Sơn Động: Tháo gỡ khó khăn trong sắp xếp cán bộ dôi dư

Sau sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã và thực hiện một số đề án, kết luận liên quan công tác cán bộ, do nhiều nguyên nhân, đến nay huyện Sơn Động vẫn còn hàng chục cán bộ, công chức dôi dư chưa được bố trí công việc phù hợp.

Khó bố trí, sắp xếp

Thực hiện Nghị quyết số 831/NQ-UBTVQH14 ngày 21/11/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, ngày 1/3/2020, huyện Sơn Động sáp nhập 12 xã, thị trấn thành 6 ĐVHC cấp xã. Theo đó, toàn huyện còn 17 xã, thị trấn (trước là 23). Cùng đó, huyện thực hiện các đề án: Đưa công an chính quy về cơ sở; đưa đội viên, trí thức trẻ về huyện nghèo phát triển KT-XH; sắp xếp cán bộ khuyến nông, thú y.

 Xã Vĩnh An gặp nhiều khó khăn trong công tác sắp xếp, bố trí cán bộ dôi dư.

Xã Vĩnh An gặp nhiều khó khăn trong công tác sắp xếp, bố trí cán bộ dôi dư.

Sau sắp xếp các ĐVHC và thực hiện các đề án trên, huyện đã sắp xếp, bố trí công việc, giải quyết chế độ cho 186 cán bộ, công chức. Hiện còn 87 cán bộ, công chức dôi dư chưa được sắp xếp, bố trí công việc phù hợp; trong đó có 56 cán bộ, công chức, 26 cán bộ khuyến nông, thú y cơ sở và 5 đội viên thuộc Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020 (Đề án 500 trí thức trẻ).

Số cán bộ này đang được bố trí tạm thời làm việc tại một số vị trí như: Văn phòng, tài chính, văn hóa - xã hội, tư pháp - hộ tịch ở một số xã, thị trấn hoặc tăng cường, biệt phái đến làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc UBND huyện. Theo Nghị quyết 831, thời hạn cuối cùng các địa phương phải sắp xếp cán bộ dôi dư là hết năm 2024, kể từ ngày 1/1/2025, ngân sách sẽ không cấp chi lương cho những trường hợp này. Chỉ còn 4 tháng nữa là hết năm 2024, song thời điểm này, toàn huyện vẫn còn nhiều cán bộ dôi dư chưa thể sắp xếp, bố trí công việc phù hợp.

Sau sắp xếp các ĐVHC và thực hiện các đề án trên, huyện đã sắp xếp, bố trí công việc, giải quyết chế độ cho 186 cán bộ, công chức. Hiện còn 87 cán bộ, công chức dôi dư chưa được sắp xếp, bố trí công việc phù hợp; trong đó có 56 cán bộ, công chức, 26 cán bộ khuyến nông, thú y cơ sở và 5 đội viên thuộc Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020.

Kể từ khi xã Vĩnh An thành lập (trên cơ sở sáp nhập xã Vĩnh Khương và An Lập), công tác sắp xếp cán bộ tại đây vẫn còn khó khăn. Chủ tịch UBND xã Vĩnh An Giáp Xuân Hồng cho biết: “Từ nay đến hết năm, xã có 2 đồng chí xin nghỉ hưu trước tuổi (đã có đơn, đang chờ quyết định). Trừ 2 cán bộ này thì địa phương vẫn còn thừa 11 cán bộ, công chức chưa thể bố trí việc làm ổn định, gồm: 2 cán bộ tư pháp - hộ tịch; 4 cán bộ văn phòng; 2 cán bộ kế toán - tài chính; 1 cán bộ văn hóa xã hội và 2 cán bộ khuyến nông và thú y”.

Tại thị trấn An Châu đến tháng 8/2024 vẫn còn 14 cán bộ, công chức dôi dư. Theo lãnh đạo UBND thị trấn, sau khi sắp xếp, số cán bộ tăng lên, công việc nhiều hơn song không phải ai cũng đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, nhất là những công việc đòi hỏi phải thực hiện số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin. Bên cạnh những cán bộ trẻ năng nổ, nhiệt huyết thì vẫn còn những đồng chí nhận thức hạn chế, khả năng nghiên cứu, cập nhật bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm việc chưa cao. Trong tháng 8, thị trấn có một đồng chí nghỉ hưu trước tuổi; luân chuyển một công chức văn hóa xã hội chuyển đến công tác tại xã An Lạc. Tháng 9 và 10 tiếp tục cho 4 đồng chí có nguyện vọng thôi việc. Số cán bộ, công chức còn lại chưa có phương án sắp xếp.

