Sơn La sớm trả lại 'sổ đỏ' cho bà con một số diện tích trồng cao su không phù hợp

Sau hơn 10 năm đưa cây cao su vào trồng, tỉnh Sơn La đã phát triển được 6.000 ha diện tích cây cao su. Tuy nhiên, ngoài phần lớn diện cây cao su đang sinh trưởng, phát triển tốt và đã cho thu mủ, đến nay, toàn tỉnh vẫn còn gần 940 ha diện đất trồng cây cao su, song chưa trồng, hoặc trồng nhưng không hiệu quả.

Số diện tích này địa phương đang tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, sớm giải quyết trả lại “sổ đỏ” cho bà con yên sản xuất trên mảnh đất chính chủ của mình.

Gia đình ông Hoàng Văn Pan ở bản Đán 2, xã Chiềng sàng, huyện Yên Châu góp hơn 1.300m2 đất để trồng cây cao su từ những năm 2008. Thời điểm đó, người dân ở 2 bản Đán 1 và Đán 2 đã góp tổng cộng 76 ha để trồng. Thời gian sau đó, anh và nhiều người dân ở các bản đã được tuyển vào làm công nhân của công ty cổ phần cao su Sơn La.

Tuy nhiên, theo anh Pan, hơn 10 năm qua, các hộ dân nơi đây gần như không có thu nhập từ cây cao su, bởi nhiều diện tích ở sâu, xa, khoảnh nhỏ đất còn để trống; số đã trồng thì cây không cho mủ, hoặc cho sản lượng rất thấp. Vì thế, các hộ dân đã dần tự ý chặt bỏ, đến nay tổng 2 bản chỉ còn hơn 3 héc ta cây cao su.

Sau hơn 10 năm triển khai, tỉnh Sơn La đã phát triển được 6.000 ha cây cao su ở 6 huyện, gồm Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Mai Sơn, Yên Châu và Mường La.

Sau hơn 10 năm triển khai, tỉnh Sơn La đã phát triển được 6.000 ha cây cao su ở 6 huyện, gồm Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Mai Sơn, Yên Châu và Mường La.

“Cây cao su trong 1-2 năm đầu mới trồng còn trồng xen được các loại cây khác, nên mức sống của bà con vẫn ổn định. Còn từ năm thứ 3, thứ 4 và đến bây giờ thì đời sống bà con rất vất vả vì nhiều diện tích cao su không mang lại hiệu quả như mong muốn” - anh Pan nói.

Chủ tịch UBND xã Chiềng Sàng - ông Lường Văn Cường cũng cho biết, hiện Chiềng Sáng cũng chỉ còn khoảng 12 trong tổng số hơn 200 ha cao su đã trồng. Chính quyền và người dân trong xã mong muốn số đất đã góp để trồng cao su sớm được trả lại để người dân “danh chính ngôn thuận” khi sử dụng.

“Thu nhập từ cây cao su tại Chiềng Sàng so với cây ngô, cây mía thì thấp hơn nhiều. Như cây mía 1 ha cũng thu được 50 triệu đồng. Vì thế, bà con giờ chỉ mong muốn được trả lại đất đã trồng cây cao su để trồng ngô, mía, hoặc cây ăn quả” ông Cường cho biết.

Cùng nằm cạnh Quốc lộ 6 như xã Chiềng Sàng, Chiềng Pằn là xã phát triển nhiều diện tích cây cao su nhất huyện Yên Châu, với hơn 400 ha.

Ông Hoàng Văn Thành, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã cho biết, đến nay, cơ bản bà con đã chặt phá hết và chỉ còn chưa đầy 40 ha. Sau các lần kiến nghị, huyện, tỉnh và phía Công ty cổ phần cao su Sơn La đã về xã làm việc và đã tiếp nhận đề xuất từ cơ sở là trả lại đất cho “danh chính ngôn thuận”, chứ thực tế bà con đã trồng cây khác lên diện tích trồng cao su rồi.

“Công ty cao su trong những lần về làm việc ở huyện cũng thông tin là hiện đang vướng mắc về các thủ tục liên quan đến sổ đất mà người dân đã góp. Thực tế là chỗ nào cây cao su không hiệu quả là người dân đã chặt bỏ để trồng cây khác, nhưng đất thì vẫn là là của công ty, chưa trả lại cho dân” - ông Thành nói.

