Sơn La đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số

Thực hiện 'Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030' theo Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Sơn La ban hành Kế hoạch số 194/KH-UBND ngày 5/10/2020 về 'Chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030'. Phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Phạm Quốc Chinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông về vấn đề này.

Phóng viên Báo Sơn La phỏng vấn đồng chí Phạm Quốc Chinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông.

Phóng viên Báo Sơn La phỏng vấn đồng chí Phạm Quốc Chinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông.

PV: Đồng chí cho biết mục đích, ý nghĩa của việc chuyển đổi số?

Đồng chí Phạm Quốc Chinh: Chuyển đổi số là quá trình số hóa các hoạt động, dữ liệu thông tin trong mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội trên môi trường mạng. Quá trình này giúp mọi người tiếp cận thông tin nhiều hơn, rút ngắn về khoảng cách, thu hẹp về không gian, tiết kiệm về thời gian trong việc thực hiện các giao dịch. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng thì việc chuyển đổi số là xu hướng tất yếu. Tại tỉnh ta, quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ từ khi UBND tỉnh quyết định triển khai xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh trên cơ sở đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin, coi đây vừa là nền tảng quan trọng, vừa là nguồn lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

PV: Để tiến hành chuyển đổi số, tỉnh Sơn La đã có sự chuẩn bị như thế nào về hạ tầng số và công nghệ thông tin?

Đồng chí Phạm Quốc Chinh: Những năm qua, cùng với việc xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, như: Trung tâm tích hợp dữ liệu, hệ thống mạng chuyên dùng, trục tích hợp, chia sẻ dữ liệu; các hệ thống thông tin phục vụ điều hành của tỉnh (Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thông tin báo cáo, cổng dịch vụ công trực tuyến, hệ thống một cửa điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp...). Hiện nay, hạ tầng viễn thông băng thông rộng đã được các doanh nghiệp viễn thông triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng được tiến trình chuyển đổi số.

PV: Theo lộ trình, việc chuyển đổi số sẽ tập trung ưu tiên vào lĩnh vực nào; những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn hiện nay?

Đồng chí Phạm Quốc Chinh: Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tham mưu với UBND tỉnh trình Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh, triển khai công tác chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 để tạo căn cứ pháp lý cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện. Trước mắt tập trung chuyển đổi số cho một lĩnh vực then chốt của tỉnh, phục vụ cho người dân, doanh nghiệp, như: Cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, y tế, giáo dục, tài nguyên môi trường, nông nghiệp công nghệ cao...

Tuy nhiên, hiện nay, việc chuyển đổi số đòi hỏi phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa đổi mới về cơ chế, chính sách và tư duy, nhận thức của con người với việc phát triển đồng bộ hạ tầng, công nghệ tiên tiến và ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực. Thực tế cho thấy, một số các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vẫn “thờ ơ” với việc chuyển đổi số; nhận thức, sự quyết tâm vào cuộc của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về chính quyền điện tử, chuyển đổi số còn chưa đồng đều. Cùng với đó, nguồn nhân lực công nghệ thông tin, ứng dụng kỹ năng số trong thực thi công vụ còn hạn chế, nhất là cán bộ ở các xã vùng sâu, vùng xa.

PV: Những giải pháp của ngành Thông tin & Truyền thông để có thể tiến hành chuyển đổi số thành công trên địa bàn tỉnh thời gian tới là gì?

Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh Sơn La đi vào hoạt động góp phần thực hiện quá trình chuyển đổi số.

Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh Sơn La đi vào hoạt động góp phần thực hiện quá trình chuyển đổi số.

Đồng chí Phạm Quốc Chinh: Trong thời gian tới, Sở Thông tin & Truyền thông sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số, nhất là với người đứng đầu các sở, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, địa bàn mình phụ trách; nâng cấp hạ tầng kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin cho các cơ quan nhà nước; hoàn thiện hệ thống cổng dịch vụ công của tỉnh kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia; chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ, quy trình xử lý hồ sơ, biểu mẫu, chế độ báo cáo trên môi trường mạng; tăng cường gửi, nhận văn bản, báo cáo điện tử tích hợp chữ ký số giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và các doanh nghiệp; thực hiện số hóa hồ sơ, lưu trữ điện tử hồ sơ công việc của các cơ quan nhà nước theo quy định...

Bên cạnh đó, tập trung xây dựng, phát triển hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT), các hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành; xây dựng lộ trình và triển khai tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số vào các hạ tầng thiết yếu như: Y tế, giáo dục đào tạo, giao thông vận tải, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng, điện, nước, đô thị để chuyển đổi thành một bộ phận cấu thành quan trọng của hạ tầng số... góp phần đẩy mạnh và hoàn thành công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Thanh Huyền (thực hiện)

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/son-la-day-nhanh-tien-trinh-chuyen-doi-so-38677