Sớm xử lý loạt vị trí bất cập, nguy cơ cao xảy ra tai nạn đường thủy trên sông Hồng, Ninh Cơ
Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, sẽ sớm xử lý các vị trí có nguy cơ cao xảy ra TNGT đường thủy trên tuyến đường thủy quốc gia sông Hồng, Ninh Cơ, sông Đào Nam Định…
Xuất hiện nhiều vị trí nguy hiểm
Ban ATGT tỉnh Nam Định cho biết, cuối năm 2023, Đoàn kiểm tra liên ngành cơ sở đường thủy nội địa tỉnh Nam Định tổ chức kiểm tra về ATGT trên trên tuyến đường thủy quốc gia sông Đào Nam Định, Ninh Cơ, Hồng qua địa bàn Nam Định. Qua đó, phát hiện một số vị trí, khu vực bất cập hạ tầng, tổ chức giao thông và có nguy cơ cao gây mất ATGT, xảy ra TNGT đường thủy.
Cụ thể, trên tuyến sông Đào Nam Định, khu vực cầu Tân Phong nhiều khúc cong, cua khuất tầm nhìn, dòng chảy xiết, trong khi mật độ phương tiện cao gây tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ATGT. Về thông số kỹ thuật, kết quả khảo sát (do Liên danh các Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình thủy và HCC Hà Nội lập tháng 12/2022), bán kính cong hạn chế tại các khu vực cầu Tân Phong tại Km32+900 là 350m, Km31+800 là 363m. Do đó, không đảm bảo theo chuẩn bán kính cong lớn hơn 500m theo tiêu chuẩn luồng cấp II của sông Đào Nam Định.
Trên sông Ninh Cơ, tại ngã ba Mom Rô có bãi cạn vị trí Km61 không đảm bảo chuẩn tắc luồng theo cấp kỹ thuật, gây khó khăn cho phương tiện vận tải hoạt động, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT... Bởi theo quy định tại Thông tư 46/2016/TT-BGTVT, sông Ninh Cơ là sông cấp I với yêu cầu độ sâu luồng chạy tàu phải từ 4 m trở lên; trong khi, theo đơn vị bảo trì là Công ty CP Quản lý đường sông số 5, từ ngày 1/1/2023 đến nay, độ sâu luồng đoạn này chỉ từ 3,2 - 3,9 m.
Cùng đó, trên tuyến này có khu vực kè chỉnh trị luồng (từ Km51+00 đến Km52+00, xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường) được xây từ năm 2016, có chiều dài 85 m, khi thủy triều lên kè bị ngập từ 0,5 - 1,5m. "Do ngập nước gây mất tầm nhìn, cùng với việc người điều khiển phương tiện không chú ý quan sát nên thường xuyên xảy ra tình trạng phương tiện đâm va vào kè, cột báo hiệu gây hư hỏng phương tiện, 4/5 cột báo hiệu bị xô lệch, cong vẹo cột báo hiệu nên rất cần bổ sung hệ thống báo hiệu dẫn luồng", theo Đoàn kiểm tra liên ngành.
Tương tự, khu vực cửa Ba Lạt tuyến sông Hồng (từ Km2+00 đến Km3+00) có cao độ đáy +0.0 (hệ cao độ hải đồ), tại khu vực luồng khan cạn thường xuyên có phương tiện bị mắc cạn, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT đường thủy.
Cũng theo Đoàn kiểm tra liên ngành đường thủy tỉnh Nam Định, trên sông Đào Nam Định tại khu vực đang thi công cầu Đống Cao đã có biển cấm phương tiện thủy neo đậu, đồng thời tổ chức điều tiết, hướng dẫn phương tiện thủy neo đậu, lưu thông.
Tuy nhiên, hiện nay khu vực từ hạ lưu đến vị trí thi công cầu Đống Cao (từ Km00 đến Km3+500 trên sông Đào Nam Định) có nhiều phương tiện neo đậu chờ nước lên mới chạy nhằm tiết kiệm nhiên liệu. Việc tập trung đông phương tiện và đồng loạt lưu thông qua khoang thông thuyền hẹp (50 m) có nguy cơ cao xảy ra TNGT.
Một số vị trí bất cập khác cũng được Đoàn liên ngành chỉ ra là cầu phao Ninh Cường ở vị trí Km17+00 và cầu Lạc Quần tại vị trí Km36+00 (sông Ninh Cơ); cầu Đò Quan tại vị trí Km26+500 và cầu Nam Định tại vị trí Km23+500 (sông Đào Nam Định) luồng tàu hạn chế. Theo đoàn kiểm tra, tàu thuyền đi qua các khu vực này dễ mất phương hướng, nguy cơ bị đâm va với trụ cầu rất cao, nhất là về mùa lũ bão. Vì vậy, cần được lắp đặt phao giới hạn luồng chạy tàu.
