Sớm thí điểm dịch vụ công mức độ 4 trong lý lịch tư pháp
Sáng 10/10, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã có buổi làm việc với Trung tâm Lý lịch tư pháp (LLTP) quốc gia để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong công tác LLTP.
Cập nhật hơn 500 nghìn thông tin LLTP
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Trung tâm Hoàng Quốc Hùng cho biết, Trung tâm có 4 nhiệm vụ chính, bao gồm quản lý nhà nước về LLTP; xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu LLTP trong phạm vi cả nước; cấp Phiếu LLTP; tra cứu, xác minh thông tin LLTP theo yêu cầu của Sở Tư pháp phục vụ công tác cấp Phiếu LLTP. Trong đó, về công tác quản lý nhà nước thì nhiệm vụ mới nhất là Bộ luật Hình sự năm 2015 giao cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP cấp Phiếu LLTP cho các trường hợp đương nhiên được xóa án tích.
Để xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu, Trung tâm tiếp nhận thông tin từ khoảng 220 đầu mối. Lượng thông tin liên tục tăng, như năm 2011 tiếp nhận được hơn 10 nghìn thông tin thì từ tháng 5/2015, tiếp nhận trung bình hàng năm khoảng 222 nghìn thông tin. Sau rà soát, đã tích hợp, cập nhật vào cơ sở dữ liệu LLTP điện tử tại Trung tâm tại 537.778 thông tin được lập LLTP, hơn 500 nghìn thông tin giấy chứng nhận xong án phạt tù, giấy tha tù trước thời hạn có điều kiện…
Bên cạnh đó, nếu trước năm 2014, trung bình mỗi năm Trung tâm cấp Phiếu cho khoảng 200 yêu cầu thì từ năm 2014 tăng lên rất nhiều, tính riêng năm 2018, đã thụ lý và cấp hơn 5.800 Phiếu LLTP.
Theo quy định của Luật LLTP và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, việc tra cứu, xác minh thông tin LLTP có trước ngày 1/7/2010 để cấp Phiếu LLTP thuộc trách nhiệm của lực lượng hồ sơ nghiệp vụ ngành Công an; đối với các thông tin có sau ngày 1/7/2010 thuộc trách nhiệm của ngành Tư pháp.
Trong thời gian qua, do cơ sở dữ liệu LLTP còn chưa đầy đủ nên về cơ bản, lực lượng hồ sơ nghiệp vụ ngành Công an đã tra cứu, xác minh hỗ trợ cho Trung tâm và Sở Tư pháp các tỉnh thành các thông tin cả trước và sau ngày 1/7/2010, bảo đảm sự ổn định trong công tác cấp Phiếu LLTP.
Chỉ chậm 2% hồ sơ nhưng ảnh hưởng đến cải cách hành chính
Tuy nhiên, gần đây, một số cơ quan hồ sơ nghiệp vụ có quan điểm lực lượng hồ sơ nghiệp vụ chỉ thực hiện việc tra cứu, xác minh đối với những thông tin có trước ngày 1/7/2010, không thực hiện việc tra cứu, xác minh thông tin có sau ngày 1/7/2010.
Trường hợp các cơ quan hồ sơ nghiệp vụ thực hiện nội dung này thì trong bối cảnh cơ sở dữ liệu LLTP vẫn còn thiếu thông tin, sẽ ảnh hưởng đến công tác cấp Phiếu LLTP, thời hạn cấp Phiếu không bảo đảm đúng quy định, nội dung Phiếu sẽ có khả năng không chính xác.
Ngoài ra, mặc dù Trung tâm đã có nhiều giải pháp trong công tác tra cứu, xác minh thông tin để hỗ trợ Sở Tư pháp cấp Phiếu LLTP, về cơ bản đã giải quyết được tình trạng chậm thời hạn cấp Phiếu LLTP. Nhưng vẫn còn khoảng 2% số lượng hồ sơ còn chậm thời hạn cấp Phiếu, gây bức xúc cho người dân và khó khăn cho Sở Tư pháp trước yêu cầu của cải cách thủ tục hành chính.
Số hồ sơ chậm thời hạn này chủ yếu là những trường hợp đã từng bị kết án, có thông tin về khởi tố, có hành vi vi phạm pháp luật… Sở Tư pháp phải tiếp tục xác minh thông tin về án tích của người đó. Nhưng các cơ quan được yêu cầu tra cứu, xác minh (Tòa án, Viện Kiểm sát, Thi hành án…) đều trả lời chậm, quá thời hạn yêu cầu, đặc biệt có nhiều cơ quan không trả lời hoặc trả lời không có nội dung cụ thể nên người dân phải chờ lâu, đi lại nhiều lần, ảnh hưởng đến chỉ số cải cách hành chính của địa phương.
Các Phó Giám đốc Trung tâm Đỗ Thúy Lan và Phạm Quang Đại báo cáo thêm một số vướng mắc. Cụ thể như dù đã có Chỉ thị 02 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp song tình trạng tồn, chưa nhập dữ liệu LLTP tại địa phương vẫn rất nhiều, cần sự quan tâm chỉ đạo hơn nữa của Lãnh đạo Bộ. Hay trong ứng dụng công nghệ thông tin, việc kết nối với ngân hàng, với dữ liệu dân cư đang bế tắc; không có nguồn nhân lực để nhập dữ liệu, cần cơ chế để tháo gỡ…
Đánh giá cao những kết quả tích cực đã đạt được, nhất là nỗ lực, sự chủ động trong phối hợp liên ngành của Trung tâm nhưng Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cũng nhận thấy Trung tâm đang đảm nhiệm khối lượng công việc khổng lồ, áp lực nhiều. Trong bối cảnh nguồn lực hạn chế hiện nay, Thứ trưởng đề nghị tập thể lãnh đạo đơn vị phải nhận định thực trạng, xem xét những vấn đề cần xử lý thời gian tới.
Đặc biệt, Thứ trưởng lưu ý cần tập trung nghiên cứu sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ nào, sẽ làm thêm nhiệm vụ nào hoặc không làm nhiệm vụ nào thì mới bảo đảm được vai trò quản lý, còn phân cấp, chuyển giao được thì mạnh dạn đề xuất. “Công tác LLTP đang phát triển nhưng khả năng của chúng ta có hạn, cần đặt ra bài toán đổi mới căn cơ” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thống nhất với đề xuất nghiên cứu sửa đổi Luật LLTP vào năm 2021, Thứ trưởng yêu cầu khẩn trương tổng kết, đánh giá thi hành Luật, đề ra giải pháp đúng tầm, giúp giải phóng nguồn lực làm tốt công tác LLTP. Còn trước mắt, theo Thứ trưởng, cần xây dựng công văn gửi UBND tỉnh đề nghị địa phương quan tâm làm tốt, không để tồn dữ liệu, thông tin LLTP, riêng Trung tâm không được phép tồn.
Thứ trưởng cũng nêu rõ, đối với tra cứu, xác minh thông tin sau ngày 1/7/2010 thuộc trách nhiệm của ngành Tư pháp nên phải tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu – xương sống của công tác LLTP. Về ứng dụng công nghệ thông tin, cần phối hợp thực chất, hiệu quả với Cục Công nghệ thông tin và các đơn vị liên quan thuộc Bộ để triển khai thí điểm dịch vụ công mức độ 4 theo hướng có thể nhân rộng.