Sơn La phát triển du lịch cộng đồng
ĐBP - Thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La) được thiên nhiên ưu đãi với hệ thống hang động, ao hồ, suối khoáng nóng đa dạng; các dân tộc sinh sống trên địa bàn có bản sắc văn hóa độc đáo, tạo thành những sản phẩm du lịch văn hóa giá trị. Ðặc biệt, nơi đây tập trung nhiều di tích lịch sử nổi tiếng đã được công nhận xếp hạng quốc gia, cấp tỉnh như: Khu di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, Di tích lịch sử cây đa bản Hẹo, Văn bia Quế Lâm Ngự Chế, Ðền thờ vua Lê Thái Tông, Quảng trường Tây Bắc, Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc...
Khách du lịch giao lưu văn nghệ tại homestay Tiến Quân (bản Cá, phường Chiềng An, TP. Sơn La).
Theo bà Lù Thị Ðoàn, Trưởng phòng Văn hóa thành phố, để khai thác lợi thế về du lịch và phát triển du lịch cộng đồng, Thành ủy Sơn La đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/Th.U ngày 8/4/2016 về phát triển du lịch đến năm 2020, thực hiện đề án phát triển du lịch, quy hoạch khu du lịch sinh thái, hỗ trợ các bản xây dựng du lịch cộng đồng... Bên cạnh đó, các bản đều có thiết chế văn hóa, đội văn nghệ, là môi trường phù hợp cho phát triển du lịch. Thành phố đã chọn 4 gia đình thí điểm mô hình nhà nghỉ lưu trú cộng đồng; các hộ được lựa chọn đều có nhà sàn đẹp, khuôn viên rộng rãi. Từ đó đã góp phần làm cho mô hình du lịch cộng đồng ở thành phố phát triển nhanh chóng, điển hình tại các xã, phường: Chiềng Cọ, Chiềng Xôm, Chiềng An. Không ít hộ gia đình đã đầu tư mô hình nhà nghỉ du lịch cộng đồng, thu hút hàng ngàn lượt du khách tới tham quan, trải nghiệm mỗi năm, góp phần bảo tồn, quảng bá và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Tại homestay Tiến Quân (bản Bó, phường Chiềng An), ông Lù Tiến Quân giới thiệu với chúng tôi: Nhận thấy lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, nét văn hóa của dân tộc Thái, tôi đầu tư làm mô hình nhà nghỉ lưu trú cộng đồng. Từ khi khai trương đến nay, gia đình tôi đã đón hàng trăm đoàn khách với hàng nghìn lượt du khách tới nghỉ và trải nghiệm, thu nhập bình quân 15 - 20 triệu đồng/tháng. Vừa nói, ông Quân vừa lấy ra một cuốn sổ, cho chúng tôi xem lưu bút ghi lại những cảm xúc và ấn tượng của du khách viết bằng các ngôn ngữ khác nhau về homestay Tiến Quân. Ðây chính là sự yêu mến của khách hàng dành cho homestay Tiến Quân, cũng là động lực để homestay này phát triển mô hình du lịch cộng đồng ngày càng tốt hơn.
Tương tự là hộ ông Quàng Văn Yên, ở bản Hùn, xã Chiềng Cọ, ông Yên đã dành toàn bộ tiền tiết kiệm của gia đình đầu tư làm nhà nghỉ du lịch cộng đồng. Từ năm 2017 tới nay, gia đình ông ngoài cung cấp dịch vụ lưu trú, ẩm thực, còn chế tác các dụng cụ phục vụ sinh hoạt thường ngày của đồng bào Thái, như: Giỏ tre, tẩu nặm (bầu đựng nước), ép khảu (giỏ đựng cơm)... trưng bày tại nhà nghỉ cộng đồng của gia đình, hướng dẫn du khách cách làm các vật dụng từ mây, tre, hoặc mua về làm quà kỷ niệm, thu hút đông đảo du khách tới tìm hiểu và trải nghiệm.
Trao đổi với lãnh đạo xã Chiềng Cọ, chúng tôi được biết: Xã chọn bản Hùn làm bản du lịch cộng đồng đầu tiên, nhằm tạo thành quần thể văn hóa thu nhỏ, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Thái; tạo sinh kế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Từ các mô hình nhà nghỉ du lịch cộng đồng nhỏ lẻ, xã xây dựng kế hoạch hình thành bản du lịch cộng đồng, nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của người dân. Các gia đình chủ động chỉnh trang nhà sàn cũ, cải tạo vườn tạp, khôi phục một số ngành nghề truyền thống như: Ðan lát, rèn, dệt thổ cẩm...
Với tiềm năng, lợi thế cùng những giải pháp đồng bộ, phát triển du lịch cộng đồng đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ gia đình ở TP. Sơn La, góp phần quảng bá hình ảnh địa phương với những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.