Sơn La: Thu hút 13 dự án đầu tư với số vốn đăng ký hơn 14.500 tỷ đồng

Từ năm 2021 đến tháng 7/2024, Sơn La có 13 dự án đầu tư về lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại, nông nghiệp với số vốn đăng ký 14.515 tỷ đồng.

Vừa qua, tỉnh Sơn La đã tổ chức thành công Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 94-KL/TU ngày 23/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Qua 3 năm triển khai thực hiện Kết luận số 94-KL/TU, nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ và Nhân dân về vị trí vai trò của ngành du lịch được nâng lên, đã có sự nỗ lực, quyết tâm đưa ngành du lịch của tỉnh phát triển toàn diện, có hiệu quả.

Đến nay đã hoàn thành và về đích trước 1 năm đối với 02 mục tiêu lớn được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đó là:

Khu du lịch quốc gia Mộc Châu chính thức được công nhận theo quy định của Luật Du lịch và 3 năm liên tiếp được Tổ chức giải thưởng du lịch thế giới (World Traval Awards) bình chọn là “Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu châu Á” và 2 năm liên tiếp được bình chọn “Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới”.

Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La chính thức được đưa vào quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 94 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La

Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 94 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La

Hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, đặc biệt là tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn qua tỉnh Sơn La; các công trình hạ tầng như: đường giao thông trục chính, đường giao thông nội bộ, điện, công viên, quảng trường... được ưu tiên, tập trung huy động các nguồn vốn.

Công tác thu hút đầu tư được đẩy mạnh từ năm 2021 đến tháng 7/2024 có 13 dự án đầu tư về lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại, nông nghiệp với số vốn đăng ký 14.515 tỷ đồng. Nhiều sản phẩm du lịch được hình thành, phát triển gắn với sinh thái, nông nghiệp và văn hóa đã đáp ứng xu thế, nhu cầu của khách du lịch, 05 nhóm sản phẩm du lịch chủ đạo.

Đến nay, Sơn La có 12 khu du lịch, điểm du lịch đã được công nhận. Chất lượng nguồn nhân lực du lịch, dịch vụ du lịch từng bước được nâng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch.

Tổng số lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch ước đạt 6.500 người, trong đó qua đào tạo ước đạt khoảng 60%.

Từ 2021 đến tháng 9/2024, khách du lịch đến với Sơn La đạt hơn 12 triệu lượt, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 12.600 tỷ đồng; tăng trưởng nhanh, ổn định ở mức 13%/năm. Trong đó 9 tháng đầu năm 2024 khách đến Sơn La đạt gần 4 triệu lượt, doanh thu ước đạt 4,5 nghìn tỷ đồng; tạo việc làm cho trên 6.000 người.

Đồng chí Hoàng Quốc Khánh phát biểu tại Hội nghị

Đồng chí Hoàng Quốc Khánh phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, bên cạnh nêu bật kết quả đạt được, các đại biểu cũng đã thảo luận làm rõ những mặt còn tồn tại, hạn chế như: Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch còn hạn chế; công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch trên hệ thống truyền thông, mạng xã hội, công nghệ số có hiệu quả chưa cao.... Đồng thời đề xuất nhiều ý kiến như: Tăng cường công tác quản lý Nhà nước; tăng cường tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án du lịch sớm đi vào hoạt động…

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Quốc Khánh nhấn mạnh, du lịch có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ghi nhận, biểu dương những kết quả và thành tựu đã đạt được sau 03 năm triển khai thực hiện Kết luận số 94 về phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được; khắc phục những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên; Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo: Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 94 về phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng trung du miền núi Bắc bộ.

Phát huy những kết quả đạt được, tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng, thu hút đầu tư; xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị để phát triển du lịch theo hướng trọng tâm, trọng điểm với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.

Phát huy lợi thế của tỉnh về văn hóa và nông nghiệp để phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, hấp dẫn, trong đó quan tâm, chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với phát triển du lịch; triển khai các chương trình phát triển du lịch nông nghiệp. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu, hình ảnh du lịch Sơn La.

Ưu tiên nguồn lực thực hiện chuyển đổi số, phát huy vai trò, thế mạnh của công nghệ thông tin và phương tiện truyền thông hiện đại. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Sơn La phát triển du lịch bền vững và hội nhập” giai đoạn 2023 - 2025, kịp thời tuyên dương, động viên gương điển hình tiên tiến trong phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Ngọc Châm

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/son-la--thu-hut-13-du-an-dau-tu-voi-so-von-dang-ky-hon-14-500-ty-dong-127789.htm