Sơn Động xây dựng cơ sở vật chất trường học: Ưu tiên các công trình cấp thiết

Huyện Sơn Động đang tập trung đầu tư cơ sở vật chất, tháo gỡ khó khăn cho những nơi trường lớp chật hẹp, quy mô học sinh đông để bảo đảm tiêu chí đạt chuẩn quốc gia. Tranh thủ thời gian học sinh nghỉ hè, các đơn vị thi công huy động nhân lực đẩy nhanh tiến độ, sớm bàn giao công trình.

Cấp ủy, chính quyền vào cuộc

Quyết tâm tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh đến trường, giai đoạn 2021-2025, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Chỉ thị số 07-CT/HU ngày 28/4/2021 tập trung lãnh đạo công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện. Năm 2020, toàn huyện có 81,7% trường chuẩn quốc gia; phấn đấu đến năm 2025 đạt 95% trở lên. Thực hiện Chỉ thị, ngày 31/5/2021, UBND huyện ban hành Kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025. Theo đó, huyện ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho các trường nằm trong lộ trình đạt chuẩn quốc gia, nơi có đông học sinh. Yêu cầu các xã, thị trấn quan tâm mở rộng diện tích đối với những trường nhỏ để bảo đảm theo quy định hiện hành. Tiếp tục xóa điểm lẻ, đưa học sinh về trường chính để các em có môi trường học tập rèn luyện tốt hơn.

 Trường Tiểu học và THCS Hữu Sản đạt chuẩn quốc gia.

Trường Tiểu học và THCS Hữu Sản đạt chuẩn quốc gia.

Ông Chu Bá Hưng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện cho biết: “Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 07, Sơn Động đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, đã huy động hơn 400 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy và học. 8 trường được công nhận mới đạt chuẩn quốc gia, đạt 200% mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 và đạt 100% Kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025, sớm hơn 1 năm so với mục tiêu Chỉ thị số 07-CT/HU đề ra. Toàn huyện có 3 trường đủ nâng chuẩn từ mức 1 lên mức 2; 10 trường được công nhận lại chuẩn quốc gia".

Toàn huyện có thêm 8 trường được công nhận mới đạt chuẩn quốc gia, đạt 200% mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 và đạt 100% Kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025, sớm hơn 1 năm so với mục tiêu Chỉ thị số 07-CT/HU đề ra.

Đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 98,6%, cao hơn 5,2% so với tháng 3/2021; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia mức độ 1 đạt 95%, tương đương tỷ lệ bình quân của toàn tỉnh. Trong đó, bậc mầm non có 21/22 trường đạt chuẩn quốc gia; tiểu học có 15/15 trường; THCS có 21/23 trường. Nhìn chung, các cơ sở xây mới thiết kế khang trang, phù hợp với xu hướng gia tăng số học sinh của địa phương, đồng thời bám sát tiêu chí trường chuẩn quốc gia.

Tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển GD&ĐT, vừa qua, HĐND huyện ban hành Nghị quyết xây mới Trường THCS Vĩnh An với tổng mức đầu tư hơn 69 tỷ đồng (ngân sách tỉnh hỗ trợ 50 tỷ đồng, còn lại là ngân sách huyện), thực hiện trong 2 năm 2024 và 2025. Ông Khúc Trường Sinh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện cho biết, đây là công trình hiện đại quy mô lớn nhất trong hệ thống các trường THCS trên địa bàn được xây mới toàn bộ với diện tích 2 ha tại thôn Chào. Theo thiết kế, trường mới có các hạng mục nhà lớp học 3 tầng (18 phòng), nhà lớp học bộ môn 3 tầng (13 phòng), nhà hiệu bộ, thư viện 3 tầng... theo các tiêu chí trường chuẩn quốc gia mức độ 2. Hiện đơn vị đang tích cực tham mưu cho UBND huyện đẩy nhanh tiến độ đấu thầu thực hiện dự án xây dựng, bảo đảm tiến độ theo kế hoạch.

