Sớm xem xét lại việc sa thải người lao động

Thời gian qua, Báo Nhân Dân liên tục nhận được phản ánh của bà Lê Thị Hằng, từng là cán bộ Công ty TNHH Mascot Việt Nam (Công ty), ở huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương bị sa thải với lý do tiết lộ bí mật kinh doanh và vi phạm nguyên tắc bảo mật thông tin.

Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương, nơi diễn ra phiên xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải và bồi thường thiệt hại liên quan bà Lê Thị Hằng ở Hà Nội.

Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương, nơi diễn ra phiên xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải và bồi thường thiệt hại liên quan bà Lê Thị Hằng ở Hà Nội.

Trước cáo buộc này, bà Hằng đã tiến hành khởi kiện, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Cẩm Giàng đã ra quyết định Công ty phải nhận bà Hằng trở lại làm việc. Tuy nhiên, Công ty đã kháng cáo và đề nghị TAND tỉnh Hải Dương xét xử phúc thẩm lại vụ án. Khi xét xử, TAND tỉnh Hải Dương lại khẳng định việc Công ty sa thải bà là đúng. Từ đây đã nảy sinh những tranh chấp, cần được xem xét giải quyết dứt điểm.

Bà Lê Thị Hằng, trú tại ngõ Cống Trắng, phường Trung Phụng (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, năm 2015 bà đã ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với Công ty Mascot, nhiệm vụ là quản lý Văn phòng đại diện tại Hà Nội. Quá trình làm việc, bà Hằng luôn hoàn thành tốt công việc và luôn tuân thủ nội quy Công ty.

Tuy nhiên, ngày 2/6/2022, lãnh đạo Công ty đã tự tổ chức họp xử lý kỷ luật bà Hằng và ra quyết định sa thải vào ngày 6/6/2022 với lý do tiết lộ bí mật kinh doanh, vi phạm nguyên tắc bảo mật theo Điều 39 nội quy Công ty. Hình thức sa thải được áp dụng theo mục 7 Điều 45 của Nội quy lao động Công ty và khoản 2 Điều 125 Bộ luật Lao động. Hợp đồng lao động giữa Công ty và bà Lê Thị Hằng chấm dứt từ ngày 7/6/2022.

Trước đó, ngày 16/5/2022, Công ty cũng đã bất ngờ đơn phương và vô cớ ban hành thư đình chỉ công tác vô thời hạn và lập tức buộc bà Hằng rời khỏi Công ty, thậm chí không được mang theo đồ dùng cá nhân…

Theo bà Hằng, lý do bà bị Công ty buộc thôi việc là do có tiết lộ bí mật kinh doanh và vi phạm nguyên tắc bảo mật theo nội quy Công ty là hết sức vô lý. Bên cạnh đó, quá trình buộc thôi việc cũng diễn ra vội vàng và không đúng quy định, thể hiện qua các mốc thời gian, như: Ngày 6/6/2022, Công ty ban hành quyết định buộc thôi việc bà Hằng, nhưng thư đình chỉ công tác có từ ngày 16/5/2022.

Ngày 1/6/2022, Công ty kiểm tra hộp thư Ith@mascot.dk, lập vi bằng và cho rằng bà Hằng làm lộ bí mật khi chuyển một số nội dung liên quan đến công việc thông thường sang hộp thư cá nhân của bà Hằng. Ngày 2/6/2022, Công ty đã tổ chức họp thông báo về việc kỷ luật để sa thải bà Hằng…

Trước đó, thời gian Công ty thông báo buổi họp xem xét kỷ luật bà Hằng không đủ 5 ngày làm việc. Bên cạnh đó, Công ty còn cản trở không cho luật sư của bà Hằng được tham dự cuộc họp xử lý kỷ luật lao động vào ngày 2/6/2022 với lý do không xuất trình căn cước công dân…

Sau khi bị buộc thôi việc, bà Hằng đã nộp đơn khởi kiện Công ty lên TAND huyện Cẩm Giàng, đồng thời, yêu cầu Công ty nhận bà Hằng trở lại làm việc và bồi thường các chi phí liên quan. Tại Bản án số 01/2023/STLĐ ngày 12/5/2023, TAND huyện Cẩm Giàng đã xác định việc Công ty sa thải bà Hằng là trái pháp luật, buộc Công ty phải nhận bà Hằng trở lại làm việc, trả tiền lương từ ngày 7/6/2022 cho đến khi bà Hằng được trở lại làm việc. Tưởng chừng, sự việc đã được giải quyết một cách rõ ràng.