Liên quan đến điều tiết phương tiện, hiện tuyến kênh đào Nghĩa Hưng nối sông Đáy – Ninh Cơ đã hoạt động, song tuyến kênh Quần Liêu (nhỏ hẹp, tĩnh không cầu thấp) vẫn có các loại phương tiện tải trọng dưới 850 tấn, chiều ngang phương tiện dưới 10 m lưu thông, nên cần duy trì tổ chức lực lượng điều tiết để đảm bảo ATGT.
Sớm bổ sung báo hiệu, khắc phục các bất cập
Ông Phạm Ngọc Vinh, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Nam Định cho biết, trước thực tế trên, tháng 2/2024, Ban ATGT tỉnh Nam Định có văn bản đề nghị Bộ GTVT, Cục Đường thủy nội địa VN xem xét, chỉ đạo thực hiện các giải pháp phù hơp với từng vị trí trên (cắt cong cua, nạo vét bãi cạn, bổ sung phao…) để phòng ngừa TNGT đường thủy, tạo thuận lợi cho phương tiện thủy lưu thông.
Ngày 21/2, trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Lê Minh Đạo, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, đã chỉ đạo các bộ phận, đơn vị chức năng trực thuộc Cục khảo sát, kiểm tra thực tế hiện trường để đưa ra các giải pháp xử lý phù hợp. Theo đó, sẽ điều chỉnh, lắp đặt bổ sung báo hiệu đường thủy tại các vị trí cần thiết, đề xuất Bộ GTVT tiếp tục cho tổ chức điều tiết giao thông trên tuyến kênh Quần Liêu, chỉ đạo tăng cường bảo đảm ATGT khu vực thi công cầu Đống Cao…
Tuy nhiên, đối với đề xuất xây dựng phương án đầu tư cắt cong cua, nạo vét bãi cạn, ông Đạo cho biết, đây là nội dung cần được nghiên cứu, tính toán để có giải pháp tổng thể, lâu dài. Bởi thực tế Cục Đường thủy nội địa VN từng lập dự án để nạo vét bãi cạn trên sông Ninh Cơ nhưng sau đó không thể triển khai do kết quả khảo sát thực địa luồng cho thấy chiều sâu của luồng tại khu vực cạn vẫn nằm trong giới hạn tiêu chuẩn kỹ thuật của luồng, đảm bảo cho phương tiện thủy phù hợp với cấp kỹ thuật luồng lưu thông bình thường. Vì vậy, thiếu căn cứ pháp lý và thực tế để nạo vét khơi sâu thêm luồng, trong khi các tàu có trọng tải vài nghìn tấn (lớn hơn so với cấp kỹ thuật của luồng) gặp khó khăn khi lưu thông qua.
"Một trong những vấn đề quan trọng cần có giải pháp lâu dài hiện nay là trên tuyến đường thủy quốc gia như Ninh Cơ, sông Đào Nam Định và một số tuyến khác có nhiều phương tiện có trọng tải vài nghìn tấn lưu thông, lớn hơn nhiều so với trọng tải, kích thước phương tiện phù hợp với cấp kỹ thuật của luồng được công bố. Nói đơn giản, như trên đường bộ, là phương tiện quá kích thước, trọng tải lưu thông trên đường có khả năng đáp ứng thấp hơn.
Tuy vậy, đặc thù của đường thủy là tận dụng thời điểm thủy triều, con nước phù hợp nên phương tiện thủy có kích thước, trọng tải lớn vẫn lưu thông được trên luồng có cấp kỹ thuật thấp hơn. Việc phương tiện thủy cỡ lớn đi vào luồng cấp kỹ thuật nhằm tạo thuận lợi cho vận tải, song để giải quyết vấn đề nâng cấp hạ tầng luồng tuyến (độ sâu hơn so với cấp luồng được công bố) phải nghiên cứu các giải pháp lâu dài. Chẳng hạn như sửa đổi quy chuẩn cấp kỹ thuật luồng đường thủy và các yếu tố khác liên quan… để có cơ sở đầu tư nâng cấp, nạo vét luồng để đáp ứng lưu thông cho phương tiện thủy có trọng tải, kích thước ở mức tốt nhất", ông Đạo cho biết.