Sơn Động: Tiếp tục sạt lở đất ảnh hưởng đến nhiều hộ dân

Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài sau bão số 3, những ngày qua, trên địa bàn huyện Sơn Động (Bắc Giang) tiếp tục xảy ra một số vụ sạt lở đất. Chính quyền địa phương đã thực hiện một số biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân, đề xuất phương án khắc phục.

Tại thị trấn An Châu, sau khi nhận được tin báo của người dân, ngày 22/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn thị trấn đã kiểm tra và ghi nhận các vết nứt gây sạt lở đất, làm đổ tường nhà bà Phạm Thị Tích ở tổ dân phố số 1, sát bờ sông Lục Nam. Điểm sạt lở dài khoảng 100 m, sâu 70 cm. Các vị trí nứt, sạt lở kéo dài từ hộ bà Tích đến hộ bà Vũ Thị Mỹ (cùng tổ dân phố) khiến cuộc sống của 7 nhân khẩu trong 2 hộ này bị ảnh hưởng.

 Vết nứt trên nền nhà của hộ bà Phạm Thị Tích.

Vết nứt trên nền nhà của hộ bà Phạm Thị Tích.

Các vết sạt lở không chỉ kéo theo nhiều cây cối, đất, đá đổ xuống phía sát bờ sông mà còn làm sập tường, lún nền một số công trình của hộ bà Tích.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn thị trấn đã cắm biển cảnh báo, căng dây, yêu cầu hai hộ trên khẩn trương di dời khỏi khu vực nguy hiểm. Đồng thời chỉ đạo, bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra theo dõi diễn biến vụ sạt lở để kịp thời báo cáo UBND huyện có phương án xử lý.

 Đất đá trong vườn nhà bà Vũ Thị Mỹ bị sạt xuống sát bờ sông Lục Nam, đoạn qua thị trấn An Châu.

Đất đá trong vườn nhà bà Vũ Thị Mỹ bị sạt xuống sát bờ sông Lục Nam, đoạn qua thị trấn An Châu.

Bà Vũ Thị Mỹ cho biết: “Tôi dựng nhà sinh sống ở đây đã hơn 35 năm nhưng lần đầu tiên chứng kiến tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng đến vậy nên rất lo lắng. Hiện cả 4 khẩu trong gia đình tôi phải chuyển đến ở nhờ nhà người quen”.

 Lãnh đạo huyện Sơn Động kiểm tra, nắm bắt tình hình sạt lở đất tại thôn Vá, xã An Bá.

Lãnh đạo huyện Sơn Động kiểm tra, nắm bắt tình hình sạt lở đất tại thôn Vá, xã An Bá.

Tương tự, tại xã An Bá, nhiều ngày nay, gia đình bà Lê Thị Dậu ở thôn Vá “mất ăn mất ngủ” vì lo lắng ngôi nhà hai tầng sẽ bị vùi lấp nếu lớp đất đá khổng lồ ở ngọn đồi phía sau nhà đổ xuống. Những ngày qua, ngọn đồi sau nhà xuất hiện vết nứt lớn, dài khoảng 30 m, rộng khoảng 60 cm, đất lún xuống khoảng 50 cm, có nguy cơ sạt lở nếu mưa lớn tiếp diễn.

 Ngôi nhà của bà Lê Thị Dậu có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Ngôi nhà của bà Lê Thị Dậu có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Để khắc phục tạm thời, chính quyền địa phương đã cắm biển, căng dây cảnh báo, phát quang khu vực sạt lở và phủ một lớp bạt nhằm hạn chế nước chảy vào các khe nứt. Sau khi được chính quyền vận động, gia đình bà Dậu đã tạm thời di dời người và tài sản đến nơi an toàn.

“Ngôi nhà là tài sản lớn cả đời tôi tích cóp mới xây dựng được nhưng nay có nguy cơ bị vùi lấp. Mong chính quyền, cơ quan chuyên môn có giải pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng sạt lở để gia đình có thể yên tâm trở lại nhà sinh sống”, bà Dậu nói.

 Đường lên nhà ga cáp treo Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử (thị trấn Tây Yên Tử) bị sạt lở nghiêm trọng.

Đường lên nhà ga cáp treo Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử (thị trấn Tây Yên Tử) bị sạt lở nghiêm trọng.

Được biết, do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ, không riêng tại thị trấn An Châu, xã An Bá mà tình trạng sạt lở đất còn xảy ra ở nhiều địa bàn khác của huyện Sơn Động như các xã Tuấn Đạo, Yên Định và thị trấn Tây Yên Tử khiến hàng chục hộ dân phải di dời khỏi nhà. Đáng lo ngại, mưa bão đã qua nhiều ngày nhưng các vụ sạt lở vẫn xảy ra.

Theo ông Lê Đức Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Sơn Động, để khắc phục, xử lý sự cố sạt lở đất, địa phương đã cử lực lượng tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến từng sự cố, có phương án bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc, UBND các xã, thị trấn quan tâm bố trí nơi ở tạm, sơ tán những hộ dân đang sinh sống tại khu vực sạt lở, có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn và hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch… cho người dân.

Trong trường hợp cấp thiết có thể sẽ xem xét, tham mưu và đề xuất đầu tư xây dựng khu tái định cư hoặc giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (có thu tiền sử dụng đất) cho các hộ bị ảnh hưởng nghiêm trọng để ổn định đời sống nhân dân.

Ngoài ra, huyện yêu cầu các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn tiếp tục kiểm tra, rà soát nhằm kịp thời phát hiện sớm các điểm có nguy cơ sạt lở; lắp đặt biển cảnh báo khu vực nguy hiểm, cắm tiêu, mốc để quan trắc khe nứt, cung sạt trượt. Trước mắt dùng bạt che các vết nứt để hạn chế, không cho nước mưa chảy vào khe nứt và chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện, thiết bị để chủ động, sẵn sàng xử lý các tình huống.

Trong bối cảnh mưa lũ được dự báo còn diễn biến phức tạp, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Sơn Động tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đến người dân những dấu hiệu nhận biết nguy cơ sạt lở đất; khuyến cáo hộ dân thường xuyên kiểm tra khu vực xung quanh nơi ở, khi phát hiện các dấu hiệu bất thường cần kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương và di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm, đặc biệt là trong trường hợp mưa lớn kéo dài.

Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/son-dong-tiep-tuc-sat-lo-dat-anh-huong-den-nhieu-ho-dan-085157.bbg