Tuy nhiên, không đồng tình với phán quyết của TAND huyện, Công ty đã kháng cáo, đề nghị TAND tỉnh Hải Dương xét xử phúc thẩm lại vụ án. Kết quả, Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm khẳng định việc Công ty sa thải bà là đúng và không chấp nhận yêu cầu khởi kiện... Trước những quyết định của TAND tỉnh, bà Hằng làm đơn gửi TAND cấp cao tại Hà Nội và Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) cấp cao tại Hà Nội đề nghị xem xét lại bản án phúc thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm. Lý do mà bà Hằng làm đơn đề nghị giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm là: Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Hải Dương đã đưa ra nhiều nhận định không khách quan trong việc đánh giá các chứng cứ đã có trong hồ sơ vụ án gây ảnh hưởng đến các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động… Tuy nhiên, TAND cấp cao tại Hà Nội lại có Văn bản số 09/TB-TANDCC-LĐ ngày 26/7/2024 trả lời bà Hằng với nội dung chính như sau: “…

Công ty quyết định xử lý kỷ luật sa thải bà là đúng quy định tại Điều 45 Nội quy lao động. Tòa án cấp phúc thẩm quyết định không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà là có cơ sở. Vì vậy, TAND cấp cao tại Hà Nội không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án lao động phúc thẩm số 01/2023/LĐ-PT ngày 29/9/2023 của TAND tỉnh Hải Dương”.

Liên quan đến sự việc này, ông Nguyễn Văn Hưng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mascot Việt Nam cho biết: “Công ty Mascot là đơn vị 100% vốn nước ngoài chuyên sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực bảo hộ lao động. Do vậy, trong quá trình hoạt động, Công ty luôn tuân thủ các quy định của pháp luật. Bà Lê Thị Hằng đã vi phạm nghiêm trọng nội quy lao động của Công ty cho nên phải kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc.

Về quy trình, thủ tục buộc thôi việc đối với bà Lê Thị Hằng được Công ty thực hiện theo đúng quy định. Bà Hằng đã khởi kiện Công ty ra TAND huyện Cẩm Giàng để xét xử sơ thẩm và TAND tỉnh Hải Dương xét xử phúc thẩm lại vụ án trên cơ sở kháng cáo của Công ty Mascot. Hiện tại bản án phúc thẩm đã có hiệu lực và các quyết định của TAND tỉnh cho thấy Công ty Mascot đã thực hiện đúng luật… ”.

Theo nhận định của TAND tỉnh Hải Dương tại Bản án phúc thẩm số 01/2023/LĐ-PT ngày 29/9/2023 về căn cứ, trình tự, thủ tục khi xử lý kỷ luật sa thải bà Lê Thị Hằng của Công ty là bảo đảm đúng quy định tại Điều 70 Nghị định 145/2020 ngày 14/12/2020 của Chính phủ, Điều 122 và Điều 125 Bộ Luật Lao động, Công ty ban hành quyết định xử lý kỷ luật bằng hình thức sa thải bà Hằng là đúng pháp luật…

Song, theo hồ sơ, tài liệu bà Lê Thị Hằng cung cấp, quyết định được nêu trong Bản án sơ thẩm số 01/2023/STLĐ ngày 12/5/2023 của TAND huyện Cẩm Giàng trong vụ án tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải liên quan đến bà Lê Thị Hằng là hoàn toàn chính xác.

Quá trình xét xử thể hiện sự khách quan với đầy đủ chứng cứ, tài liệu… chứng minh những vi phạm pháp luật từ quy trình thủ tục cho đến các căn cứ xác định lỗi của Công ty khi sa thải bà Hằng. Mặc dù, đại diện Viện KSND tỉnh Hải Dương đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của Công ty Mascot và giữ nguyên Bản án lao động sơ thẩm của TAND huyện Cẩm Giàng nhưng không được chấp thuận.

Bên cạnh đó, tại quyết định xử lý kỷ luật bà Hằng, Công ty xác định bà Hằng có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh và vi phạm nguyên tắc bảo mật theo Điều 39 nội quy lao động. Tuy nhiên, đối chiếu Điều 125 Bộ luật Lao động về hình thức kỷ luật sa thải thì không có trường hợp nào là vi phạm nguyên tắc bảo mật. Đối với hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, thì theo khoản 3, Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ, thì bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh.

