Somalia, điểm sáng của cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ ở châu Phi
Từ chỗ là địa bàn bế tắc nhất, Somalia đang trở thành một điểm sáng đáng ngạc nhiên trong cuộc chiến của Mỹ và đồng minh chống lại các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan tại châu Phi.
“Xéo mãi phải quằn”
Cuối cùng đã đến lúc các chiến binh Al-Shabaab đi quá xa, và những người nông dân và người chăn nuôi Somalia không thể chịu đựng thêm được nữa.
Câu chuyện bắt đầu tại Hiiraan, khu vực có nửa triệu dân ở miền trung Somalia. Phiến quân Hồi giáo cực đoan Al-Shabaab, chi nhánh Somalia của tổ chức khủng bố toàn cầu Al-Qaeda, đã kiểm soát phần lớn khu vực này trong một thập kỷ. Nhưng vào tháng 5/2022, chúng bắt đầu đàn áp người dân.
Chúng bắn trưởng lão của một gia tộc nổi tiếng. Chúng lôi kéo thanh thiếu niên địa phương vào hàng ngũ những kẻ đánh bom và chiến binh liều chết. Và trong đợt hạn hán dài nhất lịch sử Somalia, Al-Shabaab đánh thuế những người chăn nuôi 3 hoặc 4 con bò mỗi lần họ mang đàn gia súc đến uống nước tại các giếng công cộng.
Điều đó gây ra một chuỗi sự kiện mà cuối cùng đã mang lại cho Mỹ và các đồng minh ưu thế trong chiến dịch kéo dài 16 năm chống lại một trong những nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan lỳ lợm nhất trên thế giới.
Là một trong những chiến dịch quân sự mà Mỹ phát động sau vụ tấn công ngày 11/9/2001, cuộc chiến chống lại Al-Shabaab vốn chỉ được nhắc đến bằng nhiều năm thất bại và bế tắc. Nhưng giờ đây Somalia đã trở thành một điểm sáng đáng ngạc nhiên trong cuộc chiến toàn cầu giữa phương Tây và các nước đồng minh chống lại những kẻ khủng bố nhân danh Hồi giáo.
Trong vòng vài tuần, dân quân bộ tộc Hiiraan đã cầm vũ khí trong một cuộc nổi dậy tự phát khiến Al-Shabaab “trọng thương”. Lực lượng chính phủ Somalia, dẫn đầu bởi các biệt kích do Mỹ huấn luyện có tên là Danab, hay Lightning, cũng tham gia cuộc chiến. Một số gia tộc khác làm theo và hất cẳng Al-Shabaab khỏi lãnh địa của họ.
Theo đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Mogadishu, trong nhiều tháng, các nhóm dân quân và quân đội Somalia, được hỗ trợ bởi máy bay không người lái của Mỹ, đã đánh đuổi Al-Shabaab ra khỏi khoảng 20 thị trấn và 80 ngôi làng, giành lại khoảng 1/3 lãnh thổ mà phiến quân chiếm giữ trên toàn quốc trước đây.
Tháng trước, lực lượng quân đội Somalia, do biệt kích Danab dẫn đầu, đã phát động giai đoạn tiếp theo của cuộc tấn công nhằm đánh bật phiến quân khỏi hai thành trì cuối cùng của chúng ở miền trung đất nước. “Chính phủ đang chiến thắng trong cuộc chiến. Hai năm trước, tôi không dám nói điều đó, nhưng bây giờ tôi sẽ có thể tự tin khẳng định như vậy”, Thiếu tá Aydarus Mohamed Hussein, chỉ huy lữ đoàn biệt kích Danab gồm 2.000 binh sĩ, cho biết.
Giao tranh ban đầu diễn ra ác liệt, quân chính phủ tràn vào thị trấn El Buur, pháo đài then chốt của Al-Shabaab, sau đó lại phải rút đi trước đợt phản công quá dữ dội của phiến quân. Theo các nhà ngoại giao phương Tây ở Mogadishu, nguyên nhân vì lực lượng chính phủ đã di chuyển nhanh đến mức vượt quá đường tiếp tế của họ.
