Sơn Dương: Chăm sóc lúa mùa

Vụ mùa năm nay, huyện Sơn Dương gieo cấy 6.280,7 ha lúa, trong đó lúa thuần 4.391,9 ha, còn lại là lúa lai. Thời điểm này, nông dân trong huyện đã chuyển trọng tâm sang chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa.

Để kịp làm vụ đông, ngay trong tháng 6 vừa qua, toàn bộ 315 ha lúa mùa đã được người dân xã Ninh Lai gieo cấy xong, với các giống lúa thuần KM18, BC15, LTh31… Hiện người dân đã thực hiện bón phân đợt 1, lúa đã bén rễ, đẻ nhánh mạnh, một số diện tích xuất hiện ốc bươu vàng nhẹ, người dân đang chủ động diệt trừ bằng phương pháp thủ công. Theo chị Hoàng Thị Quyên, cán bộ khuyến nông phụ trách địa bàn xã Ninh Lai, do thời tiết nắng mưa xen kẽ nên đã xuất hiện sâu cuốn lá, khô vằn, vàng nghẹt lúa trên diện tích nhỏ. Hiện ngành chức năng đang thường xuyên theo dõi ruộng đồng, hướng dẫn người dân phun thuốc phòng trừ sâu bệnh.

Người dân thôn Đồng Luộc, xã Phúc Ứng (Sơn Dương) làm cỏ lúa mùa.

Người dân thôn Đồng Luộc, xã Phúc Ứng (Sơn Dương) làm cỏ lúa mùa.

Xã Thiện Kế vụ này gieo cấy 271 ha lúa, chủ yếu là trà chính vụ, trong đó lúa thuần 200 ha với các giống lúa chất lượng cao như Hương thơm, KM 18, BC15… Những năm gần đây, người dân trong xã đã áp dụng hình thức gieo sạ tại các chân ruộng cao có thể điều tiết được nước với gần 60 ha. Ông Trần Văn Nhân, thôn Thai Bạ, xã Thiện Kế cho biết, những năm gần đây gia đình chủ động gieo sạ trên 4 sào, so với cấy thì gieo sạ giảm nhiều công lao động, thời gian sinh trưởng của lúa được rút ngắn từ 7 - 10 ngày, năng suất lúa đạt trung bình từ 1,8 - 2,3 tạ/sào. Hiện lúa đang trong thời kỳ bén rễ phát triển, thời tiết nóng ẩm sau những ngày mưa là điều kiện thuận lợi để sâu bệnh phát triển. Mặc dù diện tích lúa của gia đình chưa xuất hiện dịch bệnh, nhưng trên địa bàn xã đã xuất hiện bệnh đạo ôn, vàng lá, vì vậy gia đình đã chủ động bón phân tăng cường sức đề kháng cho cây lúa.

Theo ông Phạm Hữu Tân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, để sớm hoàn thành kế hoạch sản xuất vụ mùa, ngay từ đầu vụ, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thôn tuân thủ nghiêm lịch thời vụ, không gieo cấy quá sớm hoặc quá muộn sẽ tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển, gây hại. Đồng thời, vận động người dân tập trung khơi thông dòng chảy, điều tiết nước hợp lý và thăm đồng thường xuyên để phát hiện các loại dịch bệnh. Do thời tiết thuận lợi nên vụ mùa năm nay người dân chủ động gieo cấy tăng diện tích trà sớm, đến ngày 25-6 có 29 xã hoàn thành gieo cấy 2.800 ha lúa trà sớm tập trung tại các xã phía nam huyện có truyền thống làm vụ đông và các xã dọc sông Lô. Nét mới trong sản xuất vụ mùa năm nay là tiến độ gieo cấy nhanh do người dân đã chủ động áp dụng cơ giới hóa vào khâu làm đất; do thuận lợi về nguồn nước nên người dân tăng diện tích gieo sạ khoảng 400 ha.

Vụ mùa này, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương thực hiện mô hình sản xuất gạo hữu cơ 3 ha tại xã Tân Trào với 9 hộ tham gia. Giống được sử dụng là Đài thơm 8 được gieo sạ với quy trình chăm sóc không dùng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Gia đình bà Luân Thị Tươi, thôn Tân Lập, xã Tân Trào có 2 sào tham gia mô hình sản xuất lúa hữu cơ bằng giống lúa Đài thơm, gia đình bà được hỗ trợ 1 phần giống. Được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật và sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông nên lúa của gia đình bà mọc đều, hiện gia đình tập trung chăm sóc lúa.

Để vụ mùa đạt kết quả cao, các ngành chức năng huyện Sơn Dương đang tăng cường công tác tuyên truyền người dân thường xuyên theo dõi tình hình sinh trưởng của cây lúa, nắm bắt, dự báo diễn biến phát sinh của sâu bệnh hại để kịp thời phòng ngừa.

Bài, ảnh: Cao Huy

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/son-duong-cham-soc-lua-mua-119907.html