Kiến nghị kéo dài thời gian sắp xếp

So với các địa phương trong tỉnh, tại thời điểm năm 2020, huyện Sơn Động có số ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp, sáp nhập nhiều nhất tỉnh, kéo theo số lượng cán bộ, công chức dôi dư lớn. Thêm nữa, thời điểm sắp xếp trùng với thời gian huyện phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác liên quan đến công tác cán bộ. Do vậy, việc bố trí, sử dụng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã gặp rất nhiều khó khăn.

 Bà Phạm Thị Hà, cán bộ thú y thị trấn An Châu kiến nghị sắp xếp cán bộ dôi dư ở những vị trí phù hợp.

Bà Phạm Thị Hà, cán bộ thú y thị trấn An Châu kiến nghị sắp xếp cán bộ dôi dư ở những vị trí phù hợp.

Thực tế, ngoài số cán bộ, công chức đã nghỉ hưu, đang có đơn xin nghỉ trước tuổi vẫn còn khá nhiều cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản qua trường, lớp chính quy, trình độ chính trị, tư tưởng vững vàng, có nguyện vọng tiếp tục cống hiến. Qua thực tiễn công tác ở cơ sở, nhiều đồng chí phát huy tốt vai trò trong thực hiện nhiệm vụ.

Anh Ngọc Văn Trường (SN 1982), cán bộ thú y xã Vĩnh An có hơn 10 năm công tác tại địa phương, biết mình thuộc diện dôi dư đã tự sắp xếp thời gian học tập nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị. Cụ thể, anh vừa nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi của xã, vừa tham gia chương trình đào tạo trình độ cử nhân Luật và Trung cấp Lý luận chính trị. Còn anh Nhữ Văn Dương (SN 1985), quê ở thị trấn Tây Yên Tử là một trong 5 trí thức trẻ còn lại của Đề án 500 chưa được bố trí công việc cũng mong muốn được tạo điều kiện để tiếp tục cống hiến sức trẻ trên quê hương. Được biết, anh Dương tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội hiện đang biệt phái đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện công tác.

Trước những khó khăn nêu trên, đồng chí Hoàng Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện cho biết, đơn vị đang tập trung chỉ đạo Phòng Nội vụ, các xã, thị trấn tiếp tục rà soát đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, kịp thời bố trí, sắp xếp những người dôi dư vào các vị trí công việc còn thiếu. Bên cạnh đó, nghiên cứu, tham mưu giải quyết chính sách cho cán bộ theo quy định của T.Ư và Nghị quyết số 46/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh, quy định chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức cấp xã dôi dư và cán bộ khuyến nông, cán bộ thú y cơ sở nghỉ hưu trước tuổi hoặc thôi việc trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2020-2024. Cùng đó, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải tiến lề lối làm việc, tác phong trong công tác, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, coi đây là cơ sở để đánh giá, bình xét thi đua cuối năm.

Đặc biệt, những trường hợp nhiều năm không hoàn thành nhiệm vụ, trình độ không đáp ứng yêu cầu công việc; không cầu tiến... sẽ đưa vào danh sách sắp xếp tinh giản biên chế để bố trí cán bộ có năng lực, trình độ thay thế. Đồng thời, tiếp tục tăng cường, biệt phái, trưng tập cán bộ, công chức cấp xã dôi dư đến các phòng, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND huyện hoặc điều động sang các xã, thị trấn khác trong huyện để có thể bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ theo quy định. Bên cạnh các giải pháp trên, để giải quyết số cán bộ dôi dư, huyện đã nhiều lần kiến nghị với tỉnh, đại biểu Quốc hội đề xuất T.Ư tạo điều kiện cho địa phương kéo dài thời gian thực hiện sắp xếp, bố trí cán bộ dôi dư.

Bài, ảnh: Hải Vân

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/son-dong-thao-go-kho-khan-trong-sap-xep-can-bo-doi-du-081506.bbg