Sớm ngăn chặn ô nhiễm tiếng ồn
Có rất nhiều loại tiếng ồn đang ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống, sinh hoạt, sức khỏe của người dân Thủ đô, như: Còi xe, tiếng nổ động cơ xe máy, ô tô; âm thanh phát ra từ nơi sản xuất, công trình xây dựng, hát karaoke tại khu dân cư, cửa hàng dùng loa quảng cáo… Do đó, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần sớm tìm giải pháp hạn chế, xử lý vi phạm, không để ô nhiễm tiếng ồn thành vấn nạn với cộng đồng.
Nhiều cơ sở sản xuất đồ gỗ dân dụng tại huyện Thạch Thất sử dụng máy cưa, máy mài gây ô nhiễm tiếng ồn.
Nhiều hệ lụy
Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànôịmới, khu vực đường 70 chạy qua địa bàn các quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm có hàng trăm lượt xe tải hoạt động mỗi ngày, tiếng còi cùng âm thanh của các phương tiện cơ giới đã ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân sống hai bên đường. Theo bà Nguyễn Thị Giới, ở phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm), do tiếp xúc lâu ngày với tiếng ồn của phương tiện giao thông phát ra nên bà luôn thấy mệt mỏi, thính giác bị giảm đáng kể. Người dân ở nhiều khu vực khác trong thành phố cũng phản ánh, rất khó chịu với tiếng ồn của xe máy phân khối lớn, rú ga khi chạy hoặc chạy thành từng tốp, nhất là khi đêm khuya...
Âm thanh từ loa đài, hát karaoke tự phát cũng gây ô nhiễm không kém. Chị Trần Thị Huyền, phố Đê La Thành (quận Đống Đa) chia sẻ, từ ngày gia đình hàng xóm mua bộ karaoke, không làm cách âm nên khi hát đã ảnh hưởng đến các hộ dân sống xung quanh. Dù đã được góp ý nhưng có ngày họ vẫn hát đến 22-23h, khiến người già, trẻ em mất giấc ngủ.
Cùng với tiếng ồn phát ra từ các công trình xây dựng, hoạt động sản xuất của một số làng nghề như: Sản xuất cơ, kim khí, mộc dân dụng, chế tác đá... cũng thường xuyên gây ra tiếng ồn lớn. Điển hình như các cơ sở sản xuất đồ mộc, cơ kim khí ở xã Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai); xã Hữu Bằng và Phùng Xá (huyện Thạch Thất)... Hầu hết các cơ sở này không có các giải pháp giảm tiếng ồn trong quá trình sản xuất, khiến nhiều người dân sống xung quanh, nhất là người lao động trực tiếp, có biểu hiện ù tai, thính giác giảm.
Tiến sĩ Hà Lan Phương, Trưởng khoa Khám bệnh chuyên ngành (Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế) cho biết, ô nhiễm tiếng ồn không tồn lưu trong môi trường như các loại hình ô nhiễm khác, nhưng tác động vào con người tức thì và để lại hậu quả lâu dài. Nếu quá mức cho phép sẽ gây mệt mỏi, mất ngủ, tổn thương chức năng thính giác, mất thăng bằng cơ thể, thậm chí là suy nhược thần kinh.
Cũng theo Tiến sĩ Hà Lan Phương, trong một nghiên cứu cuối năm 2020 tại 12 nút giao thông chính trên địa bàn thành phố Hà Nội, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường đã đo được tiếng ồn trung bình vào ban đêm là 65-75dBA, trong khi tiêu chuẩn cho phép là 10-20dBA.
Các phương tiện giao thông đông đúc trên đường 70 là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm tiếng ồn trên địa bàn xã Tân Triều (huyện Thanh Trì).
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Chế tài xử phạt đối với vi phạm các quy định về tiếng ồn được quy định cụ thể tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, mức phạt thấp nhất là 1-5 triệu đồng (gây tiếng ồn 2-5dBA), cao nhất là 140-160 triệu đồng (gây tiếng ồn trên 40dBA). Nhưng trên thực tế, số trường hợp bị xử phạt hầu như không đáng kể, với lý do các cơ quan chức năng, địa phương không có thiết bị đo âm thanh chuyên dụng để xác định hành vi gây tiếng ồn vượt quy định.
Để ngăn chặn, hạn chế ô nhiễm tiếng ồn, theo Tiến sĩ Hà Lan Phương, giải pháp quan trọng hàng đầu đối với thành phố Hà Nội hiện nay là giảm thiểu tiếng ồn từ các phương tiện tham gia giao thông, trong đó có các loại xe máy phân khối lớn. Theo đó, các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ để cấm lưu thông các phương tiện không đáp ứng tiêu chuẩn về tiếng ồn, phát triển giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân. Về tình trạng thiếu máy đo cường độ âm thanh, Tiến sĩ Hà Lan Phương khẳng định, Viện Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng của Hà Nội đặt thiết bị đo cường độ âm thanh tại các nút giao thông, công trình xây dựng, xưởng sản xuất..., để có căn cứ xử lý vi phạm.
Dưới góc độ chính quyền cơ sở, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) Đỗ Văn Long cho biết, trước thực trạng ô nhiễm tiếng ồn do hát karaoke tự phát gây ra, xã sẽ tuyên truyền, nhắc nhở và yêu cầu các hộ cam kết không tái phạm. Song, để xử lý dứt điểm, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành chức năng.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái thông tin, thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp giảm ô nhiễm tiếng ồn, như: Di chuyển các làng nghề ra điểm sản xuất tập trung xa khu dân cư; yêu cầu các cơ sở sản xuất làm tường cách âm, giảm âm; thiết lập các hành lang cây xanh tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề... Trong hoạt động giao thông, đơn vị sẽ tăng cường phối hợp với các sở, ngành nhằm kiểm soát, xử phạt các trường hợp sử dụng phương tiện giao thông gây ô nhiễm tiếng ồn, nhất là rú ga, sử dụng còi xe không đúng quy định…
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/993612/som-ngan-chan-o-nhiem-tieng-on