Sớm tự chủ từ nguồn vaccine nội

Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba vaccine Covid-19 tự nghiên cứu và phát triển. Với những bước khởi đầu thành công, Việt Nam đang đặt ra mục tiêu: Đến cuối năm 2021, bước sang đầu năm 2022, có vaccine Covid-19 'made in Vietnam'.

Dây chuyền gia công đóng ống vaccine Sputnik của Nga tại VABIOTECH. Ảnh: VABIOTECH

Dây chuyền gia công đóng ống vaccine Sputnik của Nga tại VABIOTECH. Ảnh: VABIOTECH

Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: “Song song với các nỗ lực đàm phán mua vaccine từ các nhà sản xuất nước ngoài, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về nghiên cứu, phát triển vaccine phòng Covid-19 trong nước, Bộ Y tế đã tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 cho các nhà sản xuất và doanh nghiệp trong nước. Bộ Y tế cũng đang hỗ trợ các đơn vị đàm phán nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Covid-19 từ các đối tác của Nhật Bản, Tây Ban Nha và Cuba”.

TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế thông tin: Từ nay đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có ít nhất một vaccine - trong ba ứng viên vaccine đang được thử nghiệm lâm sàng: Nanocovax, Covivac, ARCT-154. Nanocovax do Công ty cổ phần công nghệ sinh học Dược Nanogen TP Hồ Chí Minh nghiên cứu phát triển - được cấp phép khẩn cấp và triển khai tiêm trong nước từ đầu năm 2022.

Theo kết luận của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia, vaccine Nanocovax đạt yêu cầu về tính an toàn trong ngắn hạn cũng như tính sinh miễn dịch, dựa trên dữ liệu báo cáo kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba tính đến thời điểm hiện tại. Hội đồng cũng đề nghị Công ty Nanogen và nhóm nghiên cứu tiếp tục triển khai bảo đảm chất lượng, tiến độ nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng Nanocovax theo đề cương đã được phê duyệt, để hoàn tất nghiên cứu vào tháng 3/2022. Được biết, dựa trên kế hoạch và năng lực hiện tại, dự kiến đến cuối năm 2021, Nanogen sẽ sản xuất được 50 - 100 triệu và có thể lên đến 120 triệu liều vaccine Nanocovax ưu tiên trong nước.

Với vaccine Covivac do Viện Vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC) nghiên cứu, phát triển, hiện đã hoàn thành đánh giá kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một. Từ ngày 15 đến 20/9, thực hiện tiêm liều hai của giai đoạn hai. Dự kiến, tháng 12/2021, vaccine này sẽ triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba. Theo TS Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC: “Đơn vị đang chuẩn bị xây dựng đề cương thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba, triển khai trên 4.000 đối tượng ở ba tỉnh Khánh Hòa, Bắc Ninh và Thái Bình. Trong đó, có nhóm đối chứng sử dụng một loại vaccine đã được cấp phép”.

Ngoài ra, còn các vaccine chuyển giao công nghệ hiện có là ARCT-154 của Công ty Acturus Mỹ và khâu đóng ống vaccine Sputnik V của Nga. Với ARCT-154, loại vaccine chuyển giao công nghệ từ Mỹ, trong tháng 9/2021, nhóm nghiên cứu triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai trên 300 tình nguyện viên và gối đầu thực hiện giai đoạn 3a trên 600 tình nguyện viên để đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch. Trong giai đoạn 3b, Học viện Quân y và Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện tiêm trên 20.000 tình nguyện viên để đánh giá tính an toàn, hiệu quả bảo vệ của vaccine. Dự kiến, tháng 12/2021, nhóm nghiên cứu sẽ có kết quả đánh giá giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba để xin cấp phép khẩn cấp cho vaccine ARCT-154.

Trong khi đó, vaccine được gia công đóng ống tại Việt Nam là Sputnik V, do Công ty Vabiotech (Bộ Y tế) triển khai với năng lực ban đầu khoảng năm triệu liều/tháng. Ngày 24/9 vừa qua, Công ty trách nhiệm hữu hạn MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Bộ Y tế đã công bố lô vaccine Sputnik V gia công tại Vabiotech đã được Viện Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật Gamaleya, LB Nga phân tích, thẩm định và đánh giá đáp ứng yêu cầu. Trước đó, ngày 26/8, lô vaccine Sputnik V mã số SV-030721M sản xuất tại Vabiotech đã được Viện Gamalaya phân tích, thẩm định và đánh giá đáp ứng yêu cầu của tài liệu quy chuẩn.

“Thành công này sẽ giúp Việt Nam sớm tiếp cận được nguồn vaccine chất lượng cao, góp phần đẩy lùi dịch Covid-19. Công ty đang làm thủ tục nhập bán thành phẩm vaccine Sputnik V về Việt Nam để nhanh chóng đóng ống, đóng gói vaccine này tại Việt Nam, nhằm chủ động nguồn cung vaccine Sputnik V tại Việt Nam”, ông Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Vabiotech chia sẻ.

Để làn sóng dịch Covid-19 nhanh chóng kết thúc, theo ý kiến nhiều chuyên gia, mọi người dân cần được tiếp cận với vaccine an toàn và hiệu quả. Vì vậy yêu cầu đặt ra hiện nay là các nhóm nghiên cứu, nhà sản xuất và các đơn vị chuyên môn liên quan cần đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine Covid-19 phát triển trong nước và vaccine nhận chuyển giao. Các bộ, ngành liên quan cần tích cực, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các đơn vị nghiên cứu, bảo đảm nguồn kinh phí cho việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vaccine Covid-19. Bên cạnh đó, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cần sớm tổ chức hội nghị xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học về việc phát triển vaccine cho trẻ em từ nguồn nghiên cứu trong nước và nguồn chuyển giao công nghệ.

Mặc dù vậy, bên cạnh mục tiêu có vaccine trong nước nhanh nhất, sớm nhất, vẫn cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát theo quy định, cương quyết chống tiêu cực trong việc nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vaccine.

HIẾU DÂN - NAM KHÁNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chuyen-de-cuoi-tuan/som-tu-chu-tu-nguon-vaccine-noi-667452/