Đối chiếu với điều này, các thông tin gửi đến hộp thư điện tử cá nhân của bà Hằng tại địa chỉ hanglethi17@gmail.com gồm: Các đề nghị thanh toán đường truyền internet, thanh toán tiền vé máy bay; yêu cầu bồi thường bảo hiểm sức khỏe; danh mục yêu cầu hồ sơ; công văn xin việc của ứng viên...; đây là những văn bản giấy tờ hành chính thông thường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty và không phải bí mật kinh doanh. Ngoài ra, từ khi làm việc tại Công ty, rất nhiều tài liệu khác như phiếu lương hằng tháng, thư mời,… vẫn được các cán bộ, nhân viên gửi đến bà Hằng thông qua hộp thư điện tử này.

Hộp thư điện tử này đã được bà cung cấp từ khi làm việc tại Công ty. Các thông tin này không thuộc trường hợp được bảo hộ với danh nghĩa bí mật kinh doanh. Và tại Bộ luật Lao động và hợp đồng lao động ký kết giữa bà Hằng với Công ty cũng không có nội dung nào nói về bí mật kinh doanh.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Ngọc Vỹ, Viện trưởng Viện Kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc kinh doanh, thương mại lao động (Viện KSND cấp cao tại Hà Nội) cho biết: Lãnh đạo Viện KSND cấp cao đã nhận được đơn của bà Hằng đề nghị xem xét, giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án phúc thẩm do TAND tỉnh Hải Dương xét xử.

Theo quy định, TAND cấp cao sẽ xem xét, giải quyết vụ án này trước. Hiện, TAND cấp cao tại Hà Nội đã có thông báo không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án phúc thẩm này. Tuy nhiên, với chức năng và nhiệm vụ của ngành kiểm sát nhân dân, Viện KSND cấp cao đã gửi văn bản đề nghị TAND tỉnh Hải Dương gửi “hồ sơ gốc” (là các bản án và tài liệu liên quan) đến Viện KSND cấp cao tại Hà Nội để xem xét, giải quyết theo quy định.

Tuy nhiên đến nay Viện vẫn chưa nhận được hồ sơ của vụ án. Trường hợp, TAND tỉnh không gửi hồ sơ vụ án lên thì Viện KSND cấp cao sẽ trực tiếp về địa phương tiếp nhận toàn bộ hồ sơ để xem xét, giải quyết. Nếu đủ điều kiện giải quyết theo thủ tục kháng nghị giám đốc thẩm thì lãnh đạo Viện sẽ tổ chức, thực hiện ngay. Trước đó, ngay sau phiên xét xử phúc thẩm, Viện KSND tỉnh Hải Dương đã có văn bản báo cáo lãnh đạo Viện KSND cấp cao tại Hà Nội về quá trình xét xử, đồng thời kiến nghị lãnh đạo Viện xem xét kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án...

“Khi xảy ra sự việc, bà Hằng đã nộp đơn khiếu nại đến lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh đề nghị xem xét, giải quyết theo quy định. Tuy nhiên, khi đơn của bà Hằng đang trong giai đoạn xem xét, giải quyết thì lãnh đạo Sở được thông báo, bà Hằng đã nộp đơn khởi kiện Công ty Mascot ra TAND huyện Cẩm Giàng. Do vậy, việc giải quyết đơn của bà Hằng được dừng lại và sự việc sẽ được tòa án xem xét…”.

Bùi QUỐC TRÌNH, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương

“Khi sự việc xảy ra, bà Lê Thị Hằng không có đơn và không phản ánh thông tin vụ việc đến Công đoàn cơ sở, Công đoàn các khu công nghiệp… cho nên lãnh đạo công đoàn các cấp và Liên đoàn Lao động tỉnh không nắm được nội dung vụ việc để kịp thời bảo vệ đoàn viên. Tuy nhiên, sau khi Báo Nhân Dân phản ánh, lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ phối hợp Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh và các đơn vị liên quan xuống Công ty Mascot để kiểm tra, xem xét trách nhiệm cũng như quá trình giải quyết vụ việc nêu trên của Công đoàn cơ sở. Trường hợp bà Hằng có yêu cầu giúp đỡ, Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ đồng hành, hỗ trợ bà Hằng xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật…”.

NGUYỄN VĂN QUYẾT, Phó Chủ tịch Thường trực

Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương

Nhóm phóng viên

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/som-xem-xet-lai-viec-sa-thai-nguoi-lao-dong-post836342.html