Bây giờ quân đội đang làm chậm cuộc tấn công để binh sĩ kịp hồi phục. Các nhà chiến lược của chính phủ Somalia gia hạn các cuộc tấn công theo cách có phương pháp hơn, giao cho các nhóm dân quân phụ trách bảo vệ các thị trấn và làng mạc sau khi quân đội quét sạch Al-Shabaab.
Nhận định về tình hình Somalia, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Lloyd Austin trong chuyến thăm Kenya tuần trước đã phát biểu: “Quân đội Somalia đã chiếm lại nhiều lãnh thổ hơn trong năm ngoái so với 5 năm trước đó dù chúng tôi biết rằng sự tiến bộ không phải lúc nào cũng là một đường thẳng”.
Điểm sáng trong bức tranh hỗn loạn
Somalia, nằm ở đầu phía Đông của dải đất bán sa mạc cắt ngang châu Phi có tên Sahel. Trong 2 năm qua, các cuộc đảo chính quân sự ở Mali, Burkina Faso và mới nhất là Niger đã khiến các lực lượng Mỹ và đồng minh phải triệt thoái khỏi nhiều nước vùng Sahel, qua đó chấm dứt hoạt động phối hợp cùng chính quyền sở tại để chống lại các nhóm phiến quân khủng bố trong khu vực.
Trong bối cảnh đó, những gì xảy ra tại Somalia có thể xem như chút thành công trong bối cảnh thất bại của nỗ lực chống khủng bố của phương Tây. Được hỗ trợ bởi sức mạnh không quân và cố vấn của Mỹ, quân đội Somalia đang trên đà đánh bại khoảng 10.000 đến 12.000 chiến binh Al-Shabaab, cộng với vài trăm thành viên của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Shane Dixon, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ ở Mogadishu, thủ đô Somalia, nói với phóng viên Wall Street Journal: “Nếu bạn nhìn vào vị trí của đất nước này 10 năm trước và thậm chí hai năm trước, những tiến bộ mà chính phủ và cộng đồng quốc tế đạt được mang đến cho mọi người hy vọng rằng chúng ta có thể nhìn thấy một tương lai của Somalia không có Al-Shabaab và không có IS”.
Các nhà ngoại giao và chỉ huy quân sự phương Tây cho biết họ đã chứng kiến sự thay đổi cơ bản trong cuộc chiến tại Somalia kể từ khi Tổng thống Hassan Sheikh Mohamud nhậm chức vào năm ngoái. Ông Mohamud truy lùng Al-Shabaab với quyết tâm mạnh mẽ hơn hẳn người tiền nhiệm của ông, Mohamed Abdullahi Mohamed và chính quyền Tổng thống Joe Biden đã điều động khoảng 450 lính Mỹ đến Somalia để giúp đỡ.
Giờ đây, Mỹ có các đội hoạt động đặc biệt ở các thành phố tại Somalia như Mogadishu, Kismayo và Baledogle, với sự hỗ trợ của khoảng 60 cố vấn quân sự từ Bancroft Global Development, một nhà thầu an ninh được Bộ Ngoại giao Mỹ thuê.
Đại tá David Haskell, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm của Mỹ ở Somalia cho biết các lực lượng đặc nhiệm của Mỹ có thể ra lệnh không kích nếu đối tác Somalia của họ ở vào thế bất lợi hoặc có nguy cơ bị áp đảo ngay lập tức.
Nếu tình hình có vẻ tồi tệ, Đại tá Haskell sẽ gọi cho một quan chức Đại sứ quán Mỹ, người này sẽ thông báo cho Tổng thống Mohamud, bất kể ngày hay đêm. Và, chỉ khi chắc chắn không có thường dân nào gặp nguy hiểm, máy bay không người lái của Mỹ mới xuất kích. Mỹ đã thực hiện 15 cuộc không kích ở Somalia trong năm nay.
Lần không kích mới nhất diễn ra tại Bud Bud, miền trung Somalia. Khi đơn vị biệt kích Danab có vẻ như sắp bị Al-Shabaab tiêu diệt thì chiếc máy bay không người lái xuất kích từ một căn cứ của Mỹ ở nước láng giềng Djibouti đã tới hỗ trợ kịp thời và dội bom quét sạch nhóm phiến quân.