Kiểm điểm tiến độ thường xuyên

Nhờ ưu tiên nguồn lực, hàng loạt trường học trên địa bàn đã được cải tạo, nâng cấp. Trên công trình xây dựng, cải tạo Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Dương Hưu đang có hàng chục công nhân thi công. Với tổng mức đầu tư hơn 37 tỷ đồng từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trường được xây mới dãy nhà lớp học 3 tầng với 20 phòng, cải tạo và nâng cấp nhà ở bán trú 2 tầng, xây nhà đa năng và các công trình phụ trợ.

Ông Hoàng Quang Vịnh, cán bộ kỹ thuật của Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Đông An - đơn vị thi công thông tin, những ngày học sinh nghỉ hè, đơn vị huy động hơn 60 cán bộ kỹ thuật, công nhân thi công liên tục kể cả ngày nghỉ. Hiện nay, nhà ở bán trú đã thi công đạt 60% khối lượng, đơn vị thi công phấn đấu bàn giao cho chủ đầu tư và nhà trường tiếp nhận, đưa vào sử dụng ngay đầu năm học tới; các hạng mục còn lại hoàn thành trong năm 2025.

Thầy giáo Ngô Văn Chiến, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Những năm học trước, khu bán trú là một dãy nhà cấp 4, mái lợp tôn. Do thiếu phòng nên nhiều em nhà xa có nhu cầu mà không được ở lại. Giải quyết nhu cầu cấp thiết, huyện cải tạo thành khối nhà 2 tầng với 22 phòng, có đầy đủ phòng ở, khu vệ sinh, hệ thống điện, nước. Khi hoàn thành đáp ứng nhu cầu ở lại cho gần 200 học sinh". Xác định công trình xây dựng, cải tạo Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Dương Hưu là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, đáp ứng niềm mong đợi của người dân nên trước đó, trường được mở rộng thêm 5 nghìn m2, nâng tổng diện tích toàn trường lên gần 10 nghìn m2, bảo đảm tiêu chí trường chuẩn quốc gia.

Cùng thời gian này, trên địa bàn huyện còn có nhiều công trình, dự án xây dựng trường, lớp mới. Điểm nhấn nổi bật trên các công trình là thiết kế xây dựng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, bám sát tiêu chí trường chuẩn quốc gia do Bộ GD&ĐT quy định. Năm học 2024-2025, toàn huyện dự kiến đưa vào sử dụng 73 phòng học, phòng chức năng mới, khắc phục tình trạng thiếu phòng học, nơi sinh hoạt bán trú cho học sinh vùng dân tộc, tạo cảnh quan môi trường thân thiện.

Dù đạt được kết quả tích cực song trên địa bàn vẫn còn 3 trường chưa đạt chuẩn quốc gia là THCS Vĩnh An, Tiểu học và THCS Phúc Sơn số 2, Mầm non thị trấn Tây Yên Tử. Một số trường trước đây đã đạt chuẩn, nay đến thời gian công nhận lại (quy định là 5 năm) song chưa bảo đảm về cơ sở vật chất. Huyện xác định hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng chuẩn hóa là giải pháp căn bản để thầy và trò các nhà trường thi đua dạy và học, từng bước thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục với miền xuôi.

Đồng chí Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động cho biết: "UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn thường xuyên quán triệt Chỉ thị số 07 của Ban Thường vụ Huyện ủy, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ đề ra về xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025. Với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt đó là ưu tiên các hạng mục, công trình cấp thiết ở những vùng khó khăn, cơ sở vật chất thiếu, quy mô học sinh đông, trường nằm trong kế hoạch đạt chuẩn quốc gia, trước mắt huyện đang tập trung tháo gỡ vướng mắc về quy hoạch sử dụng đất đai; lồng ghép với các nguồn lực từ ngân sách và xã hội hóa, kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tài trợ để bảo đảm kinh phí xây dựng các công trình". UBND huyện chỉ đạo đơn vị chuyên môn phân công cán bộ thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, báo cáo tiến độ thực hiện hằng tháng để kịp thời nắm bắt, chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc.

Bài, ảnh: Mai Toan

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/son-dong-xay-dung-co-so-vat-chat-truong-hoc-uu-tien-cac-cong-trinh-cap-thiet-103935.bbg