Sơn Dương phòng, chống thiên tai
Sơn Dương có hệ thống sông, suối, hồ, đập dày đặc, hàng năm chịu tác động không nhỏ từ các trận mưa lũ. Để chủ động ứng phó, huyện đã tăng cường triển khai công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Sơn Dương chịu nhiều đợt thiên tai ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp cũng như tài sản của người dân. Trận mưa đá xảy ra vào ngày 14-4 và mưa lớn ngày 29-4 vừa qua đã làm một số ngôi nhà tại xã Tân Trào bị thiệt hại; hơn 5 ha lúa và gần 40 ha ngô của 2 xã Tân Trào, Cấp Tiến bị đổ, gãy; gây sạt lở nhiều đoạn đê sông Lô từ xã Vĩnh Lợi đến Lâm Xuyên. Trước tình trạng này, huyện đã triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai, bảo đảm ổn định đời sống, sản xuất của người dân.
Ông Phạm Hữu Tân, Trưởng Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, rút kinh nghiệm những thiệt hại do thiên tai gây ra trong thời gian trước, ngay khi bước vào mùa mưa năm nay, các đơn vị, địa phương đã khẩn trương triển khai phương án phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, trong đó tập trung thực hiện các nhiệm vụ: Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của đơn vị, cơ sở; chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, lực lượng cần thiết để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có thiên tai xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”; tổ chức diễn tập ứng phó bão lũ và tìm kiếm cứu nạn.
Huyện rà soát, vận động 4 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm di dời đến nơi ở mới. Huyện có 72 công trình thủy lợi của 25 xã bị hư hỏng cần sửa chữa. Năm 2019, huyện hoàn thành sửa chữa 10 cống dưới đê các xã dọc sông Lô và 1 công trình đập dâng phục vụ tưới tiêu. Ông Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Thiện Kế cho biết, phai Tam Chốc, xã Thiện Kế lấy nước từ suối tưới tiêu cho 33 ha đất nông nghiệp của 3 thôn: Thiện Tân, Thai Bạ, Cầu Xi. Là phai tạm nên cứ đến mùa mưa lũ phai bị hư hỏng ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Năm 2019, tỉnh đầu tư sửa chữa, nâng cấp phai Tam Chốc, đến nay công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đảm bảo việc tưới tiêu phục vụ sản xuất của người dân.
Huyện đã phối hợp với ngành Nông nghiệp tỉnh tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng đê và cống dưới đê để có biện pháp tu bổ kịp thời, không để xảy ra vỡ đê do nước lũ. Đồng thời, tích cực thông tin tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân chủ động phối hợp phòng, chống lụt bão tại địa phương, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản trước diễn biến phức tạp của thời tiết.