Sơn Dương phát huy tiềm năng, lợi thế, tăng tốc phát triển

Đón xuân mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Sơn Dương phấn khởi hơn bởi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, trong đó nổi bật là thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; nâng cấp nhiều tuyến đường huyết mạch của huyện, vượt thu ngân sách… Thành công này đã khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Tạo môi trường đầu tư thuận lợi

Nhằm thu hút, khuyến khích các nhà doanh nghiệp, đầu tư vào các dự án sản xuất, kinh doanh, tạo động lực cho phát triển kinh tế địa phương, những năm qua, huyện Sơn Dương đã tích cực, chủ động thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao trách nhiệm công vụ, vận dụng các chính sách hỗ trợ của nhà nước, của tỉnh để mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh trên địa bàn hoạt động.

Đánh giá điều kiện kinh tế - xã hội, hạ tầng cơ sở (giao thông, giáo dục, văn hóa, y tế, xây dựng nông thôn mới…), nguồn vốn đầu tư, huyện chủ động quy hoạch, bước đầu xây dựng hạ tầng để hình thành 07 khu kinh tế gắn với tiềm năng, thế mạnh của huyện về phát triển công nghiệp, thương mại, nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp hữu cơ, phát triển du lịch.

Người dân làng nghề chè thôn Đồng Đài, xã Hợp Thành (Sơn Dương) thu hái chè. Ảnh: Cao Huy

Người dân làng nghề chè thôn Đồng Đài, xã Hợp Thành (Sơn Dương) thu hái chè. Ảnh: Cao Huy

Lãnh đạo huyện đã chủ động báo cáo lãnh đạo tỉnh quan tâm mời gọi, thu hút các doanh nghiệp, các nguồn vốn đầu tư vào huyện; tranh thủ nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, các bộ, ban, ngành, của tỉnh, nguồn nội lực của huyện (bán đấu giá quyền sử dụng đất), nguồn vốn của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội hóa từ cộng đồng dân cư để phát triển. Huyện đã giao cho cơ quan chuyên môn lập các thủ tục đầu tư giúp nhà đầu tư và tham mưu cho UBND huyện liên hệ với các sở, ngành để đồng hành cùng các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư tại tỉnh, huyện.

Một trong những việc huyện tập trung giải quyết tốt là công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để bàn giao cho các nhà đầu tư. Điển hình tại Cụm công nghiệp Phúc Ứng, trong năm 2019, huyện đã phối hợp với chủ đầu tư hoàn thành giải phóng mặt bằng về đất và tài sản trên đất đối với diện tích 5 ha theo quy hoạch, giúp Công ty TNHH Một thành viên giày da Phúc Sinh xây dựng nhà máy và đi vào sản xuất. Thấy được sự quyết liệt của cấp ủy, chính quyền huyện Sơn Dương trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, nhiều nhà đầu tư đã đến khảo sát và quyết định đầu tư.

Trong năm 2019, toàn huyện đã mời gọi, thu hút được 10 dự án công nghiệp với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 1.264,6 tỷ đồng, tập trung chủ yếu tại Cụm công nghiệp Phúc Ứng với 6 dự án đầu tư, tổng số vốn đăng ký là 649,6 tỷ đồng gồm: Nhà máy giày da Phúc Sinh, tổng số vốn đầu tư 86 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất bao bì của công ty TNHH Hitarp Việt Nam (vốn FDI Hàn Quốc) tổng mức đầu tư 103 tỷ đồng, Công ty TNHH bao bì DHT tổng vốn đăng ký 45 tỷ đồng; Công ty Woojin Vina KOREA (vốn FDI Hàn Quốc) tổng vốn đầu tư 40 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất tai nghe của Công ty TNHH FOS (vốn FDI Hồng Kông) với số vốn đăng ký 96,6 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất giày xuất khẩu Kiến Xương Tuyên Quang của Công ty Hữu hạn An Giai (vốn FDI Samoa), tổng mức đầu tư 279 tỷ đồng. Dự kiến các nhà máy sẽ đi vào hoạt động trong năm 2020 và tạo việc làm cho trên 7.000 lao động với mức thu nhập từ 5 - 8 triệu đồng/người/tháng; tạo ra nguồn thu cho xã hội khoảng 600 tỷ đồng/năm; giá trị sản xuất công nghiệp toàn huyện tăng thêm khoảng 1.800 tỷ đồng.

Công nhân Công ty TNHH Long Hà, xã Hợp Thành (Sơn Dương) may quần áo thời trang xuất khẩu.

Công nhân Công ty TNHH Long Hà, xã Hợp Thành (Sơn Dương) may quần áo thời trang xuất khẩu.

Bà Hoàng Thị Hoan, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên giày da Phúc Sinh cho biết, trong quá trình đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất giày da tại Cụm công nghiệp Phúc Ứng, công ty được UBND tỉnh Tuyên Quang, các sở, ngành, UBND huyện Sơn Dương tạo điều kiện hoàn thiện thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường, giải phóng mặt bằng nên tiến độ công trình được đẩy nhanh. Bên cạnh đó, việc kê khai thuế được thực hiện đơn giản thông qua phần mềm điện tử, doanh nghiệp không cần đến cơ quan thuế mà vẫn dễ dàng nộp thuế đầy đủ. Điều này đã giúp đơn vị tiếp cận với các chính sách thuế dễ dàng hơn và thực hiện nghĩa vụ thuế nhanh chóng, thuận tiện hơn. Hiện công ty đã hoàn thành xây dựng nhà xưởng giai đoạn 1 và đi vào hoạt động, tuyển dụng, đào tạo nghề cho 500 lao động địa phương với mức phụ cấp học nghề trên 3,5 đến 4 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến đến năm 2020, công ty sẽ tuyển 1.200 lao động vào làm việc tại nhà máy và tiếp tục đầu tư xây dựng nhà xưởng giai đoạn 2.

