Sởn da gà với những vụ án mạng kinh hoàng do ngáo đá
Thời gian gần đây, nhiều vụ án mạng đau lòng liên tiếp xảy ra và kẻ thủ ác ra tay trong tình trạng 'ngáo đá', 'phê' ma túy.
Điều đáng nói, nhiều nạn nhân không ai khác chính là người thân của đối tượng gây án…
Thảm án đau lòng
Có lẽ nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc đến vụ án mạng do ngáo đá xảy ra vào đêm 2-5, tại phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP HCM. Theo điều tra ban đầu, khoảng 23h40 cùng ngày, Trương Tín (SN 1990, trú tại quận Bình Tân, TP HCM) đi chơi về thì xảy ra cãi vã với mẹ đẻ.
Thấy Tín có biểu hiện "ngáo đá", đập phá đồ đạc trong nhà nên ông Trương Văn H (bố Tín) vội chạy đi báo công an phường, còn những người khác vội vàng cất các loại như dao, kéo và các vật dụng nhọn sắc khác có thể là hung khí gây nguy hiểm, đề phòng Tín làm liều.
Do ảnh hưởng của ma túy đá, Tín hoang tưởng những người thân của mình là “robot”, nên cầm dao đâm, chém khiến bà Lê Thị Đ (SN 1942, bà ngoại Tín), bà Nguyễn Thị Ngọc Th (SN 1963, mẹ Tín) và bà Nguyễn Thị Ngọc K (SN 1965, dì ruột Tín) tử vong tại chỗ.
Sau khi gây án, đối tượng tiếp tục tìm người thân để sát hại. Tuy nhiên, hai người may mắn thoát chết là em gái và dì của Tín. Họ kịp trốn trong tủ, đợi Tín bỏ đi mới ra ngoài. Rạng sáng 3-5, cơ quan công an đã bắt giữ Tín để điều tra về hành vi "Giết người".
Trong một diễn biến mới nhất, khoảng 20h50 ngày 10-5, tại khu vực số nhà 124, phố Lạch Tray ( phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng), ông Trần Hưng Thịnh (SN 1961, ở 124 - Lạch Tray) bị một nam thanh niên nghi có biểu hiện "ngáo đá" dùng hung khí chém, gây thương tích ở vùng má, lưng, đầu, trong đó có một vết thương ở cổ tay phải, đứt gân cổ tay.
Nhận tin báo, CAP Lạch Tray, quận Ngô Quyền nhanh chóng có mặt tại hiện trường, vận động, thuyết phục, nhưng đối tượng không chịu bỏ hung khí mà tiếp tục la hét, gây rối. Lực lượng chức năng phải xông vào khống chế, bắt giữ đối tượng và tổ chức đưa nạn nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Việt - Tiệp.
Qua xác minh, đối tượng gây án là Nguyễn Khắc Thanh (SN 1987, trú tại phường Bàng La, quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng). Trong quá trình bắt giữ đối tượng Thanh, Thượng úy Đỗ Thế Văn, CAP Lạch Tray cũng bị thương.
Trừng trị nghiêm khắc
Theo Tiến sỹ - Bác sỹ Nguyễn Văn Tuấn - Bệnh viện tâm thần Hà Nội phân tích, “hàng đá” - một dạng tinh thể được làm từ ma túy tổng hợp có chất Methamphetamine gây kích thích. Loại chất này khi con người sử dụng nó đem lại cảm giác hưng phấn, gây khoái cảm, phấn khích, không còn cảm giác đói, mệt, thiếu ngủ…
Khi sử dụng liều cao, người dùng trở nên lắm lời, hiếu động, hung bạo, họ sẽ có những hành động kỳ quái do bị kích động. Người dùng sẽ thay đổi hành vi, tâm tính, hiếu động, luôn có cảm giác khó chịu.
Đến khi hệ thống não đã bị tổn thương bởi chất Methamphetamine, gây ra các hành vi hung bạo, liều lĩnh do ảo giác hay còn gọi là “ngáo đá", loạn thần, hoang tưởng. Lúc này, đối tượng “ngáo đá" rất dễ biến mình thành một tên tội phạm nguy hiểm, ra tay tàn độc.
Thiếu tá Bùi Mạnh Cường, Đội phó, Đội CSHS - CAQ Ba Đình cho rằng, tội phạm ngày càng trẻ hóa, trong đó không ít thanh niên dùng ma túy các loại trước khi gây án. Để xảy ra tình trạng này, một trong nhiều nguyên nhân trong đó có sự thiếu quản lý, giáo dục của một bộ phận gia đình và nhà trường. Cùng với đó, nhiều thanh - thiếu niên hiện nay bị tác động bởi mạng xã hội khi thường xuyên xem những phim ảnh, các loại game có tính chất bạo lực.
Cũng theo Thiếu tá Bùi Mạnh Cường, người sử dụng ma túy gây ra các tội ác trong tình trạng loạn thần không phải là tình tiết giảm nhẹ. Pháp luật buộc công dân phải nhận thức được tác hại khi sử dụng các chất kích thích sẽ dẫn đến tình trạng mất kiểm soát hành vi, nên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hậu quả xảy ra. Việc sử dụng chất kích thích dẫn đến "ngáo đá", mất khả năng kiểm soát hành vi có thể gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội, gây án giết người cần phải xử lý nghiêm.
Cùng quan điểm trên, Luật sư Đặng Thành Chung - Giám đốc Công ty luật TNHH An Ninh (Đoàn Luật sự TP Hà Nội) nhận định, sau khi sử dụng Methamphetamine, người "ngáo đá" có triệu chứng như người mắc bệnh tâm thần, bị hoang tưởng, bị tách rời khỏi thực tại, mất khả năng làm chủ hành vi. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, không thể đánh đồng người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong tình trạng "ngáo đá" với người mắc bệnh tâm thần phạm tội.
“Người mắc bệnh tâm thần bị mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi do bệnh tật, tức là do nguyên nhân khách quan, ngoài ý muốn. Ngược lại, người "ngáo đá" là do hệ quả trực tiếp từ hành vi sử dụng ma túy gây ảo giác, người phạm tội chủ động sử dụng ma túy dù đã biết có thể ảnh hưởng đến thần kinh, chứ không phải do nguyên nhân khách quan. Do đó, người "ngáo đá" phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội mình gây ra và cũng cần trừng trị nghiêm khắc hơn”, Luật sư Đặng Thành Chung nói.
Xem thêm video: Ngáo đá bơi như cá giữa trưa nắng