Sơn La thực hiện các giải pháp đồng bộ phổ cập giáo dục và xóa mù chữ
Để đạt được mục tiêu phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, những năm qua cả hệ thống chính trị ở Sơn La đồng loạt vào cuộc bằng các giải pháp thiết thực.
Nỗ lực vượt khó…
Để thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục, xóa mù chữ (XMC), thời gian qua, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo ngành giáo dục phối hợp với các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tham gia thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, tạo nền tảng vững chắc để phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
PGS. TS Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La cho biết: Để đạt kết quả như hiện này, ngành giáo dục đã phải triển khai nhiệm vụ phổ cập giáo dục (PCGD), xóa mù chữ trong điều kiện cơ sở vật chất trường, lớp học còn hạn chế, nhất là những điểm trường lẻ xa trung tâm. Cùng với đó, số nhóm trẻ, trường/lớp mẫu giáo dân lập, tư thục tăng nhanh, nhưng phân bố không tập trung, trong đó một số nhóm, lớp cơ sở vật chất chưa đảm bảo.
Đồng thời, đội ngũ giáo viên, nhân viên không ổn định, chất lượng chăm sóc, giáo dục, bảo vệ an toàn cho trẻ còn có mặt hạn chế. Kinh phí thực hiện PCGD, xóa mù chữ tại một số huyện trong tỉnh chưa được phân bổ kịp thời, đầy đủ theo lộ trình. Cơ sở vật chất trường học tuy đã được đầu tư xây dựng nhưng vẫn còn phòng học tạm, phòng học mượn.
“Nắm bắt được những hạn chế khó khăn ở cấp cơ sở, chúng đã chủ trì phối hợp với các cấp, ban ngành chung tay tháo gỡ vướng mắc và đề ra các giải pháp phù hợp với thực tế. Cùng với đó, chúng tôi chỉ đạo các đơn vị nhà trường chỉ đạo giáo viên phối hợp với Ban Quản lý bản đến vận động người dân chưa biết đọc, viết tham ra lớp xóa mù chữ.
Còn đối với những người nằm trong diện phổ cập giáo dục, chúng tôi cũng chỉ đạo phòng giáo dục rà soát lại, rồi phối hợp với cấp xã vận động theo học lớp phổ cập giáo dục. Nhờ đó, công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ đã đạt kết quả tích cực", ông Hoàng thông tin.
Đến nay, toàn tỉnh Sơn La có 96,9% số phòng học kiên cố, bán kiên cố; gần 100% giáo viên bậc tiểu học và THCS đạt trình độ chuẩn trở lên. Toàn tỉnh đã huy động 99,96% trẻ 6 tuổi vào học lớp 1; 99,14% trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học; 99,52% trẻ đến 14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học. Đồng thời, huy động 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học năm học 2021 -2022 vào học lớp 6 năm học 2022 - 2023; 90% người từ độ tuổi 15 - 18 có bằng tốt nghiệp THCS...
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Trong quá trình thực hiện, tỉnh Sơn La đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đối với công tác giáo dục - đào tạo, xây dựng xã hội học tập, khuyến học, khuyến tài. Đồng thời, quy định mức chi hỗ trợ PCGD mầm non trẻ 5 tuổi, xóa mù chữ và chống mù chữ, duy trì kết quả PCGD tiểu học.
Cùng với đó, tỉnh Sơn La chỉ đạo ngành giáo dục thực hiện PCGD THCS đúng độ tuổi; chính sách hỗ trợ cho phụ nữ, trẻ em gái học chương trình xóa mù chữ và giáo dục xóa mù sau biết chữ; kế hoạch thực hiện nhiệm vụ PCGD, xóa mù chữ giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030...
Cấp ủy, chính quyền các cấp đã tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc; gắn kết trách nhiệm giữa các cấp, các ngành, các đoàn thể, nhằm đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về PCGD - xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan, đơn vị, các sở, ngành, tổ chức đoàn thể, 12 huyện, thành phố đã chủ động phối hợp với Sở GD&ĐT tham mưu cho tỉnh thực hiện tốt công tác PCGD và xóa mù chữ.
Đồng thời, phối hợp với chính quyền các địa phương xây dựng, quy hoạch phát triển mạng lưới trường học; huy động các nguồn lực, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học, bố trí đội ngũ giáo viên các cấp học đáp ứng yêu cầu dạy và học...
Theo ông Quàng Văn Lâm, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La để thực hiện nhiệm vụ PCGD - xóa mù chữ, ngành đã tham mưu với tỉnh và phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền các địa phương huy động các nguồn lực từ các chương trình, dự án, nguồn xã hội hóa để phát triển mạng lưới trường học.
Đồng thời, cùng các sở, ngành ký kết chương trình phối hợp thực hiện PCGD và xóa mù chữ, cũng như giáo dục sau biết chữ để chống tái mù chữ. Triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập”, hỗ trợ nhân dân tham gia học xóa mù chữ; hướng dẫn kiểm tra công nhận “Cộng đồng học tập cấp xã”, “Đơn vị học tập”...
Bên cạnh đó, chương trình xóa mù chữ ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng cao biên giới được Hội LHPN các cấp trong toàn tỉnh đã vận động hội viên, phụ nữ và trẻ em gái chưa biết chữ tham gia các lớp xóa mù chữ được tổ chức trên địa bàn.
Tính từ năm 2015 đến nay, hội phụ nữ các cấp đã vận động được gần 13.000 phụ nữ tham gia các lớp xóa mù chữ. Đồng thời, xây dựng mô hình “vườn rau cho con” tại các trường học có học sinh bán trú, góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn, giúp các em yên tâm học tập.
Bộ Chỉ huy BĐBP Sơn La đã phân công cán bộ, sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp có kỹ năng sư phạm tham gia dạy xóa mù chữ. Từ năm 2012 đến hết quý I/2023, các Đồn Biên phòng: Mường Lạn, Mường Lèo, Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp; Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, đã phối hợp tổ chức được 35 lớp xóa mù chữ, với 801 học viên.
Thiếu tá Nguyễn Duy Hiển, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, cho biết: Chương trình xóa mù chữ được triển khai ở các đồn biên phòng, huy động các đồng chí có khả năng sư phạm tham gia giảng dạy. Các học viên biết đọc, biết viết, thuận lợi trong việc tiếp cận với kiến thức trên các lĩnh vực để nâng cao chất lượng cuộc sống, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền.
Theo PGS. TS Nguyễn Huy Hoàng, để duy trì và nâng cao chất lượng công tác PCGD, xóa mù chữ, Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng các cấp đối với công tác này. Tiếp tục phối hợp với đảng ủy các xã, phường, thị trấn đưa chỉ tiêu PCGD, xóa mù chữ vào Nghị quyết phát triển kinh tế, xã hội.
Phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức đoàn thể trong việc huy động nguồn lực phục vụ phát triển giáo dục; tích cực vận động nhân dân từ 15 - 60 tuổi chưa biết chữ đi học. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý góp phần nâng cao dân trí ở những vùng còn khó khăn của tỉnh.