Sơn La: Phát huy vai trò người cao tuổi, người có uy tín trong thôn bản
Người cao tuổi, người có uy tín trong thôn bản ở Sơn La đang trở thành 'cầu nối' giữa nhân dân với Đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc các cấp.
Xã Phổng Lăng (huyện Thuận Châu, Sơn La) là nơi sinh sống của đông đảo đồng bào người dân tộc Thái. 13 bản của xã đều có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, có tới 10% hộ nghèo. Bà con chủ yếu canh tác nông lâm nghiệp, thu nhập thấp.
Ông Lò Văn Quốc - Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Phổng Lăng nhiều năm nay là người có uy tín trong xã. Ông Quốc luôn phát huy tinh thần tuổi cao gương sáng, là một trong những người thường xuyên đến vận động các hộ gia đình phát triển kinh tế, giúp đỡ những người cao tuổi khó khăn, phát triển các câu lạc bộ liên thế hệ cùng nhau phát triển kinh tế, bảo đảm công tác phòng chống tội phạm trên địa bàn.
Ông cũng là người tích cực hưởng ứng thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Phong trào khuyến học, khuyến tài”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”, “Xóa nhà tạm, áo ấm người cao tuổi, trợ giúp người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn”.
Thời gian qua, ông Quốc cũng trực tiếp phối hợp với cán bộ trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện để tổ chức khám, tư vấn sức khỏe cho các hội viên người cao tuổi ở 13 bản. Ông chia sẻ, mỗi năm có hơn 2.000 lượt người dân được khám chữa bệnh.
Ông Vừ Sáy Chứ, Trưởng Ban công tác Mặt trận bản Pha Khuông (xã Co Mạ, huyện Thuận Châu) cũng là một người có uy tín trong bản.
Ông Chứ cho biết, người dân bản Pha Khuông 100% là đồng bào dân tộc Mông. Người dân ở đây có nhiều hủ tục lạc hậu như tảo hôn, thách cưới, người chết để trong nhà nhiều ngày rồi liên hoan kéo dài mất an toàn vệ sinh thực phẩm, sinh con tại nhà.
Vì vậy, gia đình, dòng họ Vừ của ông Chứ đã thực hiện trước việc xóa bỏ các hủ tục, sau đó vận động và tuyên truyền bà con trong bản làm theo. Nhờ đó, người dân bản đã đồng thuận và thực hiện xóa bỏ nhiều hủ tục, biết giữ gìn sức khỏe.
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở xã Co Mạ, ông Chứ cũng vận động bà con nhân dân góp tiền, hiến đất, ngày công lao động để cùng nhau đổ đường bê tông, xây dựng nhà văn hóa bản với số tiền hàng tỷ đồng. Nhờ đó, diện mạo của bản Pha Khuông ngày càng khởi sắc.
Huyện Thuận Châu có 381 người có uy tín bao gồm: Già làng, bí thư chi bộ, trưởng bản, cán bộ nghỉ hưu, người sản xuất, kinh doanh giỏi, người cao tuổi... được cộng đồng tín nhiệm.
Nhiều người có uy tín đã tích cực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, có những người dù tuổi cao nhưng họ vẫn nhiệt huyết tham gia công tác làm cầu nối giữa nhân dân với chính quyền, các tổ chức xã hội, qua đó phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc.
Những người cao tuổi, người có uy tín trong địa phương thường xuyên phối hợp tuyên truyền phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong cuộc vận động toàn dân xây dựng nông thôn mới, họ đã vận động người dân hiến 77ha đất, hoa màu và góp hơn 310.000 ngày công lao động, tiền mặt để xây dựng nông thôn mới.
Người có uy tín cũng tích cực tham gia phát triển kinh tế hộ gia đình, làm gương cho nhiều hộ gia đình khác đặc biệt trong công tác chuyển đổi cây trồng trên đất dốc. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong huyện Thuận Châu giảm từ 3- 4% mỗi năm.
Những người có uy tín như ông Lò Văn Quốc, Vừ Sáy Chứ thường xuyên đề xuất với các cấp ủy, chính quyền địa phương về các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn.
Họ là những người cao tuổi có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực tố giác; phát giác tội phạm; nêu gương sáng của hội viên Hội người cao tuổi trong giáo dục con, cháu, người thân trong gia đình chấp hành các quy định của pháp luật. Ngoài ra, phát triển các câu lạc bộ liên thế hệ giúp nhau cùng tiến bộ.