Sớm tháo gỡ vướng mắc trong việc quản lý và sử dụng đất bờ sông Hoạt
Cách đây 19 năm, xã Hà Yên (nay là xã Hoạt Giang) bán 29 lô đất trái thẩm quyền cho người dân dọc tuyến tỉnh lộ 523 và nằm trong hành lang bảo vệ đê sông Hoạt. Theo quy định pháp luật hiện hành, khu vực trên không được xây dựng các công trình kiên cố. Tuy nhiên gần đây, do có nhu cầu về nơi ở, một số hộ dân đã triển khai xây dựng nhà trên diện tích đất mua với xã. Hiện nay, chính quyền xã đã đình chỉ thi công đối với những hộ xây dựng trái phép, nhưng chưa có phương án cụ thể giải quyết quyền lợi về đất đai cho người dân.

Chính quyền địa phương kiểm tra công trình xây dựng trái phép ở bờ sông Hoạt, xã Hoạt Giang.
Năm 2006, gia đình bà Trần Thị Hiến, thôn Trung Tâm, đã mua lô đất diện tích 150m2, trị giá 45 triệu đồng với xã Hà Yên (cũ). Đại diện gia đình bà đã nộp tiền đầy đủ và xã có phiếu thu tiền thể hiện việc giao dịch đất đai. Do các con của bà đã trưởng thành, lập gia đình nên phát sinh nhu cầu tách hộ và xây dựng nhà ở. Đến cuối tháng 3/2025, gia đình bà đã tập kết vật liệu xây dựng để làm nhà ở và phần móng nhà đã được hình thành trên diện tích đất 150m2. Tuy nhiên, sau khi chính quyền xã nắm bắt được sự việc, công trình đã bị đình chỉ thi công. Bởi vì, việc xây nhà của gia đình bà ở vị trí này hiện nay là nằm trong hành lang bảo vệ đê sông Hoạt, không được phép xây dựng công trình kiên cố. Không giấu được những băn khoăn, lo lắng, bà Hiến chia sẻ: “Nay con tôi lớn, nhà ở chật chội nên tôi tính làm nhà để tách hộ thì chính quyền xã không cho thi công nữa. Gia đình tôi giờ đây không biết phải làm thế nào”.
Theo Nghị quyết số 84/NQ-HĐND ngày 7/12/2017 của HĐND tỉnh về “Quy hoạch phòng, chống lũ các tuyến sông có đê trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2025 và định hướng đến năm 2030”, nghiêm cấm các hành vi làm ảnh hưởng đến dòng chảy tiêu thoát lũ. Những công trình xây dựng hình thành trước năm 2018 giữ nguyên hiện trạng, không cho phép sửa chữa, xây dựng mới các công trình trong hành lang bảo vệ đê điều.
Qua tìm hiểu được biết, tháng 8/2006, xã Hà Yên (cũ) đã bán 29 lô đất trái thẩm quyền cho các hộ dân trên địa bàn, với giá từ 40 - 45 triệu đồng/1 lô đất có diện tích 150m2. Sau khi giao đất đã có 13 hộ dân xây dựng nhà ở, công trình kiên cố và ở ổn định từ đó đến nay. Tuy nhiên gần đây, một số hộ dân có đất dọc tuyến đê hữu sông Hoạt, đoạn qua xã Hoạt Giang đổ đất, đá, vật liệu tiến hành xây dựng nhà ở trong phạm vi hành lang bảo vệ đê điều. Ngay sau khi nắm bắt được tình hình, chính quyền xã đã phối hợp với Hạt Quản lý đê Hà Trung kiểm tra, xử lý các hộ dân vi phạm hành lang bảo vệ đê điều. Qua công tác kiểm tra, xác định có 10 vị trí đang được các hộ dân đổ đất, xây dựng công trình trong phạm vi hành lang bảo vệ đê sông Hoạt. Sau khi phát hiện các hộ dân xây dựng công trình vi phạm hành lang bảo vệ đê, chính quyền xã đã yêu cầu dừng việc thi công. Cũng cảm thông cho người dân vì họ mua đất và có nhu cầu ở thực sự, nhưng xây dựng ở khu vực hành lang bảo vệ đê sông Hoạt thì không được phép.

Công trình xây dựng trái phép bên bờ sông Hoạt, xã Hoạt Giang đã bị đình chỉ thi công.
Thiệt thòi của các hộ dân hiện nay là mua đất nhưng không được sử dụng. Do vậy, chính quyền xã sẽ báo cáo sự việc lên cấp trên để có phương án đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân, như bố trí tái định cư, đất đổi đất, bồi thường hoặc trả lại tiền cho các hộ đã mua đất với xã. Đây cũng là mong muốn, nguyện vọng của các hộ dân đã mua đất trái thẩm quyền của xã Hà Yên (cũ) từ năm 2006. Đại diện cho các hộ dân, ông Lê Xuân Tú, bí thư chi bộ, trưởng thôn Trung Tâm, cho biết: “Mong muốn của người dân là mua đất rồi thì phải được sử dụng. Nếu không được sử dụng thì chính quyền xã phải có phương án đảm bảo quyền lợi cho người dân. Chúng tôi mua đất gần 20 năm rồi mà không được dùng, thiệt thòi lắm!”.
Trước khi các cơ quan có thẩm quyền xem xét, đưa ra phương án giải quyết, thì các hộ dân cần tuân thủ các quy định của pháp luật, không cố tình xây dựng các công trình trái phép, ảnh hưởng đến việc tiêu thoát lũ trên sông Hoạt, nhất là khi mùa mưa lũ đang đến gần.