Cố vấn an ninh quốc gia Somalia, Hussein Sheikh-Ali cho biết: “Nếu không có sự hỗ trợ của không quân, chúng tôi không có nhiều lợi thế rõ ràng trong các trận chiến”.
Phía Nam còn nhiều thách thức
Sau những kết quả thành công ở miền trung Somalia, các quan chức nước này đang tỏ ra khá lạc quan. Họ dự đoán rằng các chiến dịch chống khủng bố ở miền trung Somalia sẽ mất khoảng hai tháng và vào tháng 10 hoặc tháng 11, họ sẽ có thể chuyển sang tấn công các khu vực rộng lớn hơn do Al-Shabaab kiểm soát ở miền nam Somalia, dọc biên giới Kenya.
Cố vấn An ninh Quốc gia Somalia, Hussein Sheikh-Ali cho biết: “Đây là kế hoạch của chúng tôi: quét sạch Al-Shabaab trước tháng 8 năm sau. Tất nhiên, có thể mất nhiều thời gian hơn như thế, nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ đánh bại Al-Shabaab”.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, giai đoạn tiếp theo, ở miền nam Somalia, dự kiến sẽ khó khăn hơn. Bởi các kế hoạch quân sự của chính phủ Somalia cần tính đến sự rút lui sắp xảy ra của lực lượng Liên minh châu Phi (AU) được triển khai lần đầu tiên tới Somalia vào năm 2007.
Chính phủ Somalia, trên thực tế đã kêu gọi Liên hợp quốc vào tuần trước trì hoãn việc rút 3.000 binh sĩ AU do vẫn lo lắng trước các cuộc phản công của Al-Shabaab ở miền trung. Cố vấn An ninh Quốc gia Somalia, Sheikh-Ali viết trong một lá thư gửi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc: “Diễn biến không lường trước được này khiến lực lượng quân đội của chúng tôi bị mỏng đi, làm lộ ra những điểm yếu ở tiền tuyến và chúng tôi phải tổ chức lại toàn diện để duy trì động lực chống lại Al-Shabaab”.
Hiện có 18.000 binh sĩ AU đang có mặt tại Somalia. Sau khi 3.000 quân rút đi trong năm nay, số còn lại dự kiến sẽ rời khỏi nước này vào cuối năm tới. Dù có số lượng đông đảo song theo các quan chức Mỹ và Somalia, lực lượng AU đã không thực hiện các hoạt động tấn công lớn trong năm nay.
Phần lớn binh sĩ vẫn ở lại các căn cứ nơi họ hứng chịu các cuộc tấn công liên tục Al-Shabaab. Kenya, Ethiopia và Djibouti đã cam kết triển khai hàng nghìn binh sĩ trong 90 ngày để giúp lực lượng Somalia đẩy lùi Al-Shabaab ra khỏi miền nam Somalia. Song theo các quan chức Mỹ, những đơn vị này vẫn chưa xuất hiện.
Tại Somalia, phiến quân Al-Shabaab đã ăn sâu bám rễ vào nhiều cộng đồng phía nam, nơi nhóm phiến quân này cung cấp một số dịch vụ công cộng và các tòa án Hồi giáo giải quyết tranh chấp. Al-Shabaab tổ chức thu thuế tại các trạm kiểm soát ven đường và trên các bến cảng, doanh thu mà Mỹ ước tính đã đạt 130 triệu USD hàng năm trong thời kỳ hoạt động tốt nhất của nhóm khủng bố này.
Các nhà quan sát chính trị châu Phi cho biết thành công hay thất bại của chiến dịch chống khủng bố tại miền nam Somalia phụ thuộc rất nhiều vào việc liệu chính phủ có nhanh chóng cung cấp cho các khu vực được giải phóng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, điện-nước, tòa án và sự hiện diện an ninh lâu dài hay không.
Đại tá David Haskell, chỉ huy các lực lượng đặc biệt của Mỹ tại Somalia, cũng nhận định, nếu chính quyền Mogadishu làm tốt việc tiếp quản những vùng đất lấy được từ tay Al-Shabaab, họ có thể “tiếp tục chiến thắng mà không cần tới sự hiện diện lớn của các lực lượng Mỹ”.