Sớm xây dựng phương án giá tại các chợ

Ngày 13-8, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM tiếp tục khảo sát thực tế một số chợ truyền thống trên địa bàn huyện Hóc Môn và quận 6.

Kinh doanh rau tại chợ đầu mối nông sản Hóc Môn

Kinh doanh rau tại chợ đầu mối nông sản Hóc Môn

Trao đổi với Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, ông Đỗ Thanh Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho biết, trên địa bàn huyện có 13 chợ đang hoạt động ổn định. Trong đó có 1 chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Hóc Môn trực thuộc Công ty TNHH Quản lý chợ và kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn; 1 chợ truyền thống loại 2 (chợ thị trấn Hóc Môn) trực thuộc UBND huyện; còn lại là các chợ loại 3, chợ xã hội hóa. Định hướng phát triển từ nay đến năm 2020 sẽ giữ nguyên hiện trạng 4 chợ gồm chợ Hóc Môn, chợ Tân Mỹ, chợ Xuân Thới Thượng, chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Hóc Môn; đồng thời sửa chữa 8 chợ, xây mới 1 chợ (chợ Đình). Hiện tại, trên địa bàn huyện có 16 điểm buôn bán tự phát, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm… Mặc dù các cơ quan chuyên trách thường xuyên phối hợp ra quân kiểm tra, xử phạt các điểm vi phạm, nhưng sau khi đoàn kiểm tra rời đi, vi phạm tái diễn.

Ghi nhận tại buổi làm việc của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, đại diện một số chợ truyền thống trên địa bàn huyện Hóc Môn và quận 6 đều có chung phản ánh về tình hình mãi lực kinh doanh giảm sút. Mà một trong những nguyên nhân được chỉ ra do sự hình thành, phát triển của hệ thống kênh phân phối bán lẻ hiện đại, sự “lan tỏa” của các cửa hàng tiện lợi tăng dần trong khu dân cư… Cụ thể, tại địa bàn huyện Hóc Môn có 2 siêu thị và hơn 95 cửa hàng tiện lợi; còn địa bàn quận 6 có 5 siêu thị, 1 sàn thương mại, 70 cửa hàng tiện lợi, cùng 4 dự án trung tâm thương mại. Thêm nữa, sự cạnh tranh của chính các điểm kinh doanh tự phát cũng được tiểu thương nêu ra.

Đáng chú ý, đại diện các chợ truyền thống cũng đồng loạt kiến nghị các sở ngành sớm triển khai xây dựng phương án giá tại các chợ. Luật Đất đai có hiệu lực từ 1-7-2014 yêu cầu đối với những chợ được giao đất phải đóng tiền thuê đất, nhưng hiện chưa có các văn bản pháp lý liên quan để làm cơ sở xác định giá đất. Đối với vấn đề này, Sở TN-MT TP đang xin ý kiến Bộ TN-MT để nắm lại thông tin, biết được chợ thuộc đối tượng nào, giao đất không thu tiền hay phải thuê đất. Nếu tính tiền thuê đất vào giá trị diện tích sử dụng bán hàng sẽ đẩy tiền sử dụng dịch vụ bán hàng trên mỗi mét vuông tăng lên, gây khó khăn cho tiểu thương.

THI HỒNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/som-xay-dung-phuong-an-gia-tai-cac-cho-610563.html