ngành Y tế. Thực hiện sự chỉ đạo này, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai một số gói thầu theo phân cấp. Thông tin mới nhất là trong tuần thứ 2 của tháng 12/2022, bệnh viện sẽ có kết quả đấu thầu. Khi gói thầu được tổ chức thành công, đồng nghĩa với việc sẽ giải quyết được toàn bộ vật tư y tế của bệnh viện, nhất là vật tư y tế đối với chuyên ngành thận.
Đối với ý kiến thắc mắc về việc tại sao bệnh nhân phải tự túc mua một số loại vật tư thông thường như bông, băng, gạc, cồn (theo quy định những loại vật tư này đều được bảo hiểm y tế thanh toán), nhưng việc thanh toán viện phí khi ra viện thì không thay đổi, bệnh nhân vẫn thanh toán ở mức như khi chưa phải tự túc? Ông Trần Văn Tuyến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh trả lời: “Việc thanh toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại bệnh viện được thực hiện theo khung giá quy định của Bộ Y tế tại Thông tư số 39/2018/TT-BYT theo gói dịch vụ, không thanh toán thực chi theo số lượng vật tư y tế sử dụng nên người bệnh không được giảm trừ khi thanh toán. Chẳng hạn dịch vụ thận nhân tạo chu kỳ, giá quy định là 552.000 đồng/lượt chạy. Thực tế bệnh viện đang phải chi bù do dịch vụ này cơ cấu giá thấp. Bệnh viện đã cố gắng vận dụng tối đa các chính sách cho người bệnh. Vấn đề này chỉ diễn ra ở một thời điểm, Bệnh viện mong muốn bệnh nhân hết sức thông cảm, chia sẻ với ngành Y tế trong bối cảnh hiện nay".
Trên cơ sở đề nghị của ngành Y tế, năm 2022, tỉnh Bắc Kạn đã cấp kinh phí mua 04 máy, trong đó có 03 máy chạy thận nhân tạo và 01 máy siêu lọc máu. Hiện Sở Y tế đang thực hiện quy trình mua sắm, đồng thời tiếp tục đề nghị tỉnh cấp tiền để mua mới 07 máy chạy thận trong năm 2023. Với số lượng máy được bổ sung sẽ thay thế những máy cũ đang sử dụng, bệnh viện không phải chạy 4 ca như hiện nay. Việc mua máy siêu lọc máu và đưa vào sử dụng sẽ giúp bệnh nhân giãn cách thời gian giữa các lần lọc máu hiện tại, cải thiện chất lượng cuộc sống đối với bệnh nhân suy thận mãn.
Mong rằng với những nỗ lực của tỉnh, của ngành Y tế, các vấn đề còn bất cập sẽ sớm được giải quyết, đáp ứng yêu cầu điều trị, củng cố niềm tin của người bệnh với cơ sở y tế công lập nói chung và Bệnh viện Đa khoa tỉnh nói riêng./.