Đến nay, toàn huyện có Khu công nghiệp Sơn Nam, diện tích 150 ha (tỷ lệ lấp đầy 30%); Cụm công nghiệp Phúc Ứng diện tích 75 ha (tỷ lệ lấp đầy 75%). Toàn huyện hiện có 213 doanh nghiệp hoạt động, 3.174 hộ kinh doanh cá thể, tạo việc làm cho gần 20.000 lao động với thu nhập bình quân 4 đến 6 triệu đồng/người/tháng; đóng góp cho ngân sách huyện trên 40 tỷ đồng tiền thuế/năm.

Đầu tư theo hướng nâng cao giá trị gia tăng

Cùng với thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, huyện Sơn Dương chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và sản xuất nông nghiệp hữu cơ để nâng cao giá trị các cây trồng, vật nuôi. Năm 2019, giá mía đường xuống thấp, vùng nguyên liệu mía giảm, huyện đã chủ động tìm kiếm các sản phẩm nông nghiệp bổ sung, thay thế và bước đầu nhân rộng sản xuất như: Cây Chanh Nhật với diện tích 42 ha (dự kiến khi thu hoạch cho thu nhập khoảng 300 - 400 triệu đồng/năm/ha); cây dược liệu cà gai leo diện tích 25 ha (thu nhập khoảng 150 triệu đồng/ha); sắn dây 30 ha (thu nhập khoảng 300 triệu đồng/ha); cây lạc với diện tích 20 ha, hoa nhài, trồng rau thủy canh, rau nhà lưới, nấm ăn, dự án chăn nuôi lợn VietGAP, chăn nuôi gà an toàn sinh học... cho hiệu quả kinh tế cao.

Người dân xã Lâm Xuyên (Sơn Dương) chăm sóc lạc. Ảnh: Cao Lâm

Người dân xã Lâm Xuyên (Sơn Dương) chăm sóc lạc. Ảnh: Cao Lâm

Thực hiện cấp chứng chỉ rừng FSC tại xã Cấp Tiến và Tú Thịnh với diện tích trên 1.800 ha; đang thực hiện rà soát để cấp thêm trên 2.959 ha, sau khi được cấp chứng chỉ, giá trị gỗ rừng trồng tăng 10 - 15%; triển khai xây dựng mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại xã Tân Trào, với diện tích 3 ha; trồng chè hữu cơ tại xã Trung Yên với diện tích 3 ha, tại xã Hợp Thành 3 ha; các sản phẩm gạo, chè hữu cơ đã được cấp chứng nhận, giá bán tăng từ 3 đến 4 lần so với sản xuất thông thường.

Để tiếp tục nâng cao giá trị sử dụng đất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tập trung, nâng cao giá trị, huyện Sơn Dương tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất hàng hóa đang triển khai như: Mô hình trồng lạc tại Lâm Xuyên, mô hình trồng Chanh Nhật tại Tuân Lộ, mô hình trồng hoa nhài, cà gai leo, chè hữu cơ, gạo hữu cơ, các mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP... gắn với xây dựng các nhà máy chế biến thành phẩm để nâng cao giá trị, đồng thời cung cấp sản phẩm cho các tập đoàn lớn, các siêu thị...

Đồng chí Phạm Văn Lương, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương cho biết: Được sự quan tâm, giúp đỡ của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ban, ngành tỉnh, với tinh thần đoàn kết, thống nhất, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến các xã, thị trấn đã chủ động, quyết liệt trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; khai thác tiềm năng, nguồn lực để đầu tư phát triển; ban hành các kế hoạch chuyên đề ngay từ đầu năm và tổ chức chỉ đạo điều hành thống nhất từ huyện đến các xã, thị trấn theo kế hoạch đã ban hành. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của huyện năm 2019 đạt và cao hơn năm trước là kết quả quan trọng để huyện Sơn Dương “về đích” hoàn thành các mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020, xây dựng Sơn Dương trở thành huyện phát triển khá của tỉnh Tuyên Quang.

KẾT QUẢ NỔI BẬT NĂM 2019 HUYỆN SƠN DƯƠNG

- Giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 6.045 tỷ đồng, đạt 110,8 % kế hoạch.
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa 2.560 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch.
- Thu ngân sách 164 tỷ đồng, đạt trên 118% kế hoạch.
- Thu hút 761.000 lượt khách du lịch, đạt 101,9% kế hoạch.
- Tạo việc làm mới 5.646 người, đạt 119,9% kế hoạch.
- Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 9,31%, vượt 1% kế hoạch.
- Hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở 2 xã Cấp Tiến, Vĩnh Lợi.
- Nhựa hóa, bê tông hóa 87,4 km đường giao thông; xây dựng 5 trụ sở xã; 37 trường học; 6 trạm y tế.
- Thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 33 triệu đồng/người/năm, đạt 100% kế hoạch, tăng 3 triệu đồng so với 2018.

Trang Tâm

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/son-duong-phat-huy-tiem-nang-loi-the-tang-toc-phat-trien-127377.html