Phần lớn diện tích cao su đã trồng đang cho khai thác hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập của người dân.

Phần lớn diện tích cao su đã trồng đang cho khai thác hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập của người dân.

Tỉnh Sơn La đã phát triển 6.000 ha cây cao su trên địa bàn các huyện Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Mai Sơn, Yên Châu và Mường La. Đến nay, diện tích đã đưa vào khai thác là hơn 4.500 ha.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần cao su Sơn La cho biết, năm 2022 này, kế hoạch của Công ty là khai thác 4.900 tấn mủ. Đến hết tháng 10, sản lượng mủ khai thác đã đạt gần 3.300 tấn. Nhà máy chế biến cao su Sơn La 28/10 đã chế biến được 3.020 tấn và gia công chế biến được hơn 3.400 tấn cho Công ty cổ phần Cao su Điện Biên và Lai Châu. Chất lượng sản phẩm mủ do Nhà máy chế biến đều đạt tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu. Đến hết tháng 10, Công ty đã tiêu thụ xấp xỉ 3.000 tấn mủ, tổng giá trị hợp đồng tiêu thụ trên 187 tỷ đồng, doanh thu hơn 111 tỷ đồng.

Hiện nay, đời sống công nhân và các hộ góp đất trồng cây cao su đã cơ bản ổn định và từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, có hơn 370 ha đất đã trồng cao su nhưng cây cao su bị chết và hiện vẫn còn gần 940 ha đất tỉnh Sơn La đã giao cho Công ty, nhưng chưa trồng hoặc trồng nhưng không hiệu quả. Công ty hiện đang nỗ lực phối hợp với chính quyền địa phương và các ban, ngành tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để trả lại quyền sử đất cho bà con.

“Tỉnh Sơn La đã thành lập tổ công tác để rà soát, giải quyết các vấn đề vướng mắc trong quá trình phát triển cây cao su. Công ty chúng tôi cũng đã cử 1 Phó tổng giám đốc tham gia tổ này. Đến nay, đã thí điểm trả đất cho người dân vùng trồng cao su ở Yên Châu được 52 héc ta rồi. Tinh thần là đất nào đã hợp đồng góp đất trồng cao su, cây cao su đang phát triển tốt thì công ty tiếp tục ký kết hợp đồng với dân để triển khai; còn chỗ nào đã góp đất mà cây cao su không hiệu quả, thì làm thủ tục trả lại đất cho dân” - ông Tuấn nói.

Về phía tỉnh Sơn La, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, địa phương cũng đang tích cực phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam “gỡ khó” thủ tục pháp lý, nhằm giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc để sớm trả lại “sổ đỏ”cho dân những diện tích trồng cao su không phù hợp.

“Chúng tôi đang cùng với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam xem xét, tính toán, vì nhiều vùng dù chưa trồng cao su, hoặc trồng rồi không hiệu quả nhưng phía Tập đoàn đã đầu tư hạ tầng và nhiều công trình khác. Tập đoàn là doanh nghiệp sử dụng vốn Nhà nước, nên muốn thoái vốn, hoặc làm gì cũng phải được sự đồng ý của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước. Vì vậy, chúng tôi phải cùng Tập đoàn trình với Chính phủ để sửa quy định về chương trình phát triển, cũng như các quy định về hỗ trợ đối với chương trình phát triển cây cao su” - ông Công cho biết.

Chương trình phát triển cây cao su ở Sơn La có mức đầu tư 1.200 tỷ đồng. Đây là mức đầu tư về nông nghiệp lớn nhất của địa phương đến nay. Ngoài diện tích cây cao su đang phát triển tốt, Sơn La đang phối hợp với Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam nỗ lực giải quyết khó khăn, vướng mắc trả lại “sổ đỏ” diện đất trồng cao su không phù hợp cho người dân. Điều này cho thấy sự chủ động, kịp thời giải quyết những khó khăn, bất cập trong quá trình đầu tư, triển khai các dự án, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, người dân yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh bền vững./.

Nhóm PV/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/son-la-som-tra-lai-so-do-cho-ba-con-mot-so-dien-tich-trong-cao-su-khong-phu-hop-post993300.vov