Sớm khắc phục tồn tại, hạn chế trong cải cách hành chính
Người dân tham gia giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: PHẠM THÙY
Từ đầu năm đến nay, công tác cải cách hành chính (CCHC) đã được lãnh đạo tỉnh và các cơ quan, địa phương quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện đúng kế hoạch đã đề ra. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế kéo dài chưa khắc phục được.
Đồng bộ các giải pháp
Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai, đôn đốc thực hiện hiệu quả nhiệm vụ CCHC. UBND tỉnh cũng kiện toàn Ban Chỉ đạo CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh và Hội đồng đánh giá xác định chỉ số CCHC nhằm tăng cường chỉ đạo các cơ quan, địa phương đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, góp phần nâng cao các chỉ số liên quan đến công tác CCHC của tỉnh trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, sau khi các cơ quan, tổ chức công bố các chỉ số liên quan đến công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Sở Nội vụ và Sở KH&ĐT đã có các báo cáo chi tiết phân tích các chỉ số để kịp thời nhìn nhận những tồn tại, hạn chế và có biện pháp khắc phục.
Anh Nguyễn Tấn Hà ở xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) cho biết: “Tôi vừa làm các thủ tục chuyển nhượng hoạt động kinh doanh cho người khác, chỉ cần nộp hồ sơ qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và chờ kết quả. Cách thức này vừa thuận lợi vừa không mất nhiều thời gian”.
Còn theo chị Hồ Thị Thu Linh, thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An), chị đến Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh để nhờ hướng dẫn các thủ tục liên quan đến nộp thuế. Mặc dù đông người nhưng chị được cán bộ tại đây hướng dẫn rất chu đáo, giải đáp kịp thời những thắc mắc.
Theo Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân Đặng Văn Trọng, thời gian qua, công tác giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông đạt được những kết quả khích lệ; tổ chức, công dân không phải đi lại nhiều lần, nhiều nơi.
Thực hiện 4 công khai “Quy trình, thủ tục, thời gian, lệ phí”, các thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị thực hiện công khai, minh bạch, từng bước đơn giản và được chuẩn hóa, củng cố tốt hơn mối quan hệ giữa Nhà nước với Nhân dân và làm tăng tính dân chủ trong quan hệ giữa các cơ quan hành chính nhà nước, góp phần quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Để thực hiện kiểm tra việc giải quyết thủ tục hành chính, hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác giải quyết thủ tục hành chính năm 2023 trên địa bàn tỉnh và thành lập 8 đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra chéo tại 8/9 UBND cấp huyện.
Sở Nội vụ thành lập Tổ kiểm tra và tiến hành kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức và kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính tại 24 cơ quan, đơn vị, địa phương.
Quyết liệt hơn nữa
Theo UBND tỉnh, công tác CCHC hiện vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế kéo dài chưa khắc phục được. Đó là tỉ lệ giải quyết đúng hạn thủ tục hành chính chưa đạt yêu cầu tại Sở TN&MT; tỉ lệ hồ sơ phát sinh dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh còn thấp; tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước còn thấp. Một số sở, ban ngành thực hiện cập nhật và công bố thủ tục hành chính chậm, thực hiện chế độ báo cáo chưa nghiêm túc...
Khắc phục những vấn đề này, lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo trực tiếp và quyết liệt hơn công tác CCHC trên tất cả các ngành, lĩnh vực, gắn trách nhiệm cá nhân với kết quả thực hiện CCHC. Đồng thời nâng cao tính năng động, tiên phong, tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh và Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh.
Đồng chí Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, chỉ đạo trực tiếp công tác CCHC; có giải pháp cụ thể khắc phục ngay những hạn chế, yếu kém trong công tác CCHC của tỉnh và của cơ quan, đơn vị, địa phương; triển khai thực hiện tốt và hoàn thành 100% các nhiệm vụ đã đề ra trong Kế hoạch CCHC năm 2023 của tỉnh.
Tiếp tục rà soát, xây dựng quy trình nội bộ, quy trình điện tử để giải quyết thủ tục hành chính cho từng lĩnh vực và nhiệm vụ cụ thể làm cơ sở đánh giá cán bộ, công chức, viên chức về chất lượng tham mưu, thái độ, trách nhiệm trong thực thi công vụ.
Đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá, đo lường chính xác kết quả, hiệu quả công tác triển khai để có các giải pháp thúc đẩy cũng như khắc phục kịp thời những phát sinh nếu có. Các cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát, tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực, ngành, địa phương mình phụ trách, đặc biệt các lĩnh vực nội vụ, kế hoạch - đầu tư, tài chính, tài nguyên - môi trường.
Người đứng đầu UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch trong tiếp nhận, giải quyết TTHC, bảo đảm 100% thủ tục hành chính được công bố, công khai đầy đủ, đúng hạn và 100% các hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận, giải quyết tại các cơ quan, đơn vị được theo dõi trạng thái xử lý trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh tại địa chỉ dichvucong.phuyen.gov.vn; bảo đảm thực hiện giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính đúng hạn trên 95%.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền CCHC, tổ chức phát động tìm kiếm sáng kiến, giải pháp CCHC để nhân rộng cho các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Đổi mới phương thức khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước và đổi mới việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức, gắn kết quả thực hiện công tác CCHC với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thi đua, khen thưởng, quy hoạch, đề bạt, điều chuyển cán bộ; thường xuyên kiểm tra công vụ...