Sơn Dương đưa giống cây trồng mới vào sản xuất

Thời gian qua, huyện Sơn Dương đã đưa các giống cây mới vào trồng bước đầu đạt kết quả khả quan, mang lại giá trị kinh tế cho người dân.

Năm 2019 xã Hợp Hòa đưa cây cà gai leo vào trồng thử nghiệm, đến nay đã có khoảng 10 ha cà gai leo đang cho thu hoạch. Anh Lăng Văn Nghị, thôn Tân Trào, xã Hợp Hòa cho biết, từ dự án của xã, gia đình anh đăng ký mua giống về trồng xen canh với 10 sào đất vườn trồng nhãn. Sau 6 tháng chăm sóc cây cho thu hoạch, với hơn 10 sào cà gai leo gia đình anh thu hơn 1 tấn cây khô, bán với giá 42.000 đồng/kg, trừ chi phí thu lãi 30 triệu đồng. Ngay khi thu hoạch xong lứa đầu gia đình tiến hành chăm sóc bón phân cho gốc để sau 3 tháng cây lại cho thu hoạch. Theo anh Nghị, cây cà gai leo dễ trồng, hợp nhiều chất đất, chỉ tốn chi phí giống năm đầu, cây cho thu hoạch trong 3 năm. Cây cà gai leo còn được một công ty ký hợp đồng bao tiêu, về tận thôn thu mua sản phẩm nên người dân yên tâm sản xuất.

Người dân xã Hợp Hòa (Sơn Dương) thu hoạch cây cà gai leo.

Người dân xã Hợp Hòa (Sơn Dương) thu hoạch cây cà gai leo.

Trong 2 năm trở lại đây người dân xã Tuân Lộ tận dụng diện tích đất vườn tạp, soi bãi trồng cây chanh Nhật. Đây là cây trồng mới được HTX Nông nghiệp Việt Nhật AMS cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật, đồng thời ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ quả trong cả vòng đời của cây chanh. Ông Nguyễn Doanh Đoan, Chủ tịch UBND xã Tuân Lộ cho biết, hiện người dân đã trồng được 12 ha cây cây chanh Nhật, năm 2019 sẽ trồng thêm 30 ha. Chanh Nhật là cây trồng dài ngày, cây từ 3 năm trở lên mới cho thu hoạch, nên xã khuyến khích người dân trồng xen canh với các cây trồng ngắn ngày để người dân có thu nhập.

Cây sắn dây đã được người dân tổ dân phố Măng Ngọt, thị trấn Sơn Dương “nâng cấp” trở thành thương hiệu nhờ chất lượng sản phẩm sạch, thơm ngon được nhiều người biết đến, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng. Các hộ đã liên kết thành lập HTX chế biến tinh bột sắn dây Thục Sơn, tinh bột sắn dây đã trở thành sản phẩm hàng hóa có thương hiệu. Ông Lê Đăng Thường, tổ dân phố Măng Ngọt, thị trấn Sơn Dương cho biết, gia đình ông trồng hơn 100 gốc sắn dây, mỗi năm chế biến được từ 700 - 800 kg tinh bột thành phẩm, bán với giá 120.000 - 150.000 đồng/kg, trừ chi phí thu lãi từ 50 - 70 triệu đồng. Để tiếp tục phát triển thương hiệu sản phẩm tinh bột sắn dây, UBND huyện Sơn Dương đã xây dựng đề án phát triển sản phẩm tinh bột sắn dây đến năm 2025 trở thành sản phẩm đặc trưng của huyện với diện tích vùng nguyên liệu khoảng 300 ha. Hiện nay, cây sắn dây được người dân các xã Tú Thịnh, Hợp Thành, Kháng Nhật, Bình Yên, Lương Thiện… trồng nhân rộng.

Kết quả thực tế từ những mô hình cây trồng mới tại Sơn Dương đã mở ra tiềm năng, cơ hội cho người nông dân nâng cao thu nhập, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa tập trung, hiệu quả, bền vững.

Bài, ảnh: Cao Huy

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/son-duong-dua-giong-cay-trong-moi-vao-san-xuat-119229.html